Lập “tổng đài” tại tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc), nhóm đối tượng ở Trung Quốc đã lôi kéo, đưa một nhóm người Việt Nam do Nguyễn Văn Thiên (34 tuổi, ở tại phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cầm đầu sang thực hiện hành vi lừa đảo nhằm vào những người nhẹ dạ ở Việt Nam.
 


Các vụ lừa đảo của nhóm này, theo đúng “giáo trình”, chia thành 4 giai đoạn. Giai đoạn một, các đối tượng giả mạo là nhân viên tổng đài của Bưu điện. Hành vi này do đối tượng Hằng, Chung, Hương và Thuận thực hiện. Bọn chúng sẽ gọi vào máy điện thoại để bàn của bị hại, tự xưng là nhân viên của Bưu điện, thông báo thuê bao của bị hại đang nợ cước số tiền 8,9 triệu đồng.

Khi bị hại đang ngơ ngác cãi lại không hề nợ cước, “nhân viên bưu điện” lại hỏi tiếp, gia đình có mấy số điện thoại bàn thuê bao và đọc ra số điện thoại bàn nợ tiền cước khác với số của bị hại. Sau đó, “nhân viên bưu điện” cho rằng, bị hại đã bị đánh cắp chứng minh nhân dân (CMND) nên người khác mới có thể sử dụng CMND này để thuê bao số điện thoại nợ cước trên. Người này yêu cầu bị hại đọc số CMND và một số thông tin về nhân thân khác như số điện thoại di động để chuyển cho cơ quan Công an xác minh.

Ở giai đoạn 2, đối tượng giả danh là Công an hoặc cán bộ Viện kiểm sát, gọi đến điện thoại di động của bị hại. Lúc này, hệ thống thiết bị công nghệ cao của các đối tượng sẽ tự động đẩy số điện thoại của trực ban Công an hoặc Viện Kiểm sát các tỉnh, thành, nơi bị hại đang ở vào máy di động của bị hại.

Để làm được điều này, các đối tượng đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, chúng lấy số điện thoại trực ban của Công an ở các tỉnh, thành qua mạng Internet… sau đó chúng sử dụng thiết bị công nghệ cao tạo số như ý muốn. Chính điều này khiến người bị hại dễ dàng rơi vào cái bẫy của những kẻ lừa đảo. Trong quá trình nói chuyện, đối tượng sẽ thông báo cho người bị hại, số CMND của bị hại còn bị kẻ khác lợi dụng để mở tài khoản trong đường dây mua bán ma túy hoặc rửa tiền.

Sau đó, “vị công an” yêu cầu người bị hại cung cấp thông tin về việc mở tài khoản tại ngân hàng, dọa rằng tài khoản trên vì liên quan đến tội phạm nên sẽ phải đóng lại trong 18 tháng. Phương án thứ hai các đối tượng đưa ra, đó là rút tiền trong tài khoản của mình để chuyển vào tài khoản của cơ quan Công an, trong vòng 24 giờ, nếu cơ quan Công an xác minh không liên quan sẽ chuyển trả lại tiền. Không muốn tiền của mình bị “đóng băng” trong 18 tháng, nhiều bị hại đã chọn phương án hai.

Giai đoạn thứ ba có thêm sự hỗ trợ của đối tượng đóng vai trò là cấp trên của cán bộ Công an hoặc Kiểm sát viên để đọc số tài khoản cho người bị hại chuyển tiền vào.

Bước cuối cùng là thực hiện việc rút tiền. Ở đây sẽ có hai hình thức: Nếu người bị hại chuyển số tiền lớn, chúng yêu cầu bị hại chuyển vào tài khỏan của các đối tượng nằm trong đường dây để thuận tiện cho việc rút tiền. Nếu số tiền nhỏ, chúng chuyển tiền vào các tài khoản nhỏ, lẻ mà trước đó chúng đã đi mua, thu gom… của công nhân các khu công nghiệp trên địa bàn cả nước.

Trao đổi với chúng tôi, điều tra viên của Phòng 8, Cục Cảnh sát hình sự, đơn vị thụ lý vụ án cho  biết: Bọn cầm đầu bố trí 2 đối tượng người Trung Quốc ăn, ở ngay tại Móng Cái (Quảng Ninh) và thuê một người Việt Nam làm phiên dịch để thực hiện việc rút tiền lừa đảo được tại các cây ATM và các phòng giao dịch của một số ngân hàng tại Móng Cái, sau đó thuê chuyển ngay về Trung Quốc. Sở dĩ bọn chúng chọn người Trung Quốc sang rút tiền vì chúng biết tại các cây ATM đều có máy camera, nhận dạng chúng sẽ khó hơn người bản địa.

Cũng theo điều tra viên thì trong “giáo trình” lừa đảo, các đối tượng cầm đầu cũng “dạy” các đối tượng trong đường dây cả cách khai báo hòng tránh tội khi bị Công an Việt Nam bắt giữ.
 

Theo CAND