Các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp 247.433 lượt người

Thanh tra Chính phủ cho biết, 9 tháng đầu năm 2021 toàn ngành Thanh tra đã triển khai 5.266 cuộc thanh tra hành chính và 139.893 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 45.665 tỉ đồng, 6.878 ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi 11.494 tỉ đồng và 3.378 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 34.171 tỉ đồng, 3.499 ha đất; ban hành 99.913 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 2.464 tỉ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 2.246 tập thể và 4.194 cá nhân; chuyển CQĐT tiếp tục xem xét, xử lý 216 vụ, 152 đối tượng. 

Trong công tác giám sát, thẩm định và xử lý về thanh tra, toàn ngành Thanh tra đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 5.499 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, trong đó có 3.438 kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% các nội dung phải thực hiện (chiếm 62,5% tổng số kết luận thanh tra được đôn đốc, kiểm tra). Qua đôn đốc, các cơ quan chức năng đã thu hồi 2.917 tỉ đồng (đạt tỉ lệ 44,5%), 100 ha đất; xử lý hành chính 2.064 tổ chức, 6.067 cá nhân; chuyển CQĐT 55 vụ, 66 đối tượng; khởi tố 6 vụ, 5 đối tượng; ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 691 văn bản về cơ chế, chính sách, pháp luật theo kiến nghị tại các kết luận thanh tra (đạt 80,6%).

Trong công tác tiếp công dân và xử lý đơn, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp 247.433 lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, với 259.474 người được tiếp về 193.568 vụ việc, có 2.071 đoàn đông người.

Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 14.463 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỉ lệ 73,1%, trong đó Thanh tra Chính phủ kết luận, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý, giải quyết 22 vụ việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân, tổ chức; các bộ, ngành, địa phương đã giải quyết 14.440 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. 

Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước 40,9 tỉ đồng, 43,9 ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 101,9 tỉ đồng, 12,4 ha đất; khôi phục đảm bảo quyền lợi cho 28 tổ chức, 1.321 cá nhân; kiến nghị xử lý 405 người; chuyển CQĐT tiếp tục xử lý 15 vụ, 19 đối tượng.

Xử lý 115 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm

Trong công tác phòng, chống tham nhũng, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Ban hành mới 9.811 văn bản để thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành; sửa đổi, bổ sung 381 văn bản, bãi bỏ 139 văn bản không phù hợp.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo, công chức Thanh tra Chính phủ tiếp công dân định kỳ. (Ảnh minh hoạ) 

Về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo, phòng, chống tham nhũng được công bố, công khai theo đúng quy định của pháp luật; các bộ, ngành, địa phương kiểm tra tại 7.533 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 114 đơn vị vi phạm. 

Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành 10.264 văn bản; huỷ bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung 2.602 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; tiến hành 3.173 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 181 vụ việc vi phạm, 401 người vi phạm, kiến nghị thu hồi và bồi thường 85,6 tỉ đồng. 

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội; tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại 5.741 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 115 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm. 

Các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác đối với 15.773 cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng. 

Trong thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập, số người đã thực hiện kê khai tài sản, thu nhập trong kỳ là 542.111 người; số người được xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập 13.595 người, số người bị kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực là 1 người; tiến hành kiểm tra việc thực hiện kê khai, công khai tài sản thu nhập là 4.603 cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Có 20 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 11 người. Đồng thời, qua hoạt động kiểm tra nội bộ, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 30 vụ việc, 55 người tham nhũng và liên quan đến tham nhũng.

Cũng theo Thanh tra Chính phủ, trong thời gian tới, một trong các nhiệm vụ trọng tâm công tác thanh tra đó là tiếp tục tăng cường phối hợp để hạn chế và xử lý kịp thời chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát; xử lý nghiêm và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiên hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Tăng cường công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra; có biện pháp xử lý nghiêm cơ quan, tổ chức, cá nhân cố tình trì hoãn, không thực hiện kết luận thanh tra. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện kết luận thanh tra, nhất là đối với các kết luận thanh tra phức tạp, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Ngoài ra, trong công tác phòng, chống tham nhũng, hoàn thiện Đề án về cơ sở dữ liệu quốc gia kiểm soát tài sản, thu nhập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Uỷ ban kiểm tra Trung ương, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan xây hoàn thiện dự thảo Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, tăng cường xây dựng các tiêu chí, điều kiện, tiêu chuẩn và công cụ kiểm tra, giám sát; coi trọng công tác giám sát, kiểm tra nội bộ.

P.V