Tham nhũng vặt không ngăn chặn sẽ chuyển thành tham nhũng lớn
Phát biểu kết luận Phiên họp thứ 13, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nhấn mạnh: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc, kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước những cán bộ hư hỏng, tham nhũng.
Về vấn đề này, ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban pháp luật của Quốc hội cho rằng tình trạng tham nhũng vặt là một tồn tại rất khó để xử lý một sớm một chiều được. Vấn đề này ở các diễn đàn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội cũng có nhiều đại biểu nêu nội dung này. Tham nhũng vặt gây ra bức xúc trong dư luận xã hội, tạo ra tâm lý không tốt của người dân đối với cán bộ, công chức viên chức về mặt đạo đức công vụ. Nếu không ngăn chặn, xử lý nghiêm thì từ việc tham nhũng vặt sẽ chuyển thành tham nhũng lớn.
Theo ông Bùi Văn Xuyền việc ngăn chặn tình trạng tham nhũng vặt không phải bây giờ mới nói và mới đây Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo phải kiên quyết loại khỏi bộ máy những cán bộ hư hỏng, tham nhũng. Việc này thể hiện sự cương quyết của Đảng trong việc làm trong sạch bộ máy, cán bộ nhằm lấy lại niềm tin của nhân dân vào Đảng.
Nói về giải pháp để ngăn chặn “tham nhũng vặt”, ông Bùi Văn Xuyền cho hay, điều quan trọng nhất vẫn là con người. Vừa qua Chính phủ đã thực hiện áp dụng qui định đạo đức công vụ đối với cán bộ công chức, chuyển từ Chính phủ quản lý sang Chính phủ phục vụ đã có hiệu quả rõ rệt. Từ người quản lý chuyển sang người phục vụ, do vậy công chức phải coi người dân là người được phục vụ. Do vậy, công chức phải phục vụ và đáp ứng yêu cầu của người dân. Để làm được vậy, tôi cho rằng đầu tiên phải bỏ được cơ chế xin cho, từ đó công việc mới hiệu quả, hành chính gọn nhẹ sẽ đưa kinh tế phát triển.
Người cán bộ công chức phải nhận thức rõ rằng khi anh đã nhận lương từ nguồn thuế của dân nên dù cao hay thấp anh cũng phải là người phục vụ dân. Còn nếu cán bộ công chức nào cảm thấy lương thấp quá không làm được thì xin nghỉ việc.
“Ngăn chặn tham nhũng vặt, tôi cho rằng cái quan trọng nhất vẫn là con người, vẫn là đạo đức công vụ, vì vậy vấn đề tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục, quản lý cán bộ công chức của cơ quan nhà nước là rất quan trọng”, ông Bùi Văn Xuyền nói.
|
|
Ông Bùi Văn Xuyền trong lần phát biểu tại diễn đàn Quốc hội. |
Lãnh đạo nghiêm, cấp dưới sẽ không vi phạm
Một giải pháp nữa để ngăn chặn “tham nhũng vặt”, theo ông Bùi Văn Xuyền, đó là lương của người cán bộ công chức phảo đảm bảo. Khi cán bộ công chức đã lao tâm khổ tứ, làm cả ngày ở cơ quan thì đồng lương cũng phải đủ sống, phục vụ cho tái tạo sức lao động rồi còn nuôi con, gia đình. Và nếu muốn cải cách được tiền lương thì phải giảm biên chế.
Một giải pháp nữa là phải cải cách hành chính quyết liệt hơn nữa, bằng cách công khai hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn các thủ tục hành chính về thời gian, thủ tục, công khai ở trên bảng, mạng điện tử bộ phận một cửa. Khi người dân đến làm thủ tục chỉ cần tự khai vào máy và thiếu giấy tờ gì máy sẽ thông báo hiển thị. Thời gian hẹn công khai là 7 ngày thì đúng là 7 ngày khi người dân đến phải có, nếu không có thì phải xin lỗi, bồi thường. Trên thế giới nhiều nơi, nếu trễ hẹn 1-2 ngày là cơ quan, đơn vị nhà nước phải bồi thường.
Một giải pháp không kém phần quan trọng nữa theo ông Bùi Văn Xuyền đó là vai trò của người lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy ở cơ quan đơn vị nào mà thủ trưởng biết quan tâm chỉ đạo, quản lý, giám sát nghiêm cán bộ thì ở bên dưới nghiêm túc ngay và phải xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm. Còn nếu người lãnh đạo mà lơ là, thiếu quan tâm, buông lỏng thì vô tình cổ súy cho vấn đề “tham nhũng vặt”, dần dần sẽ dẫn tới hậu quả tham nhũng lớn. Ví dụ như vụ án Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm chẳng hạn.
Để ngăn chặn tham nhũng vặt, theo tôi việc thanh tra, kiểm tra xử lý rất quan trọng. Nếu việc kiểm tra giám sát nghiêm ngay từ đầu thì sẽ không dẫn đến những sai phạm tiếp theo.
Bên cạnh đó, người dân cũng phải thay đổi thói quen xin xỏ, “lo lót” khi vi phạm, khi làm các thủ tục hành chính và đặc biệt là ý thức tuân thủ pháp luật của người dân phải được nâng cao có như vậy thì mới có thể ngăn chặn được tham nhũng vặt.
Hòa Bình