Nội dung vụ án: bà Nguyễn T. T và ông Tạ V. B kết hôn năm 1975 và có 8 người con. Vợ chồng bà có tài sản chung là quyền sử dụng đất tại thửa số 97 tờ bản đồ số 9, diện tích 3813m2 được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) ngày 14/11/1994 mang tên ông Tạ V. B cùng các công trình trên đất. Năm 2017 ông B. chết không để lại di chúc, bà T. yêu cầu Tòa án chia thừa kế theo quy định pháp luật.
    |
 |
Quang cảnh phiên tòa dân sự. |
Đây là vụ án có tranh chấp phổ biến điển hình tại địa phương, có tính chất phức tạp, nhiều người tham gia tố tụng với tư cách khác nhau (nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan) nên đã đảm bảo tiêu chí lựa chọn thực hiện phiên tòa rút kinh nghiệm theo Hướng dẫn số 32/HD-VKSTC ngày 30/11/2018 của VKSND tối cao.
Tại phiên tòa, Kiểm sát viên được phân công tham gia phiên tòa đã chủ động kiểm sát chặt chẽ việc chấp hành thủ tục tố tụng của Hội đồng xét xử, Thư ký và đương sự.
Quá trình tham gia hỏi tại phiên tòa, Kiểm sát viên đặt câu hỏi đúng trọng tâm, ngắn gọn nhằm làm rõ nội dung tranh chấp, chứng cứ vụ án và xử lý linh hoạt các tình huống phát sinh tại phiên tòa.
Đồng thời, Kiểm sát viên còn lồng ghép việc giải thích, tuyên truyền pháp luật cho đương sự, nhấn mạnh về tình, lý khi giải quyết các tranh chấp mà đương sự là người thân trong gia đình.
Kiểm sát viên đã phân tích cụ thể quan điểm giải quyết vụ án của Viện kiểm sát có căn cứ và thuyết phục, được đương sự và những người tham gia phiên tòa đồng tình và phù hợp với quan điểm của Hội đồng xét xử.
    |
 |
Đồng chí Nguyễn Ngọc Đức, Viện trưởng VKSND TP Chí Linh trực tiếp kiểm sát xét xử tại phiên tòa. |
Sau khi kết thúc phiên tòa, VKSND TP Chí Linh đã tổ chức họp rút kinh nghiệm, có sự tham gia của đầy đủ thành phần đã tham dự phiên tòa. Các ý kiến tham gia đều thống nhất đánh giá, Kiểm sát viên tham gia xét xử tại phiên tòa đã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của Kiểm sát viên tại phiên tòa theo đúng tinh thần cải cách tư pháp.
Việc tổ chức phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm vụ án dân sự do lãnh đạo Viện trực tiếp kiểm sát xét xử đã giúp các Kiểm sát viên, chuyên viên trong đơn vị học hỏi, nâng cao được trình độ, kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, xử lý các tình huống tại phiên tòa, tích lũy kinh nghiệm trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, đảm bảo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.