leftcenterrightdel
Đồng chí Bùi Mạnh Cường – Phó Viện trưởng Viện KSNDTC thay mặt lãnh đạo Viện KSNDTC tặng Bằng khen cho đồng chí Viện trưởng VKSND tỉnh Đồng Nai và đồng chí Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Đồng Nai

Giải pháp đột phá

 Thực hiện chỉ thị của Viện trưởng Viện KSNDTC về tăng cường công tác thống kê tội phạm và ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành kiểm sát, Viện KSND tỉnh Đồng Nai đã đưa ra giải pháp tin học hóa quy trình nghiệp vụ quản lý tố giác, tin báo về tội phạm, án hình sự xuyên suốt từ cấp huyện đến cấp tỉnh, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý án tập trung.

Theo đó, Viện KSND tỉnh Đồng Nai phối hợp với Sở Khoa học công nghệ tỉnh Đồng Nai xây dựng phần mềm “Sổ thụ lý điện tử án hình sự” và đưa vào sử dụng chính thức trong toàn đơn vị từ tháng 01/2016. Phần mềm trên giữ vai trò quản lý tình hình thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, hồ sơ án hình sự của từng kiểm sát viên, từng đơn vị; nắm bắt chính xác số lượng, tình trạng giải quyết hồ sơ một cách chi tiết, cụ thể như: những trường hợp gần hết hạn, quá hạn giải quyết, hồ sơ án bị đình chỉ, tạm đình chỉ. Thông qua phần mềm, cán bộ, kiểm sát viên dễ dàng tìm kiếm, khai thác thông tin hồ sơ tố giác, tin báo về tội phạm, hồ sơ án hình sự như: nội dung chi tiết, nội dung cơ bản, các lệnh, quyết định của vụ án, bị can, việc tách, nhập, chuyển vụ án đi nơi khác… Đồng thời, “Sổ thụ lý điện tử án hình sự” hỗ trợ tích cực trong công tác tổng hợp số liệu, báo cáo hàng tuần, tháng, quý, báo cáo chuyên đề. Tất cả thông tin hồ sơ đầu vào sẽ được tự động phân loại nhanh chóng, phản ánh trung thực, phân tích chính xác.

Trước những yêu cầu về tính bảo mật và an ninh thông tin trong tình hình hiện nay, phần mềm đáp ứng đựơc khả năng an toàn, bảo mật theo nhiều mức độ và an ninh thông tin được đảm bảo theo ISO 27001-2005 bao gồm: hệ thống phòng chống xâm nhập, đánh cắp dữ liệu, chống sét, chống cháy,…

Ngoài ra, việc triển khai sử dụng phần mềm “Sổ thụ lý điện tử án hình sự” trong toàn ngành Kiểm sát tỉnh Đồng Nai đã phục vụ tốt cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành nhanh chóng, chính xác, tiện lợi như: nắm bắt được khối lượng công việc chính xác của từng kiểm sát viên, từng đơn vị, tiến trình giải quyết hồ sơ,.. để từ đó có nhận xét, đánh giá thi đua một cách chính xác hơn, khách quan hơn. Đồng thời, góp phần đáng kể trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm ở địa phương; đảm bảo tất cả tin báo, tố giác tội phạm, vụ án hình sự đều được thụ lý, giải quyết kịp thời, tránh quá hạn kéo dài, bỏ lọt tội phạm.

leftcenterrightdel
 Lãnh đạo Viện KSNDTC tặng bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng phần mềm “Sổ thụ lý điện tử án hình sự”.

Tổng quan về phần mềm “Sổ thụ lý điện tử án hình sự”

 Phần mềm này được xây dựng trên nền tảng web; dữ liệu tập trung trên máy server. Truy cập mọi lúc, mọi nơi thông qua các thiết bị di động thông minh (điện thoại di động, smart phone) sử dụng các hệ điều hành Android và iOS để hỗ trợ thuận lợi cho lãnh đạo theo dõi, kiểm tra, chỉ đạo kịp thời nhanh chóng mà không phụ thuộc vào địa điểm và thời gian.

Các quy định chung về màn hình và thao tác là đồng nhất, hệ thống giao diện được sắp xếp khoa học. Có sự phân quyền chặt chẽ phù hợp từng đối tượng khi sử dụng, linh hoạt, kịp thời đáp ứng nhu cầu chỉ đạo, điều hành, báo cáo.

Việc trích xuất số liệu, in ấn các biểu mẫu nghiệp vụ theo quy định của ngành, tổng hợp báo cáo, truy xuất file dữ liệu các biểu mẫu Thống kê nghiệp vụ hình sự được kịp thời, nhanh chóng, tiết kiệm được thời gian dò tìm trên sổ sách.

Phần mềm “Sổ thụ lý điện tử án hình sự”có thể cảnh báo được tin báo sắp hết hạn, quá hạn giải quyết; các vụ án hình sự sơ thẩm sắp hết hạn; quá hạn giải quyết ở ba cơ quan để Ban lãnh đạo kịp thời, đôn đốc, nhắc nhở Kiểm sát viên đẩy nhanh tiến độ giải quyết, hạn chế đến mức thấp nhất tin báo, các vụ án hình sự sơ thẩm  quá hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. Theo dõi án đình chỉ, tạm đình chỉ, án trả điều tra bổ sung, án người chưa thành niên phạm tội, công tác bồi thường oan sai (nếu có).

