Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến từ điểm cầu VKSND cấp tỉnh đến 8 điểm cầu VKSND cấp huyện.

Dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Nguyễn Thanh Liêm, Tỉnh ủy viên, Viện trưởng VKSND tỉnh; đồng chí Hồ Ánh Tuyết, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh.

Cùng các đồng chí là Chánh Văn phòng, Lãnh đạo, Kiểm sát viên Phòng 9; Lãnh đạo VKSND cấp huyện và Kiểm sát viên, công chức làm công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự và những việc khác theo quy định của pháp luật của các đơn vị.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng VKSND tỉnh phát biểu khai mạc hội nghị.

Tại Hội nghị, đại diện Lãnh đạo Phòng 9 đã trình bày kỹ năng hoạt động của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động sơ thẩm; Triển khai một số nội dung quy định mới của Luật đất đai (sửa đổi), Luật nhà ở (sửa đổi), Luật tổ chức tín dụng (sửa đổi) liên quan đến hoạt động kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự.

Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến phát biểu; tiến hành trao đổi, thảo luận, giải đáp những vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự và những việc khác theo quy định pháp luật. Qua đó, giúp cho Kiểm sát viên, công chức làm công tác này nắm vững hơn nữa các quy định của pháp luật về giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính.

Đề ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng trong công tác kiểm sát bản án của Tòa án cùng cấp; đặc biệt rút kinh nghiệm cho Kiểm sát viên trực tiếp kiểm sát trước, trong và sau phiên tòa dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động sơ thẩm.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Đồng Khởi, Trưởng phòng 9 trình bày chuyên đề.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Hồ Ánh Tuyết, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đánh giá cao việc chuẩn bị và chất lượng triển khai các chuyên đề tại hội nghị. Qua đó, đồng chí yêu cầu Viện kiểm sát hai cấp cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng các tài liệu, văn bản luật sửa đổi bổ sung liên quan đến công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự; công chức, Kiểm sát viên để áp dụng thực hiện.

Đối với lĩnh vực này Viện trưởng hai cấp phải trực tiếp chỉ đạo; đồng thời chủ động đề ra lịch báo cáo án hàng tuần. Đề cao việc đào tạo, tự đào tạo tại chỗ, kết hợp tổ chức tập huấn chuyên đề các chuyên đề nghiệp vụ; thực hiện sơ tổng kết nhằm nâng cao trình độ năng lực công tác của Kiểm sát viên, công chức, đánh giá đúng khả năng công tác đội ngũ công chức để sắp xếp, chuyển đổi vị trí công tác nhằm đào tạo.

Phát huy sở trường của từng công chức; phân công, bố trí sắp xếp ổn định công chức có kinh nghiệm, năng lực chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính; nâng cao chất lượng ban hành các kiến nghị, thông báo rút kinh nghiệm; phát biểu của Kiểm sát viên và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ khác.

Phòng nghiệp vụ và VKSND cấp huyện phải tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đảm bảo liên thông, không bỏ sót nhiệm vụ; chủ động tiến hành sắp xếp hồ sơ, tài liệu có liên quan để phục vụ tốt cho công tác sắp xếp tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Đảng ủy, Lãnh đạo Viện.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Hồ Ánh Tuyết, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh phát biểu kết luận Hội nghị.

Thông qua Hội nghị, Kiểm sát viên và công chức làm công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Đánh giá đúng thực tế, kịp thời tìm nguyên nhân hạn chế.

Đề ra các phương pháp, cách làm hay, trao đổi giải pháp nhằm khắc phục và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác; đây cũng là một trong những hình thức tự đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự của VKSND tỉnh Hậu Giang trong thời gian qua và định hướng thời gian tiếp theo./.

Hoàng Anh - Bích Tuyền