Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM) được cho là có hai quốc tịch gồm Việt Nam và Cộng hòa Síp (Cyprus) đã và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận kể từ khi tên của vị đại biểu này nằm trong tài liệu mật được hãng tin Al Jazeera (Qatar) tung ra.

Theo quy định, đại biểu Quốc hội có sự thay đổi về lý lịch sẽ phải báo cáo cơ quan quản lý. Hơn nữa, trong luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) cũng quy định rõ về việc đại biểu Quốc hội không được có 2 quốc tịch.

Trả lời một số cơ quan báo chí, ông Phạm Phú Quốc đã thừa nhận có quốc tịch Cộng hòa Síp từ giữa năm 2018. Lý do được ông Quốc đưa ra là “gia đình bảo lãnh” chứ không phải ông chi tiền “mua” quốc tịch.

Tối ngày 26/8, xác nhận với phóng viên Báo Bảo vệ Pháp luật, ông Trần Văn Tuý - Trưởng Ban Công tác Đại biểu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông tin, Ban Công tác đại biểu vẫn đang tiến hành xác minh, kiểm tra về quốc tịch của ông Phạm Phú Quốc.

Ông Trần Văn Túy cũng cho biết: “Hiện chưa có thông tin mới”.

Cũng theo Trưởng Ban Công tác Đại biểu Trần Văn Túy, đến nay sự việc mới thấy ông Phạm Phú Quốc xác nhận trên báo chí. Bởi vậy, việc xem xét phải được thực hiện hết sức cẩn trọng, nghiêm ngặt. Đến thời điểm này, công tác xác minh, kiểm tra vẫn đang được tiến hành.

leftcenterrightdel
 Ông Phạm Phú Quốc được cho là có cả quốc tịch Cộng hòa Síp nhưng không khai báo.

Trao đổi với phóng viên Báo Bảo vệ Pháp luật, PGS.TS. Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa 13 cho rằng: “Luật đã quy định rất rõ rồi, anh là đại biểu Quốc hội thì anh chỉ được 1 quốc tịch là Việt Nam.

Là đại biểu, quy định đó anh phải nắm được mà anh lại vi phạm. Khi có thay đổi anh phải báo cáo mà anh lại không báo cáo là sai”.

“Nếu kết quả xác minh cho thấy ông Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch thì ông Quốc sai rất nặng. Cơ quan Quốc hội cần vào cuộc làm rõ để có kết quả sớm nhất thông tin đến nhân dân, cử tri cả nước”, PGS.TS. Bùi Thị An nói.

PGS.TS. Bùi Thị An cũng bày tỏ sự khó hiểu, thất vọng đối với một đại biểu Quốc hội, người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, đại biểu thuộc cơ quan lập pháp cao nhất của nhà nước mà anh lại vi phạm quy định là điều khó có thể chấp nhận.

Đại biểu Quốc hội khóa 13 Bùi Thị An không bình luận gì thêm về con số 2,5 triệu USD để có quốc tịch của Cộng hòa Síp. 

leftcenterrightdel
Đại biểu Bùi Thị An cho rằng, đại biểu Quốc hội chỉ được 1 quốc tịch là Việt Nam, ông Phạm Phú Quốc nắm rõ điều đó mà vi phạm là điều khó chấp nhận được. 

Theo hãng tin trên, người muốn nhập tịch của Cộng hòa Síp phải bỏ ra ít nhất 2,15 triệu Euro (khoảng 2,5 triệu USD tương đương trên 50 tỉ đồng). Điều này đồng nghĩa người sở hữu sẽ trở thành công dân Liên minh châu Âu (EU), được đi lại, làm việc tự do ở 27 nước thành viên EU và có thể nhập cảnh vào 174 quốc gia mà không cần visa.

Ông Phạm Phú Quốc, sinh năm 1968 tại Quảng Trị, ông tốt nghiệp Đại học Thủy sản Nha Trang (Khánh Hòa), sau đó học chương trình sau đại học và có bằng thạc sỹ Quản trị kinh doanh.

Đầu năm 2014, ông Phạm Phú Quốc được bổ nhiệm làm Chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Bến Thành. Tháng 9/2015, UBND TP.HCM bổ nhiệm ông giữ chức vụ Thành viên không chuyên trách Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC).

Trên cương vị Tổng giám đốc HFIC, ông Phạm Phú Quốc được Ủy ban Mặt trận tổ quốc TP.HCM giới thiệu ứng viên đại biểu Quốc hội khóa 14 (nhiệm kỳ 2016 - 2021) và tham gia ứng cử tại đơn vị bầu cử số 4 (quận 5, quận 10 và quận 11).

Ông Phạm Phú Quốc đã trúng cử đại biểu Quốc hội khóa 14 (với tỷ lệ 53,94%).

Đầu năm 2018, ông Phạm Phú Quốc được điều chuyển sang làm Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM. Đây cũng là giai đoạn xảy ra lùm xùm trong việc ông có thêm quốc tịch và đã từng có đơn xin thôi làm nhiệm vụ.

Đầu tháng 12/2019, ông Phạm Phú Quốc (SN 1968) được điều động, bổ nhiệm làm Thành viên không chuyên trách Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC).

Quyết định trên được UBND TP.HCM ban hành sau khoảng nửa năm ông Tề Trí Dũng – tổng giám đốc Công ty Tân Thuận bị khởi tố, bắt tạm giam về hai tội danh tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Liên quan đến câu chuyện đại biểu Quốc hội có quốc tịch nước ngoài, vào năm 2016, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường và gia đình đã nhập quốc tịch Cộng hòa Malta nhưng việc này không được bà Hường kê khai trong hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội.

Ngày 17/7/2016, 100% các thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia bỏ phiếu không xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường vì không đủ tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội khóa XIV và cá nhân bà Nguyệt Hường có đơn xin rút không tham gia đại biểu Quốc hội khóa XIV.

 

Trần Vũ