leftcenterrightdel
 Đồng chí Lê Nguyễn Trường Sơn - Phó Viện trưởng phụ trách VKSND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Lê Nguyễn Trường Sơn - Phó Viện trưởng phụ trách VKSND tỉnh; cán bộ, công chức Thanh tra - Khiếu tố VKSND tỉnh, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc VKSND tỉnh, Viện trưởng VKSND cấp huyện và công chức phụ trách công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của hai cấp Kiểm sát Sóc Trăng.

Hội nghị được tổ chức nhằm triển khai Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, được ban hành kèm theo Quyết định số 222/QĐ-VKSTC, ngày 22/6/2023 của VKSND tối cao (Quy chế số 222) và Hướng dẫn số 13/HD-VKSTC, ngày 11/6/2024 của VKSND tối cao, về phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh trong ngành Kiểm sát nhân dân (Hướng dẫn số 13).

Tại hội nghị, đồng chí Trần Thanh Phú, Phó Chánh Thanh tra - VKSND tỉnh Sóc Trăng đã triển khai sự cần thiết và những nội dung trọng tâm được quy định trong Quy chế số 222, Hướng dẫn số 13. Theo đó, việc ban hành Quy chế  số 222 là để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập, bảo đảm sự thống nhất trong tổ chức thực hiện công tác tiếp công dân, kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Trần Thanh Phú - Phó Chánh Thanh tra, VKSND tỉnh triển khai các văn bản.

Quy chế số 222 có bố cục gồm: 7 chương, 25 Điều, tuy không quy định thành Điều luật mới nhưng có những chế định mới như: Bổ sung giải thích từ ngữ mang tính khái niệm; quy định về xử lý đơn trong trường hợp tố cáo nặc danh, đơn tố cáo xuất phát từ vụ việc khiếu nại; các trường hợp lưu đơn và thời hạn lưu đơn nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn phát sinh trên thực tế, đảm bảo quyền và lợi ích của của người gửi đơn và tính thống nhất với các văn bản pháp luật có liên quan.

Về trách nhiệm tiếp nhận, xử lý đơn được quy định: “Đơn liên quan đến việc thi hành án dân sự, thi hành án hành chính thì Đơn vị kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp chuyển đến Đơn vị được giao nhiệm vụ kiểm sát thi hành án dân sự để xử lý, quản lý, giải quyết hoặc kiểm sát việc giải quyết theo thẩm quyền”.

Ngoài ra cũng quy định chi tiết, cụ thể về phân loại, xử lý đơn tại Điều 9 của Quy chế; thẩm quyền giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp trong từng lĩnh vực cụ thể đối với đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp trong khâu công tác này và các biện pháp kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, cụ thể: Viện kiểm sát được áp dụng thêm biện pháp: Yêu cầu Tòa án cùng cấp và Tòa án cấp dưới cung cấp hồ sơ, tài liệu... để phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 34  của Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016, quy định việc phối hợp giữa VKSND và TAND trong việc thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và khoản 3 Điều 31 Thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016, quy định việc phối hợp giữa VKSND và TAND trong việc thi hành một số quy định của Luật Tố tụng hành chính. 

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh hội nghị.

Hội nghị cũng đã tập trung lắng nghe báo cáo viên triển khai Hướng dẫn số 13 nhằm đảm bảo việc phân loại, xử lý đơn được chính xác, phân định rõ ràng giữa đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh và đơn tố giác tội phạm; căn cứ để phân loại đơn hành chính, đơn tư pháp với đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong Đảng; tiêu chí để phân loại, xử lý đơn trong từng lĩnh vực cụ thể và đặc biệt lưu ý không phân loại theo tiêu đề đơn.

Do đó, để phân loại đơn chính xác, yêu cầu phải đọc kỹ đơn, xác định nội dung, mục đích, yêu cầu của người viết đơn, tuyệt đối không tiến hành phân loại chỉ căn cứ vào tiêu đề của đơn, nhất là đối với những đơn có tiêu đề tố cáo.

Kết thúc hội nghị, đồng chí Lê Nguyễn Trường Sơn - Phó Viện trưởng phụ trách VKSND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị trực thuộc VKSND tỉnh, Viện trưởng VKSND cấp huyện tiếp tục triển khai Quy chế số 222 và Hướng dẫn số 13 đến cán bộ, công chức đơn vị bằng nhiều hình thức khác nhau, các đơn vị VKSND cấp huyện phối hợp chặt chẽ với Thanh tra - Khiếu tố VKSND tỉnh trong giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của VKSND cấp mình, nâng cao công tác phối hợp giữa các đơn vị nghiệp vụ VKSND tỉnh trong tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn.

Bên cạnh đó, VKSND hai cấp cần tăng cường công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp đối với các cơ quan tư pháp nhằm kịp thời phát hiện vi phạm để ban hành kiến nghị, kháng nghị theo quy định và phát huy hiệu quả chức năng kiểm sát của hai cấp Kiểm sát tỉnh Sóc Trăng.

Việt An - Bé Duyên