Bộ Y tế vừa có Quyết định số 844/QĐ-BYT ngày 5/4/2022 ban hành Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022.
Kế hoạch được ban hành nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm và Nghị quyết số 113-NQ/BCSĐ ngày 28/3/2022 của Ban Cán sự đảng Bộ Y tế về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các chủ trương chính sách, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đồng thời, khắc phục những hạn chế, tồn tại, tạo chuyển biến rõ rệt trong thời gian tới, ngăn chặn phát sinh tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực; tạo bước chuyển biến rõ rệt về nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, đảng viên trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tạo sự thống nhất, tự giác và quyết tâm cao trong hành động; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức kỷ cương, liêm chính.
Kế hoạch cũng đề ra các yêu cầu đó là, quá trình tổ chức thực hiện phải bảo đảm quán triệt quan điểm, mục tiêu, giải pháp của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên quan điểm phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách.
Các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải khả thi, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đặc thù của từng cơ quan, đơn vị; thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, thu hồi tài sản tham nhũng kịp thời, hiệu quả theo quy định của pháp luật.
Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi tham nhũng, tiêu cực, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, tiêu cực; không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn ngành Y tế trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt là Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Mặt khác, Kế hoạch cũng đề cập đến các nhiệm vụ cụ thể bao gồm: Tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực quản lý nhà nước về Y tế, góp phần thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Bộ; tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, công chức, viên chức; hoàn thiện, thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức, cán bộ.
Tăng cường công tác phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tham nhũng, tiêu cực; đồng thời, nâng cao nhận thức và phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể trong cơ quan, đơn vị; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với các hình thức hiệu quả.
Ngoài ra, Kế hoạch nêu rõ, người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ phải chủ động nêu cao vai trò, trách nhiệm của mình trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Xác định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; phải cam kết về sự liêm khiết, gương mẫu; mạnh dạn phê bình, tự phê bình và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.