Năm 2024, VKSND tỉnh Phú Yên với phương châm công tác “Đoàn kết, trách nhiệm - Kỷ cương, liêm chính - Bản lĩnh, hiệu quả”; xác định công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá.
VKSND hai cấp tỉnh và huyện đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, vượt khó, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu công tác của Quốc hội, của Ngành giao.
|
|
UBND tỉnh Phú Yên và VKSND cấp cao tại Đà Nẵng ký kết bản ghi nhớ phối hợp trong thực hiện pháp luật tố tụng hành chính. |
Để thực hiện tốt khâu công tác đột phá, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Viện đã ban hành Nghị quyết số 451-NQ/BCSĐ, Kế hoạch số 681/KH-VKS-P9 về lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, dân sự. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết án dân sự, hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai, tập trung giải quyết các vụ việc liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...
Việc này đã đáp ứng yêu cầu về chính trị, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội địa phương; hạn chế phát sinh điểm nóng, khiếu kiện phức tạp, kéo dài. Nâng cao chất lượng kháng nghị, kiến nghị, hạn chế án hủy, sửa có trách nhiệm của Viện kiểm sát; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và công tác chuyên môn, nghiệp vụ.
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo VKSND tỉnh Phú Yên, cán bộ, Kiểm sát viên hai cấp tỉnh và huyện đã nỗ lực phấn đấu, phát huy truyền thống đoàn kết, không ngừng nâng cao tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn, kỹ năng kiểm sát, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
VKSND hai cấp đã tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, dân sự; chú trọng kiểm sát việc giải quyết của Tòa án, kiểm sát chặt chẽ bản án, quyết định, kịp thời phát hiện vi phạm, ban hành kiến nghị, kháng nghị.
Tăng cường mối quan hệ phối hợp với Tòa án trong việc thực hiện nhiệm vụ, rà soát đưa ra giải quyết dứt điểm án tồn đọng kéo dài, án bị cấp trên hủy; hạn chế khiếu nại, tố cáo; kịp thời tổ chức họp bàn giải quyết các án dân sự khó khăn, phức tạp, án hủy, án trong danh mục cấp ủy theo dõi, chỉ đạo, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương.
Phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy tham mưu Thường trực Tỉnh ủy tổ chức “Hội nghị chuyên đề về giải quyết án hành chính liên quan đến đất đai” và phối hợp TAND tỉnh tham mưu Ban Nội chính Tỉnh ủy tổ chức “Hội nghị bồi dưỡng kỹ năng tham gia tố tụng hành chính và thi hành án hành chính”. Qua 2 hội nghị, đã góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc chậm giải quyết án hành chính trên địa bàn tỉnh.
VKSND tỉnh Phú Yên đã tích cực tham gia góp ý, thực hiện tốt vai trò cầu nối để ngày 14/3/2024, UBND tỉnh và VKSND cấp cao tại Đà Nẵng ký kết Bản ghi nhớ về việc phối hợp trong thực hiện pháp luật tố tụng hành chính. Thực hiện Bản ghi nhớ, VKSND tỉnh đã xây dựng chuyên đề để ngày 21/10/2024, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng phối hợp UBND tỉnh tổ chức Hội nghị “Trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về đất đai thông qua công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính trên địa bàn tỉnh Phú Yên”.
Qua hội nghị, đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo và cán bộ, công chức các địa phương, cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước; phòng ngừa vi phạm trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, nâng cao tiến độ giải quyết án, góp phần giúp các cơ quan Nhà nước thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
VKSND hai cấp đã kiểm sát 100% bản án, quyết định của Tòa án, bám sát tiến độ giải quyết án, kịp thời ban hành yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ. Đã ban hành 12 kháng nghị, 29 kiến nghị vi phạm đối với Tòa án cùng cấp, 15 kiến nghị phòng ngừa, 1 công văn đề nghị truy thu thuế, đều được chấp nhận.
Điển hình là các kiến nghị phòng ngừa liên quan việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng với nguồn gốc, diện tích, đối tượng, mục đích đất đang sử dụng; giải quyết việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất không đúng với các chính sách pháp luật về đất đai, chưa đảm bảo quyền lợi của người đang sử dụng đất cũng như quyền lợi của Nhà nước, đặc biệt là việc chấn chỉnh, khắc phục các hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý, sử dụng đất rừng...
Phối hợp với Tòa án cùng cấp tiếp tục đưa ra giải quyết 77 vụ án tạm đình chỉ, 92 vụ án quá hạn, 14 vụ án bị cấp phúc thẩm hủy. Tổ chức 58 phiên tòa rút kinh nghiệm, 3 phiên tòa hôn nhân gia đình xét xử theo thủ tục rút gọn. Tăng cường thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin; đã phối hợp với Tòa án cùng cấp xét xử 26 phiên tòa trực tuyến, 21 phiên tòa số hóa; xây dựng 153 vụ án báo cáo bằng sơ đồ tư duy.
|
|
Hình ảnh phiên tòa vụ án hành chính tại Phú Yên thực hiện số hóa và trình chiếu tài liệu, chứng cứ công khai tại phiên tòa. |
Chú trọng công tác hướng dẫn, chỉ đạo cấp huyện, đã ban hành 9 thông báo rút kinh nghiệm qua công tác giải quyết án cấp phúc thẩm, trả lời 5 vụ án VKSND cấp huyện thỉnh thị; tổ chức Hội nghị tập huấn rút kinh nghiệm trong công tác giải quyết án hành chính, dân sự liên quan đến đất đai, kiểm tra nghiệp vụ chuyên sâu 2 đơn vị VKSND cấp huyện. Đặc biệt, trong năm 2024, không để xảy ra án hành chính bị hủy có trách nhiệm của VKS.
Thực hiện Quy chế phối hợp số 1347/QC-UBND-VKSND ngày 18/8/2023 giữa VKSND tỉnh và UBND tỉnh trong phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật; phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.
Trong năm 2024, 9/9 VKSND cấp huyện đã xây dựng và tổ chức ký kết Quy chế phối hợp với UBND cùng cấp, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc các cơ quan chức năng ở địa phương chậm cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng; nâng cao tỷ lệ giải quyết các vụ án tạm đình chỉ, quá hạn kéo dài vì lý do chờ kết quả trả lời của các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai; góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị tại địa phương.