Theo tìm hiểu, ngày 31/7/2020, TAND tối cao đã ra kết luận số 253 về việc “Kết luận Thanh tra công vụ và kiểm tra việc thực hiện quyết định số 120 của TAND tối cao đối với TAND hai cấp tỉnh Đắk Nông”.
|
|
Trụ sở TAND tỉnh Đắk Nông. |
Kết luận số 253 đã chỉ ra nhiều hạn chế, thiếu sót, vi phạm xảy ra tại TAND tỉnh Đắk Nông. Cụ thể, trong quá trình xét xử các vụ án hình sự của TAND hai cấp tỉnh này vẫn có những sai sót như cho bị cáo hưởng án treo, phạt tiền không đúng; áp dụng hình phạt không tương xứng với tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của bị cáo; một số thẩm phán có tỷ lệ hủy án hơn 1,16%; có một vụ án oan sai xảy ra tại TAND huyện Tuy Đức...
Ngoài ra, để xảy ra việc 57 hồ sơ vụ án dân sự đình chỉ ở TAND huyện Đắk Song năm 2016.
Trên cơ sở kết luận của TAND tối cao, TAND tỉnh Đắk Nông đã nghiêm túc nhận khuyết điểm, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm những người vi phạm.
Theo Ban cán sự Đảng TAND tỉnh Đắk Nông, nguyên nhân để xảy ra những sai phạm nói trên một phần do một số Thẩm phán, thư ký Thẩm tra viên, công chức thiếu kinh nghiệm, năng lực còn hạn chế, chưa thực sự cố gắng, nỗ lực nghiên cứu, thực hiện công tác chuyên môn nghiệp vụ được giao, có lúc thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ công. Một số lãnh đạo đơn vị chưa thực sự chặt chẽ, sâu sát với công việc, có lúc còn nể nang, du di cho cấp dưới; thiếu kinh nghiệm trong công tác quản lý...
Cũng theo Ban cán sự Đảng TAND tỉnh Đắk Nông, các sai phạm, thiếu sót của công chức hàng năm đều kiểm điểm để rút kinh nghiệm và hạ mức đánh giá, xếp loại, hạ mức thi đua... nên coi như đã xử lý. Có nhiều công chức xin thôi việc do không chịu nổi áp lực cũng ảnh hưởng nhất định đến công tác xử lý cán bộ, công chức (từ năm 2016 đến nay, TAND hai cấp tỉnh Đắk Nông có 10/138 công chức là Thư ký, Thẩm phán xin nghỉ việc.
Về nguyên nhân khách quan khác, Ban cán sự Đảng TAND tỉnh Đắk Nông cho hay, nhiệm vụ của công chức trong hệ thống Tòa án nói chung, Thẩm phán nói riêng đòi hỏi năng lực, phẩm chất rất cao; các quy định ràng buộc đối với công chức, Thẩm phán trong hệ thống Tòa án là quá chặt chẽ, nghiêm khắc, áp lực xã hội, áp lực nghề nghiệp, áp lực chính trị rất lớn.
Một số nội dung để xử lý Thẩm phán theo Quy định 120 chỉ được thực hiện khi người này hết nhiệm kỳ. Do vậy, tại thời điểm kiểm tra hoặc trong năm Thẩm phán có thể vi phạm về tỉ lệ, tuy nhiên hết nhiệm kỳ số liệu đã khác nên không vi phạm...
Riêng ông Ngô Đức Thọ, Chánh án TAND tỉnh Đắk Nông thừa nhận: “Bản thân, mặc dù có nhiều biện pháp, cách thức trong chỉ đạo, điều hành, tuy nhiên có lúc chưa theo dõi, kiểm tra sát sao đối với Thẩm phán và TAND cấp dưới. Bản thân với nhận thức, nếu công chức có tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ hoặc sai phạm do mục đích cá nhân gây hậu quả nghiêm trọng thì phải xử lý nghiêm minh.
Tuy nhiên, với những sai phạm do nhận thức, do năng lực, do thiếu kinh nghiệm, do quan điểm đánh giá chứng cứ, mặc dù các sai phạm đều có xử lý nhưng vì tình cảm, thông cảm với Thẩm phán, công chức... nên bản thân có lúc nương nhẹ trong xử lý trách nhiệm. Một số trường hợp có sai phạm, bản thân chỉ tiến hành kiểm điểm để rút kinh nghiệm, hạ đánh giá, xếp loại công chức...”.
Trước yêu cầu xử lý nghiêm của tại kết luận số 253 của TAND tối cao, ngày 11/9/2020, TAND tỉnh Đắk Nông đã họp kiểm điểm với tất cả các Thẩm phán, công chức có sai phạm. Cụ thể, kỷ luật cảnh cáo và đề nghị miễn nhiệm một thẩm phán sơ cấp; nguyên Chánh án TAND huyện Tuy Đức bị kỷ luật khiển trách vì là người đứng đầu đơn vị có án oan; kỷ luật khiển trách 1 Thẩm phán do báo cáo không trung thực khi đề nghị bổ nhiệm lại Thẩm phán sơ cấp.
Xử lý 5 trường hợp có án hủy vượt 1,16% và 3 trường hợp cho bị cáo hưởng án treo không đúng quy định…
Ban cán sự Đảng TAND tỉnh Đắk Nông cho rằng, đây là bài học sâu sắc trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TAND tỉnh, tập thể Ban cán sự Đảng TAND tỉnh nghiêm túc kiểm điểm, nhận trách nhiệm trước Ban cán Đảng, lãnh đạo TAND Tối cao.
Như Báo Bảo vệ pháp luật đã đưa tin, vừa qua UBKT Tỉnh ủy Đắk Nông đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với các ông bà: Phạm Văn Phiếm, đảng viên, Chánh án TAND huyện Tuy Đức, nguyên Huyện ủy viên, Bí thư Chi bộ, Chánh án TAND huyện Đắk Song; Nguyễn Thị Hải Âu, đảng viên, Phó Chánh án TAND huyện Krông Nô, nguyên Phó Bí thư Chi bộ, Phó Chánh án TAND huyện Đắk Song; Nguyễn Xuân Triệu, đảng viên, Thẩm phán TAND huyện Tuy Đức, nguyên Thẩm phán TAND huyện Đắk Song.
Các cán bộ nói trên bị kỷ luật vì trong giai đoạn năm 2016 đã để cấp dưới tạo lập 57 hồ sơ vụ án dân sự không có đương sự, không có tranh chấp thực tế, trong đó có trực tiếp giải quyết một số hồ sơ, vi phạm quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự.
Liên quan đến vụ việc này trước đó, đoàn liên ngành gồm VKSND tỉnh Đắk Nông và TAND tỉnh đã tiến hành kiểm tra. Theo kết quả kiểm tra, TAND huyện Đắk Song thụ lý giải quyết nhiều vụ án dân sự không có nguyên đơn, bị đơn và không có tranh chấp trên thực tế...
Sau đó, thay mặt đoàn kiểm tra, lãnh đạo VKSND tỉnh Đắk Nông đã ký kết luận kiểm tra và kiến nghị Chánh án TAND tỉnh xem xét làm rõ và có biện pháp xử lý kịp thời trách nhiệm của các cá nhân có liên quan, nhưng sau đó Chánh án TAND tỉnh này chưa xem xét xử lý vụ việc kịp thời./.