Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 15/5/2018 của VKSND tối cao về tăng cường trách nhiệm của VKSND trong kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự nêu rõ: Trong những năm qua, ngành KSND đã thực hiện tốt chức năng kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, góp phần bảo đảm quyền con người, các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người chấp hành án, đồng thời phục vụ tốt cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, công tác này còn tồn tại, hạn chế như: vẫn để xảy ra một số vụ việc vi phạm nghiêm trọng trong quản lý giam, giữ; việc ra quyết định thi hành án cũng như việc xét hoãn, tạm đình chỉ, miễn, giảm thời hạn chấp hành án hình sự, rút ngắn thời gian thử thách của án treo còn có trường hợp chưa đúng quy định của pháp luật nhưng chưa được Viện kiểm sát phát hiện kịp thời để kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu chấm dứt, khắc phục vi phạm, yêu cầu áp dụng biện pháp phòng ngừa vi phạm.

Cũng theo Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 15/5/2018, để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, nhằm đáp ứng yêu cầu mới của pháp luật, Viện trưởng VKSND tối cao Chỉ thị Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Thứ nhất, tiếp tục quán triệt và yêu cầu Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức làm công tác kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự nắm chắc và áp dụng đúng quy định của pháp luật, quy chế, quy định của Ngành, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này; xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành, phải bố trí đủ số lượng Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức có năng lực, trình độ để thực hiện tốt công tác kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam và người chấp hành án.

Thứ hai, đơn vị thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử của Viện kiểm sát các cấp phải kiểm sát chặt chẽ việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo đảm việc bắt, tạm giữ, tạm giam có căn cứ, đúng pháp luật, không để xảy ra trường hợp quá hạn tạm giữ, tạm giam thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát; khi xử lý các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 45 Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự (ban hành kèm theo Quyết định số 501/QĐ-VKSTC ngày 12/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao) thì phải thông báo ngay cho đơn vị kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự để theo dõi.

Đơn vị thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử hình sự và Đơn vị kiểm sát tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự của Viện kiểm sát các cấp phải phối hợp kiểm sát chặt chẽ các trường hợp cơ sở giam giữ đã thông báo bằng văn bản cho cơ quan đang thụ lý vụ án biết trước khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam theo quy định tại Điều 13 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 để giải quyết theo quy định của pháp luật. Trường hợp để xảy ra quá hạn tạm giữ, tạm giam; bắt, tạm giữ, tạm giam không có căn cứ, trái pháp luật và những vi phạm khác có lỗi của Kiểm sát viên thì phải nghiêm túc kiểm điểm, chỉ ra nguyên nhân của vi phạm và đề ra biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.

Thứ ba, yêu cầu Viện kiểm sát các cấp phải kiểm sát chặt chẽ các trường hợp Tòa án chậm ra quyết định thi hành án; cơ quan Công an chậm thực hiện việc áp giải, truy nã đối với các trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại bỏ trốn, không tự nguyện thi hành án khi có đủ điều kiện thi hành án, các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; chú trọng kiểm sát việc thực hiện các quy định mới của pháp luật về việc xét miễn chấp hành hình phạt, giảm mức hình phạt đã tuyên, buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo, tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Thứ tư, tăng cường trực tiếp kiểm sát trại giam, cơ sở giam giữ; chú trọng kiểm sát việc thực hiện kiến nghị, kháng nghị ở những đơn vị có nhiều vi phạm, chậm khắc phục. Viện kiểm sát cấp trên hướng dẫn, kiểm tra, chỉ đạo nghiệp vụ kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự đối với Viện kiểm sát cấp dưới; kịp thời phát hiện nhũng tồn tại, yếu kém, chỉ rõ nguyên nhân, đề ra biện pháp, giải pháp khắc phục triệt để; chú trọng sơ kết, tổng kết để ban hành thông báo rút kinh nghiệm và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo. Trường hợp phát hiện vi phạm trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự và quản lý tạm giữ, tạm giam, quản lý thi hành án hình sự thì phải kiên quyết kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền khắc phục và áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm; yêu cầu xử lý nghiêm minh người vi phạm pháp luật; tổng hợp các vi phạm phổ biến, kéo dài, chậm khắc phục để báo cáo VKSND tối cao.

Thứ năm, Viện kiểm sát các cấp chủ động rà soát, nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung Quy chế phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan bảo đảm phù hợp với quy định mới của pháp luật, quy chế, quy định của Ngành nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát.

P.V

Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 15/5/2018 của VKSND tối cao nêu rõ: Giao Vụ Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự (Vụ 8) chủ trì, phối hợp với Văn phòng và Thanh tra VKSND tối cao giúp Viện trưởng VKSND tối cao đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Chỉ thị này.