Nội dung vụ án cho thấy, ngày 9/3/2015, ông Đông ký hợp đồng thuê khoán vườn của ông Dũng 1,5ha cao su, thời hạn khai thác mủ là 4 năm, giá trị 120 triệu đồng, ông Đông đã giao đủ tiền. Đến tháng 6/2017, ông Dũng thuê người ngăn cản, đạp phá chén, máng, kiểng của ông Đông và không cho ông Đông khai thác mủ. Ông Đông báo chính quyền địa phương giải quyết, ông Dũng vẫn tiếp tục ngăn cản.

Hành vi của ông Dũng cùng với giá cao su giảm gây thiệt hại cho ông. Ông Đông khởi kiện buộc ông Dũng tiếp tục thực hiện hợp đồng thuê khoán. Ông Dũng không đồng ý yêu cầu khởi kiện với lý do ông Đông vi phạm hợp đồng, cụ thể: Hợp đồng thỏa thuận cạo một mặt, ông Đông cạo trở mặt nên cây không phát triển được, thỏa thuận không cạo những cây chu vi dưới 40cm nhưng ông Đông cạo 39 cây có chu vi dưới 40cm.

Quá trình giải quyết vụ án thể hiện, tại Bản án số 17/2018/DSST ngày 26/4/2018 của TAND huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước (Bản án sơ thẩm), đã quyết định: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện về việc “Tranh chấp hợp đồng thuê khoán tài sản” của ông Đông. Chấm dứt Hợp đồng thuê cạo mủ cao su ngày 9/3/2015 giữa ông Đông và ông Dũng. Buộc ông Dũng phải trả cho ông Đông số tiền thuê khoán đã trả tương ứng với thời gian thuê còn lại là 60 triệu đồng.

Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí, chi phí tố tụng và thi hành án.

Ngày 10/5/2018, ông Đông kháng cáo Bản án sơ thẩm theo hướng tiếp tục thực hiện hợp đồng thuê khoán, ông Dũng kháng cáo Bản án sơ thẩm theo hướng không đồng ý trả lại số tiền 60 triệu đồng cho ông Đông.

Tại Bản án số 94/2018/DSPT ngày 25/9/2018, TAND tỉnh Bình Phước (Bản án phúc thẩm), đã quyết định: Chấp nhận một phần kháng cáo của ông Dũng; chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng cáo của ông Đông, sửa toàn bộ Bản án sơ thẩm.

Buộc ông Dũng và bà Nguyễn Thị Mật cùng phải có trách nhiệm liên đới giao cho ông Đông đầy đủ vườn cao su có 1013 cây cao su trồng từ năm 2006 đến năm 2010 gắn liền thửa đất 13.798,2m2 và thửa đất 546,1m2, Giấy CNQSDĐ đứng tên bà Nguyễn Thị Mật, cùng tọa lạc tại tổ 2, ấp Tân Lập, xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước để ông Đông tiếp tục cạo mủ cây cao su thu hoạch hoa lợi trong thời gian 22 tháng còn lại, kể từ ngày 1/11/2018.

Sau xét xử phúc thẩm, trên cơ sở đơn đề nghị xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm của bà Mật, ông Dũng và hồ sơ vụ án, ngày 19/11/2020, Viện cấp cao 3 đã ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 290 đối với Bản án phúc thẩm, theo hướng hủy toàn bộ Bản án phúc thẩm, giữ nguyên Bản án sơ thẩm và đã được Hội đồng xét xử giám đốc thẩm của TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh chấp nhận toàn bộ.

Theo Viện cấp cao 3, từ nội dung vụ án cho thấy vấn đề cần rút kinh nghiệm, đó là: Tại Điều 3 của Hợp đồng thuê giữa ông Dũng và ông Đông thể hiện nội dung “Ông Đông có quyền mở miệng toàn bộ cây cao su trên phần đất của ông Dũng quy cách bề hoành cây tối thiểu 40 phân, lấy từ 1,2m và cạo dậm trong 4 năm, không quá 1,3m. Nếu phát hiện bất cứ lúc nào ông Đông cạo qua mức quy định dù 1 cây ông Dũng có quyền hủy bỏ hợp đồng lấy lại, ông Đông không có quyền cạo tiếp dù chưa hết hạn...”.

Tại Biên bản xác minh ngày 5/10/2017 xác định vườn cao su của ông Dũng đã khai thác có 39 cây cao su không đúng quy cách theo hợp đồng. Biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 7/12/2017, ông Đông xác nhận 39 cây có chu vi dưới 40cm cạo không đúng quy cách thỏa thuận. Việc vi phạm của ông Đông cho thấy ông thiếu trách nhiệm đối với cam kết của mình theo hợp đồng đã ký. Bản án sơ thẩm nhận định ông Đông vi phạm hợp đồng thuê khoán và bác yêu cầu khởi kiện của ông Đông, quyết định chấm dứt hợp đồng thuê khoán cạo lấy mủ cao su giữa ông Đông với ông Dũng, đồng thời buộc ông Dũng trả lại cho ông Đông 60 triệu đồng, tương ứng thời gian thuê còn lại là phù hợp quy định của pháp luật, đúng thỏa thuận các bên đã ký kết.

Bản án phúc thẩm nhận định ông Đông có vi phạm hợp đồng thuê khoản tài sản. Tuy nhiên, xét đơn đề nghị xác nhận của ông Đông ngày 1/12/2017 có nội dung “Hiện nay tôi không có công việc ổn định, không có hợp đồng thuê khoán sản xuất nào, không có đất sản xuất...”. UBND xã Tân Hiệp xác nhận: Ông Nguyễn Văn Đông là con của bà Phạm Thị Gấm... Số nhân khẩu trong hộ gồm có 4 người. Do diện tích đất sản xuất trong gia đình quá ít nên ông Đông có làm thêm hợp đồng để có công việc và tạo thu nhập thêm.

Tại Thông báo số 67/TB-UBND ngày 6/5/2019 của UBND huyện Hớn Quản giải quyết kết quả tố cáo của ông Dũng đối với xác nhận của UBND xã cũng xác nhận “Do diện tích đất sản xuất trong gia đình quá ít nên ông Đông có làm thêm hợp đồng để có công việc và tạo thu nhập thêm”.

Địa phương không xác nhận việc thuê khoán nói trên là nguồn sống duy nhất của gia đình ông Đông. Bản án phúc thẩm căn cứ kết quả xác nhận trên và cho rằng Hợp đồng ông Đông thuê khoán cạo mủ vườn cao su của ông Dũng là nguồn sống duy nhất. Từ đó, áp dụng khoản 2 Điều 510 của Bộ luật Dân sự năm 2005 để quyết định buộc ông Dũng tiếp tục thực hiện hợp đồng là không đúng quy định của pháp luật.

P.V