Cho phép mục đích sử dụng đất không đúng quy định Luật Đất đai 2013
Theo đó, nhìn chung trong giai đoạn giai đoạn 2014-2018, công tác quản lý, sử dụng đất đai đã được UBND tỉnh Ninh Thuận và các cấp các ngành quan tâm thực hiện theo các quy định của nhà nước. UBND tỉnh đã phê duyệt và trình phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện và ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, làm căn cứ pháp lý cho việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện các dự án theo quy định của Luật Đất đai, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh.
Việc quy hoạch, thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (giai đoạn năm 2010 và định hướng đến năm 2020) đã được UBND tỉnh phê duyệt tại các Quyết định năm 2008, năm 2018.
Công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng được UBND tỉnh Ninh Thuận tập trung chỉ đạo ngay sau khi Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn... có hiệu lực. Về cơ bản, các quy định đã được UBND tỉnh cụ thể hóa bằng văn bản, tạo cơ sở cho các cơ quan, địa phương trong tỉnh thực hiện.
Tuy nhiên, theo thông báo kết luận thanh tra, trong việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, việc triển khai công tác lập, trình thẩm định điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh còn chậm, chưa đảm bảo đồng bộ, chất lượng có mặt còn hạn chế. Khả năng dự báo về chỉ tiêu đất năng lượng chưa phù hợp với nhu cầu phát triển năng lượng điện mặt trời trên địa bàn.
Công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các huyện, thành phố còn chưa phù hợp quy định, chất lượng chưa cao, kế hoạch sử dụng đất còn chưa sát với thực trạng tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương dẫn đến phải điều chỉnh; một số chỉ tiêu được phê duyệt và thực hiện chưa đạt yêu cầu, chỉ tiêu đất phi nông nghiệp đạt thấp.
Trình tự, thủ tục một số hồ sơ giao đất, cho thuê đất còn thiếu sót, khuyết điểm như: Diện tích sử dụng đất của dự án không phù hợp với diện tích đất trong quy hoạch sử dụng; một số dự án điện mặt trời sử dụng đất thuộc vùng quy hoạch tưới của dự án thuỷ lợi nhưng chưa xác định đầu tư kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; một số hồ sơ giao đất, cho thuê đất không có văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất; không thẩm định điều kiện giao đất cho thuê đất theo quy định; việc giao đất, cho thuê đất một số dự án không phù hợp với tiến độ thực hiện dự án; có dự án cho thuê đất không đúng theo nội dung quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án; điều chỉnh thời hạn cho thuê đất không đúng quy định của pháp luật, không ký điều chỉnh hợp đồng thuê đất khi điều chỉnh quyết định cho thuê đất; một số dự án cho phép mục đích sử dụng đất không đúng quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật Đất đai 2013.
Tại một số dự án, việc đưa đất vào sử dụng còn chậm do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, diện tích đất được bàn giao cũng như hạ tầng đầu mối cấp nước, cấp điện không đồng bộ... Một số dự án do năng lực của nhà đầu tư còn hạn chế; có dự án vi phạm việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và quản lý rừng (dự án Khu vui chơi giải trí và trồng rừng phòng hộ ven biển), chồng lấn quy hoạch thăm dò, khai thác chế biến Titan và diện tích đất rừng (dự án Mũi Dinh Ecopark), vi phạm trật tự xây dựng... dẫn đến chậm tiến độ thực hiện đầu tư, hiệu quả đầu tư thấp.
Việc quản lý sử dụng đất đai tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn hạn chế. Một số hồ sơ xác định giá đất cụ thể để giao đất, cho thuê đất áp dụng không đúng quy định của pháp luật về phương pháp xác định giá đất, cần phải rà soát, xác định lại theo quy định; việc đôn đốc thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai chưa thường xuyên, kịp thời đến thời điểm thanh tra (30/6/2019) số tiền còn phải thu là 27,415 tỷ đồng.
Chưa có kế hoạch, phương án cụ thể để khai thác quỹ đất đã thu hồi (của các dự án có vi phạm) theo đúng quy định của pháp luật, có những khu đất thu hồi từ năm 2015 hiện vẫn để trống.
Việc quản lý quỹ đất công ích không chặt chẽ, dẫn đến việc sử dụng đất sai mục đích theo quy định tại khoản 2 Điều 132 Luật Đất đai năm 2013 (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, huyện Ninh Hải); hầu hết các địa phương cho thuê đất nông nghiệp không thông qua đấu giá theo quy định tại khoản 3 Điều 132 Luật Đất đai năm 2013; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên đất công ích (huyện Thuận Bắc); sử dụng đất công ích sản xuất nông nghiệp nhưng không ký hợp đồng thuê đất (huyện Thuận Nam).