Tiết kiệm được chi phí in ấn biểu mẫu theo quy định của Ngành (không phải viết tay, một hồ sơ không phải cập nhật vào nhiều sổ; ví dụ “Sổ thụ lý kiểm sát điều tra” sau khi chuyển Tòa thì phải cập nhật tiếp trên “Sổ theo dõi hồ sơ Viện kiểm sát chuyển Tòa án” và khi có quyết định đình chỉ thì phải cập nhật vào ‘Sổ kiểm sát án đình chỉ điều tra hình sự” với các thông tin trùng lặp nhiều, chữ viết xấu, tẩy xóa, không đọc được, sổ được sử dụng nhiều có thể bị rách, nát, mất trang, thời gian lưu trữ không được.

Việc kết chuyển án sang năm sau để giải quyết tiếp tục được dễ dàng, nhanh chóng. In sổ sách lưu trữ đúng quy định chung của ngành.

Dữ liệu được bảo mật và lưu trữ lâu dài với một khối lượng lớn hồ sơ mà không có một quyền sổ giấy nào có thể thay thế được. Dữ liệu được sao lưu (backup) hàng ngày, bảo mật theo tiêu chuẩn ISO 27001 :2005 bao gồm hệ thống phòng chống xâm nhập, đánh cắp dữ liệu, chống sét, chống cháy, nguồn điện bảo đảm hoạt động 24/24 và có đội ngũ kỹ sự công nghệ thông tin chuyên về mạng.

Có khả năng tìm kiếm trích lục tóm tắt thông tin về tin báo, hồ sơ một vụ án hình sự sơ thẩm theo các tiêu chí được định dạng sẵn; Tính kế thừa, mở rộng và tương thích, đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu khi có các chính sách thay đổi theo quy định của pháp luật; Quản lý chặt chẽ thông tin theo đúng quy trình từ khâu tiếp nhận tin báo đến khi khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử; Tiết kiệm được thời gian và kinh phí trong việc xử lý, sao lưu, báo cáo,...

leftcenterrightdel
 Đại diện Viện KSND thành phố Hà Nội giao lưu và trao đổi kinh nghiệm với Viện KSND tỉnh Đồng Nai về phần mềm “Sổ thụ lý điện tử án hình sự”.

Đặc biệt có khả năng liên thông dữ liệu với phần mềm quản lý án hình sự của VKSND tối cao. In ấn được 09 mẫu sổ nghiệp vụ và 14 mẫu sổ theo dõi chi tiết.

Đồng thời, thống kê được các biểu mẫu 1,2,3,4,10,11,12 ban hành kèm theo Quyết định số 188/QĐ-VKSTC ngày 06/4/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao. Trích xuất được số liệu tin báo chưa giải quyết; các vụ án hình sự sơ thẩm còn tồn của đơn vị cần tìm.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Trần Thị Kim Thu – Trưởng phòng TKTP và CNTT Viện KSND tỉnh Đồng Nai giới thiệu phần mềm với Viện KSND tỉnh Sơn La giao lưu.

Những kết quả đạt được

Chỉ tính riêng năm 2017, VKSND hai cấp đã tiếp nhận, cập nhật vào phần mềm, theo dõi và quản lý 1,958 tin báo với 2,079 vụ/ 2,874 bị can (trong đó có  63 tin báo; 114 vụ/184 bị can của CQĐT cấp tỉnh khởi tố chuyển sang), số còn lại của 11 đơn vị VKSND huyện.

Đã thực hiện đăng ký 1,564 số Lệnh, quyết định tố tụng tập trung một đầu mối (Phòng TKTP&CNTT) không phân tán, dễ dàng quản lý, hạn chế việc thất thoát lệnh, quyết định tố tụng dẫn đến việc bỏ sót, lọt tin báo, các vụ án hình sự sơ thẩm không được thụ lý, giải quyết kịp thời đúng quy định của pháp luật.

Định kỳ tuần, tháng, 6 tháng, 12 tháng tổng hợp số liệu về tình hình thụ lý; kết quả giải quyết tin báo, các vụ án hình sự sơ thẩm của ba phòng nghiệp vụ để báo cáo Ban lãnh đạo biết; lãnh đạo các phòng nghiệp vụ nắm tiến độ giải quyết án của từng Kiểm sát viên để có sự phân công công việc cho hợp lý.

Tóm lại, việc ứng dụng CNTT vào mô hình quản lý án hình sự sơ thẩm tập trung tại phòng TKTP&CNTT nói chung cũng như việc quản lý án hình sự tại 11 đơn vị VKSND huyện của tỉnh Đồng Nai thời gian qua đã đem lại hiệu quả tốt trong công tác quản lý chỉ đạo điều hành của Ban lãnh đạo hai cấp. 

Phi Sơn