Trong khoảng thời gian từ ngày 22/5 đến ngày 26/5/2018, lợi dụng sơ hở của các chủ sở hữu, Nguyễn Tú Anh (trú tại xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà) và Phan Văn Đức (trú tại xã Sơn Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) đã cùng nhau thực hiện 7 vụ trộm cắp tài sản, chiếm đoạt 7 chiếc xe mô tô các loại trên địa bàn các huyện Can Lộc, Lộc Hà, Thạch Hà, Hương Khê và TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.
Tổng giá trị tài sản mà Anh và Đức chiếm đoạt của các bị hại theo kết luận của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự là 69.000.000 đồng, thu lợi bất chính 19.500.000 đồng, số tiền này cả hai chia nhau sử dụng. Trong số các xe do trộm cắp được mà có, Anh và Đức đưa đến bán cho Đặng Tiến Lợi (trú tại thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê) 03 chiếc trị giá 25.000.000 đồng, Đặng Tiến Lợi thu lợi bất chính số tiền 8.200.000 đồng.
Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã thu hồi được 6 xe mô tô và trả lại cho các bị hại, những người được trả lại xe không yêu cầu gì thêm. Còn chiếc xe mô tô của anh Trần Đình Thanh không thu hồi được, anh Thanh yêu cầu bồi thường 15.000.000 đồng, Nguyễn Tú Anh đã bồi thường 7.500.000 đồng, Phan Văn Đức chưa thực hiện việc bồi thường.
Với hành vi phạm tội nêu trên, tại Bản án hình sự sơ thẩm số 16/2018/HSST ngày 08/10/2018, TAND huyện Can Lộc đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Tú Anh, Phan Văn Đức phạm tội Trộm cắp tài sản; bị cáo Đặng Tiến Lợi phạm tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; xử phạt Nguyễn Tú Anh 42 tháng tù; Phan Văn Đức 36 tháng tù; Đặng Tiến Lợi 22 tháng tù.
Bản án còn quyết định hình phạt bổ sung (bằng tiền) đối với Đặng Tiến Lợi, về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí.
Kiểm sát bản án, VKSND tỉnh Hà Tĩnh nhận thấy, TAND huyện Can Lộc đã vi phạm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật hình sự, cụ thể như sau:
Trong vụ án này, Nguyễn Tú Anh và Phan Văn Đức đều đang có tiền án (trong đó, Nguyễn Tú Anh 02 lần bị Tòa án xử phạt tù về tội Trộm cắp tài sản, phạm tội với tình tiết định khung “tái phạm nguy hiểm”). Sau khi chấp hành xong hình phạt tù, Anh và Đức ở lại làm ăn tại miền Nam, đến tháng 5/2018, cả hai về Hà Tĩnh, từ ngày 22/5/2018 đến ngày 26/5/2018 liên tiếp phạm tội. Trước khi thực hiện các vụ trộm cắp xe mô tô, Anh và Đức đều chuẩn bị sẵn vam phá khóa, trong thời gian ngắn (05 ngày) đã liên tục thực hiện 7 vụ trộm cắp tài sản trên địa bàn 5 huyện, thành phố (cụ thể là 7 chiếc xe mô tô), với tổng giá trị tài sản chiếm đoạt 69.000.000 đồng, thu lợi bất chính 19.500.000 đồng. Hành vi của Anh và Đức là phạm tội có tính chất chuyên nghiệp nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng tình tiết định khung “có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 173 BLHS năm 2015 để xét xử đối với các bị cáo là không đúng quy định của pháp luật.
Trong số tài sản các bị cáo trộm cắp thì có 6 chiếc xe mô tô, quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã thu hồi trả lại cho các chủ sở hữu, Nguyễn Tú Anh và Phan Văn Đức, mỗi bị cáo thu lợi bất chính số tiền 6.500.000 đồng từ việc bán 06 chiếc xe này; bị cáo Đặng Tiến Lợi thu lợi bất chính số tiền 8.200.000 đồng từ việc tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có nhưng bản án sơ thẩm không áp dụng điểm b khoản 1 Điều 47 BLHS năm 2015 và điểm b khoản 2 Điều 106 BLTTHS năm 2015 để truy thu số tiền do các bị cáo phạm tội mà có là vi phạm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật hình sự.
Vì vậy, ngày 06/11/2018, VKSND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành kháng nghị phúc thẩm đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 16/2018/HSST ngày 08/10/2018 của TAND huyện Can Lộc (về phần áp dụng điều khoản của BLHS để xét xử đối với bị cáo Anh, Đức; áp dụng biện pháp tư pháp để truy thu số tiền do phạm tội mà có từ bị cáo Anh, Đức, Lợi). Đề nghị TAND tỉnh xét xử phúc thẩm theo hướng: Áp dụng thêm điểm b khoản 2 Điều 173 BLHS năm 2015 để xét xử bị cáo Anh, Đức và tăng hình phạt đối với 02 bị cáo; Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 47 BLHS năm 2015 và điểm b khoản 2 Điều 106 BLTTHS năm 2015 truy thu từ Nguyễn Tú Anh và Phan Văn Đức, mỗi bị cáo số tiền 6.500.000 đồng, từ bị cáo Đặng Tiến Lợi số tiền 8.200.000 đồng là tiền do phạm tội mà có.
Quỳnh Lê