Quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, VKSND huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) nhận thấy, trong thời gian qua, tình trạng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy trên địa bàn có chiều hướng gia tăng. Đối tượng sử dụng, mua bán trái phép chất ma túy chủ yếu là thanh niên, người đang độ tuổi lao động nhưng không có nghề nghiệp ổn định.

Có nhiều trường hợp là những người đã đi cai nghiện bắt buộc xong, bị Tòa án xét xử về tội danh liên quan đến ma túy, đặc biệt có trường hợp đối tượng đang trong quá trình điều trị cai nghiện nhưng sau khi về địa phương vẫn tiếp tục sử dụng, tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy. Từ tháng 11/2019 đến nay, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đơn Dương đã phát hiện và khởi tố 7 vụ/12 bị can liên quan đến ma túy (tăng 2 vụ so với cùng kỳ năm 2019).

leftcenterrightdel
Một vụ án vận chuyển trái phép chất ma túy được TAND tỉnh Lâm Đồng đưa ra xét xử. 

Nguyên nhân xảy ra tình trạng trên là do các đối tượng nghiện ma túy phần lớn có trình độ văn hóa thấp, không có nghề nghiệp, lười lao động. Sau khi chấp hành án, cai nghiện ma túy trở về địa phương và gia đình còn có tâm lý mặc cảm, trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng, chưa được khuyến khích động viên, hỗ trợ công ăn việc làm dẫn đến bị rủ rê, lôi kéo, tiếp tục phạm tội. Công tác tuyên truyền về phòng, chống ma túy của một số xã, thị trấn còn chưa hiệu quả...

Nhìn chung, phần lớn đối tượng có hành vi mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy thường mua ma túy về để sử dụng dần, một số đối tượng mua ma túy vừa sử dụng vừa bán kiếm lời. Điển hình là vụ án Trần Văn Thịnh ở thôn Tân Lập, xã Lạc Lâm phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. 

Ngoài ra, còn có những đối tượng đã từng bị xét xử về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy, nhưng sau khi chấp hành xong hình phạt tù, quay về xã hội lại tiếp tục phạm tội như vụ án: Dương Thùy Mỹ Duyên bị TAND huyện Đơn Dương xử phạt 12 tháng tù về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy…

Từ những dẫn chứng nói trên, có thể nhận thấy, ma túy ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là với gia đình và cá nhân người nghiện ma túy, gây mất an ninh trật tự tại địa phương, tiềm ẩn và là nguyên nhân phát sinh nhiều loại tội phạm khác, gây nguy hiểm và hậu quả khôn lường cho xã hội.

Để bảo đảm phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy, Viện trưởng VKSND huyện Đơn Dương đã ban hành Kiến nghị phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật phòng, chống ma túy số 02/KN-VKS ngày 27/4/2020, đề nghị Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương tiếp tục quan tâm chỉ đạo, thực hiện các biện pháp, giải pháp sau:

Tổ chức chỉ đạo Công an huyện và Công an các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tăng cường hơn nữa công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm liên quan đến ma túy, đặc biệt là các hành vi mua bán, tàng trữ và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn. Kiên quyết lập hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền đưa các đối tượng nghiện ma túy đi cai nghiện tại các trung tâm cai nghiện bắt buộc, phối hợp với chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ các đối tượng sau cai nghiện để tránh tái nghiện.

Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các phòng, ban trên địa bàn huyện tuyên truyền về tác hại của ma túy đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thanh thiếu niên và học sinh; nêu cao tinh thần cảnh giác, vận động, khuyến khích người dân tố giác các hành vi liên quan đến ma túy đến cơ quan chức năng để kịp thời có biện pháp ngăn chặn và xử lý.

Tổ chức chỉ đạo chính quyền địa phương vận động, hỗ trợ các gia đình, người thân có người nghiện ma túy áp dụng các biện pháp cai nghiện tự nguyện tại nhà hoặc tự nguyện đi cai nghiện tại Trung tâm tư vấn và điều trị nghiện tỉnh dưới sự giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương, cơ sở cai nghiện, có các chính sách xã hội về việc tạo công ăn việc làm cho những người phạm tội liên quan đến ma túy sau khi trở về địa phương.

Cần có những hình thức tuyên truyền, tiếp cận để xóa bỏ mặc cảm của các đối tượng nghiện ma túy khi trở về xã hội, giúp họ hòa nhập cộng đồng khi trở về từ các cơ sở cai nghiện, cải tạo; đồng thời, tạo công ăn việc làm cho các đối tượng trên nhằm bảo đảm cho họ có môi trường làm việc, sinh hoạt lành mạnh, bảo đảm cuộc sống để họ tái hòa nhập cộng đồng, tránh xa con đường tái nghiện, phạm tội.

Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội phát động quần chúng tham gia phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc, cần lồng ghép hoạt động giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, tác hại của ma túy đến thành viên, hội viên của tổ chức mình để nâng cao ý thức cảnh giác, góp phần quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, qua đó tạo dư luận mạnh mẽ lên án các tệ nạn xã hội nói chung và tệ nạn về ma túy nói riêng.   

Nguyễn Văn Việt