leftcenterrightdel
 Hình ảnh tại phiên tòa.

Theo đó đưa ra xét xử bị cáo Phùng Hoàng Thái Minh Hưng thực hiện 4 vụ trộm cắp tài sản trên địa bàn huyện Châu Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An và huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.

Phiên tòa được tổ chức với điểm cầu chính đặt tại Tòa án nhân dân huyện Châu Thành và điểm cầu thành phần đặt tại Nhà tạm giữ Công an huyện Châu Thành, tỉnh Long An.

Tham dự phiên tòa có các đồng chí là Kiểm sát viên VKSND huyện và lãnh đạo, Thẩm phán, Thư ký Tòa án nhân dân huyện Châu Thành. Đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm là Kiểm sát viên Lê Văn Hải.

Theo nội dung cáo trạng và kết quả tranh tụng tại phiên tòa xác định, từ ngày 4/4/2023 đến ngày 6/01/2024, Phùng Hoàng Thái Minh Hưng đã thực hiện 4 vụ trộm cắp tài sản trên địa bàn huyện Châu Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An và huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.

Đến ngày 9/01/2024, Hưng điều khiển xe mô tô ba bánh là tài sản trộm cắp được, gắn biển số giả 63B9-203.68 chạy đến huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre để mua dừa thì Công an xã Thành Triệu, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre nghi vấn nên kiểm tra phát hiện và mời Hưng về làm việc, xác định xe mô tô ba bánh do Hưng trộm cắp mà có. Cơ quan chức năng cũng xác định 2 giấy đăng ký xe mô tô, xe máy giả biển số 63B9-208.06, 63B9-203.68 là giấy giả; được làm giả bằng phương pháp in phun màu. ..

Với những tài liệu, chứng cứ khách quan, thuyết phục được công khai tại phiên tòa, bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội tại tòa phù hợp với lời khai của bị cáo có trong hồ sơ vụ án, lời khai của bị hại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Phùng Hoàng Thái Minh Hưng 4 năm tù về tội “Trộm cắp tài sản” và 2 năm tù về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

leftcenterrightdel
 Bị cáo tham gia phiên xử tại Nhà tạm giữ Công an huyện Châu Thành.

Việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác xét xử tạo tiền đề nâng cao chất lượng hoạt động nghiệp vụ của Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, Thư ký, Hội thẩm nhân dân tại phiên tòa do phiên tòa được đặt dưới sự theo dõi, giám sát công khai. Trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ kỹ càng, chuẩn bị tốt các tài liệu, đề cương xét hỏi, luận tội, dự kiến các tình huống phát sinh… Kiểm sát viên đã thể hiện bản lĩnh vững vàng, lựa chọn câu hỏi sát với thực tế khách quan, làm rõ nội dung còn vướng mắc của vụ án, chứng cứ buộc tội, gỡ tội… một cách thuyết phục.

Bên cạnh đó, xét xử trực tuyến làm giảm bớt thủ tục trích xuất, giảm bớt áp lực công việc cho lực lượng Cảnh sát bảo vệ, tiết kiện chi phí ngân sách, nhất là giúp bảo đảm được an ninh trật tự, an toàn cho người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng. Ngoài ra, hình thức xét xử này là có lợi cho bị cáo, bảo đảm ổn định về mặt tâm lý, đảm bảo tính nhân văn trong quá trình giải quyết các vụ án nhưng vẫn giúp Hội đồng xét xử nhận định đúng bản chất khách quan của vụ án để ra bản án bảo đảm tính có căn cứ, có tính thuyết phục cao.

Kết thúc phiên tòa, hai đơn vị đã tổ chức họp rút kinh nghiệm cùng với sự tham dự của các Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử, qua đó cho thấy phiên tòa được hội đồng xét xử đã thể hiện sự chủ động, kiểm sát tốt các hoạt động tại phiên tòa cũng như tham gia xét hỏi, điều hành tranh luận các nội dung liên quan đến tình tiết vụ án; bản án tuyên căn cứ vào những tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa; phương pháp xét hỏi hợp lý, trực tiếp xét hỏi những vấn đề cơ bản của vụ án, các vấn đề còn lại sử dụng kết quả tranh tụng để xem xét. Đối với Kiểm sát viên, cần rút kinh nghiệm trong phần phát biểu luận tội nên có điểm nhấn để thể hiện được quyền uy của cơ quan truy tố và nâng cao giá trị của bản luận tội.

Việt An - Kim Ngân