Quy chế phối hợp này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/7/2018.

Về đối tượng áp dụng, theo Điều 2 của Quy chế, bao gồm: Các Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra (THQCT và KSĐT) thuộc VKSND tối cao; các phòng THQCT và KSĐT, kiểm sát xét xử (KSXX) sơ thẩm thuộc VKSND cấp tỉnh; VKSND cấp tỉnh; VKSND cấp huyện; Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao; Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND cấp tỉnh; Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND cấp huyện; lãnh đạo đơn vị THQCT và KSĐT thuộc VKSND tối cao; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng đơn vị THQCT, KSĐT, KSXX thuộc VKSND cấp tỉnh; Kiểm sát viên thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện được phân công THQCT, kiểm sát giải quyết vụ án hình sự.

Theo Quy chế, việc phối hợp giữa VKS cấp trên và VKS cấp dưới trong việc giải quyết vụ án hình sự do VKS cấp trên THQCT, KSĐT và truy tố, phân công cho VKS cấp dưới thực hành quyền công tố, KSXX sơ thẩm nhằm nâng cao chất lượng công tác THQCT, KSĐT, truy tố, xét xử vụ án hình sự, bảo đảm việc giải quyết vụ án chính xác, kịp thời, đúng pháp luật. Bên cạnh đó, việc phối hợp còn nhằm tăng cường trách nhiệm của Kiểm sát viên tham gia giải quyết vụ án hình sự. Tạo điều kiện cho Kiểm sát viên của VKS cấp dưới được tham gia giải quyết vụ án ngay từ giai đoạn điều tra, bảo đảm nắm chắc hồ sơ vụ án, chứng cứ, tài liệu, đồ vật, nội dung, tiến độ, kết quả điều tra vụ án để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ THQCT, KSXX sơ thẩm tại phiên tòa. Tạo điều kiện cho Kiểm sát viên của VKS cấp trên giải quyết vụ án liên tục từ khi khởi tố vụ án và trong suốt quá trình điều tra, truy tố cho đến khi kết thúc xét xử sơ thẩm vụ án. Đồng thời, bảo đảm sự theo dõi, chỉ đạo kịp thời của VKS cấp trên trong quá trình xét xử sơ thẩm vụ án.

Cũng theo Quy chế, việc phối hợp giữa VKS cấp trên và VKS cấp dưới trong việc giải quyết vụ án hình sự do VKS cấp trên THQCT, KSĐT và truy tố, phân công cho VKS cấp dưới thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm phải đảm bảo 03 nguyên tắc, đó là: Thứ nhất, bảo đảm tuân thủ nguyên tắc tập trung, thống nhất lãnh đạo trong ngành trong quá trình THQCT, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm vụ án hình sự. Thứ hai, bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của mỗi đơn vị trong THQCT, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm vụ án hình sự theo quy định của pháp luật và quy chế nghiệp vụ của ngành KSND. Thứ ba, bảo đảm tuân thủ đúng quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật công tác theo quy định của pháp luật và quy định của ngành KSND.

Mặt khác, tại Điều 5 Quy chế cũng quy định cụ thể về trách nhiệm của các đơn vị trong quan hệ phối hợp. Theo đó, đơn vị THQCT, KSĐT thuộc VKSND cấp trên chịu trách nhiệm đối với toàn bộ quá trình khởi tố, điều tra và quyết định truy tố bị can ra trước Tòa án nhân dân có thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án; có trách nhiệm phối hợp với VKSND cấp dưới trong quá trình THQCT, KSXX sơ thẩm. VKSND cấp dưới có trách nhiệm phối hợp với đơn vị THQCT, KSĐT trong quá trình THQCT, KSĐT vụ án; chịu trách nhiệm THQCT, KSXX sơ thẩm khi được VKSND cấp trên phân công.

Ngoài những nội dung trên, Quy chế còn đề cập cụ thể đến việc phối hợp giữa VKS cấp trên và VKS cấp dưới trong giai đoạn khởi tố, điều tra; phối hợp trong giai đoạn truy tố; phối hợp trước khi mở phiên tòa sơ thẩm; phối hợp tại phiên tòa sơ thẩm và sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm; phối hợp trong trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm trả hồ sơ để điều tra bổ sung...

P.V

Quy chế phối hợp giữa VKS cấp trên và VKS cấp dưới trong việc giải quyết vụ án hình sự do VKS cấp trên THQCT, KSĐT và truy tố, phân công cho VKS cấp dưới thực hành quyền công tố, KSXX sơ thẩm gồm 12 điều. Liên quan đến Chính sách đối với Kiểm sát viên, Quy chế nêu rõ: Viện trưởng VKSND cấp dưới phải ưu tiên xem xét, đề nghị bổ nhiệm đối với các Kiểm sát viên được biệt phái hoặc cử đi làm nhiệm vụ thể hiện được năng lực và đạt kết quả công tác tốt.

Xem chi tiết Quy chế phối hợp tại đâyquy-che-vks-cap-tren-va-cap-duoi.pdf