Quy định về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại địa phương còn có những nội dung chưa phù hợp (chính sách ban hành sau không bằng chính sách ban hành trước).
|
|
Hoạt động khai thác cát trên sông Dinh thuộc tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh minh hoạ) |
Theo kết luận thanh tra, những vi phạm nêu trên thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, các tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan.
Lập, thẩm định, phê duyệt dự án chưa tuân thủ quy định về trình tự, thủ tục
Về công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (cát, sỏi lòng sông), UBND tỉnh Ninh Thuận chưa lập và phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận năm 2017-2018 theo quy định tại quyết định số 75 ngày 26/10/2015.
Cơ quan chuyên ngành chậm tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo tiêu chí mới của Nghị định số 158 năm 2016 của chính phủ.
UBND tỉnh chậm phê duyệt phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác là chưa thực hiện Điều 18 Luật Khoáng sản năm 2010.
UBND tỉnh để chủ mỏ sau khi được cấp phép chậm khai thác, khai thác không đảm bảo về tiến độ trong dự án đầu tư nhưng không kiến nghị xử lý theo quy định của Luật Khoáng sản 2010.
Các cơ quan quản lý của tỉnh Ninh Thuận kiểm tra, phát hiện có sai phạm trong việc khai thác xuất khẩu cát nhiễm mặn nhưng chậm kiến nghị UBND tỉnh xử lý theo quy định.
Những vi phạm nêu trên thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh, các sở, ban ngành và các đơn vị có liên quan.
Về công tác quản lý đầu tư xây dựng: Đối với công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, lãnh đạo UBND tỉnh còn thiếu kiên quyết trong công tác chỉ đạo, điều hành đối với một số nội dung; các sở, ngành, địa phương chưa làm hết trách nhiệm trong việc tham mưu, phối hợp xử lý các vấn đề liên quan đến nhiều ngành, địa phương. Còn để xảy ra các khuyết điểm tồn tại như: Việc ban hành một số quy định chưa phù hợp, còn chậm; công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch chưa tốt; xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư công chậm; bố trí vốn thực hiện dự án đầu tư xây dựng, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, giám sát đánh giá đầu tư, quyết toán dự án hoàn hoàn thành còn nhiều sai sót.
Đối với công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn nhà nước còn có những hạn chế nhất định về năng lực, trách nhiệm để xảy ra một số vi phạm, khuyết điểm như: Lập, thẩm định, phê duyệt dự án chưa tuân thủ quy định về trình tự, thủ tục; lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, thiết kế chưa đạt yêu cầu, chất lượng thấp; công tác lựa chọn nhà thầu chưa đảm bảo quy định về công khai, điều kiện chỉ định thầu.
Việc ký kết và thực hiện hợp đồng xây dựng thiếu chặt chẽ; công tác nghiệm thu, thanh quyết toán còn nhiều sai sót...
Kiểm điểm trách nhiệm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận
Từ những kết luận trên, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ kiểm điểm trách nhiệm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận có liên quan đến các vi phạm, khuyết điểm được nêu trong kết luận thanh tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, hoạt động thăm dò, khai thác cát sỏi và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Đồng thời, giao Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý theo thẩm quyền được phân cấp, đồng thời chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan đến các thiếu sót, sai phạm được nêu trong kết luận thanh tra và các biên bản làm việc của đoàn thanh tra, từ đó xác định hình thức xử lý phù hợp quy định của pháp luật.
Mặt khác, rà soát, xem xét thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thu hồi đất đối với nhà đầu tư không đảm bảo năng lực, vi phạm tiến độ đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, quản lý, chuyển đổi và sử dụng đất rừng theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện dự án đảm bảo tiến độ, đối với một số dự án chậm tiến độ có nguyên nhân khách quan cần khẩn trương triển khai tốt công tác giải phóng mặt bằng để kịp thời bàn giao đất cho các nhà đầu tư, chỉ đạo triển khai hỗ trợ đầu tư hạ tầng kĩ thuật ngoài hàng rào dự án như cấp điện, cấp nước sinh hoạt theo cam kết của UBND tỉnh, đồng thời yêu cầu các nhà đầu tư cam kết tiến độ dự án cụ thể để tổ chức thực hiện.
Về xử lý về kinh tế, tài chính, Kết luận thanh tra kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước số tiền 188,187 tỷ đồng.