leftcenterrightdel
 Đồng chí Lê Thị Thu Dung – Phó Viện trưởng VKSND TP Thủy Nguyên nghe báo cáo về cưỡng chế tài sản trong THADS, đảm bảo quyền lợi Nhà nước, công dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Kiểm sát chặt chẽ, phòng ngừa và xử lý nghiêm minh tội phạm kinh tế

Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW (ngày 30/4/2025) về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật và Nghị quyết số 68-NQ/TW (ngày 4/5/2025) về phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó, VKSND được xác định là một lực lượng nòng cốt trong quá trình bảo vệ pháp chế, bảo đảm công bằng cho các chủ thể kinh tế.

Trên tinh thần các Nghị quyết, ngành Kiểm sát đã không chỉ giữ vai trò đấu tranh chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh tế, mà còn chủ động trong việc xây dựng thể chế, ngăn chặn tình trạng hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế, bảo vệ quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân.

Trong quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, việc bảo đảm một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, không dung dưỡng các hành vi tiêu cực là yêu cầu then chốt. Cùng với nhiệm vụ đồng hành và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể kinh tế, VKSND còn giữ vai trò nòng cốt trong đấu tranh, phòng ngừa và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh tế.

Năm 2024, VKSND các cấp đã thực hiện kiểm sát chặt chẽ việc khởi tố và truy tố các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, sở hữu và môi trường. Cụ thể, đã khởi tố 38.217 vụ án/41.467 bị can, tăng 817 vụ (2,1% so với năm 2023). Tội phạm về tham nhũng, chức vụ cũng gia tăng với 1.038 vụ/2.811 bị can, tăng 91 vụ (9,6% so với năm 2023).

Các cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện, khởi tố, điều tra nhiều vụ án lớn, tính chất tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, nhiều vụ liên quan đến các bộ, ngành, địa phương, có sự cấu kết chặt chẽ, tinh vi giữa cán bộ Nhà nước với các doanh nghiệp trong các lĩnh vực quản lý đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng cơ bản, kinh doanh điện, xăng dầu.

Kết quả tích cực này đã góp phần thu hồi hơn 117 nghìn tỷ đồng (đạt tỷ lệ 51,46%), trong đó có nhiều vụ án thu hồi được 100% tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Đây là minh chứng rõ nét cho quyết tâm của Ngành trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, gian lận thương mại và trốn thuế.

Song song với đó, ngành Kiểm sát đã đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong giám sát tư pháp, tận dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo nhằm nhận diện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật. Việc phối hợp chặt chẽ giữa VKSND, Bộ Công an và Tổng cục Thuế cũng được tăng cường nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm kinh tế, đặc biệt là các hành vi xuyên quốc gia.

leftcenterrightdel
 Cán bộ trẻ của Chi bộ VKSND TP Thủy Nguyên nghiêm túc nghiên cứu Nghị quyết, thể hiện tinh thần chính trị vững vàng ngay từ những ngày đầu vào ngành.

Tránh hình sự hóa quan hệ kinh tế – Bảo vệ quyền tự do kinh doanh

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn và bình đẳng, VKSND các cấp đã chủ động phân loại, xử lý thận trọng, linh hoạt các vụ việc dân sự và kinh tế, đặc biệt là những tranh chấp phát sinh trong hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân.

Việc này nhằm tránh tình trạng hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự thuần túy, bảo vệ quyền tự do kinh doanh chính đáng của tổ chức, cá nhân theo đúng tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã thể hiện rõ vai trò trong phòng ngừa hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự thuần túy và bảo vệ quyền tự do kinh doanh chính đáng theo tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW. Thông qua việc xử lý thận trọng các tranh chấp phát sinh trong hoạt động sản xuất – kinh doanh, kiểm sát chặt chẽ việc thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, ngành Kiểm sát đã ban hành 117.707 văn bản yêu cầu kiểm tra, xác minh, giải quyết; trực tiếp giải quyết 1 nguồn tin về tội phạm; trực tiếp kiểm sát việc thụ lý, giải quyết 2.017 lượt tại Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, tăng 7,9%.

Thông qua kiểm sát, đã yêu cầu khởi tố 900 vụ án, tăng 26 vụ (3%); trực tiếp khởi tố và yêu cầu điều tra 17 vụ; yêu cầu huỷ 15 quyết định khởi tố vụ án; hủy bỏ 80 quyết định không khởi tố vụ án, 37 quyết định khởi tố vụ án và 57 quyết định tạm đình chỉ không có căn cứ, trái pháp luật; đồng thời, phát hiện nhiều vi phạm, đã ban hành 1.966 kiến nghị yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khắc phục vi phạm pháp luật trong thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, tăng 4,3%; đã ban hành 658 kiến nghị yêu cầu cơ quan, tổ chức áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm, tăng 4,1%; các kiến nghị đã được chấp nhận, thực hiện, đạt tỷ lệ 98,7%.

Để phòng ngừa thiếu sót, vi phạm trong công tác này, VKSND các cấp đã tổng hợp và ban hành 270 thông báo rút kinh nghiệm.

Kiến nghị hoàn thiện chính sách – Tháo gỡ rào cản pháp lý cho kinh tế tư nhân

Quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30 tháng 4 năm 2025 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, ngành Kiểm sát nhân dân đã chủ động phát huy vai trò trong tham gia xây dựng, hoàn thiện thể chế, nhất là trong lĩnh vực quản lý kinh tế.

Trên cơ sở thực tiễn kiểm sát và chức năng kiến nghị, Viện kiểm sát đã kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập trong chính sách, pháp luật, từ đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ rào cản pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân – một động lực quan trọng của nền kinh tế theo định hướng của Đảng.

leftcenterrightdel
 Cán bộ, đảng viên Chi bộ VKSND TP Thủy Nguyên sôi nổi thảo luận Nghị quyết, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động.

Đồng thời, ngành Kiểm sát tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, chú trọng kiểm soát quyền lực, bổ sung cơ chế ngăn chặn hành vi lạm quyền, nhũng nhiễu doanh nghiệp từ một bộ phận cán bộ công quyền.

Nhiều kiến nghị, đề xuất có giá trị thực tiễn cao của Viện kiểm sát đã được Quốc hội tiếp thu trong quá trình sửa đổi các đạo luật kinh tế, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bảo đảm kỷ cương, pháp chế và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Chuyển đổi số – Nâng cao hiệu quả kiểm sát

Để bắt nhịp với xu thế phát triển khoa học – công nghệ và nâng cao hiệu quả hoạt động, ngành Kiểm sát nhân dân đã tích cực triển khai chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Trọng tâm là việc số hóa 100% hồ sơ án kinh tế, giúp rút ngắn từ 10–20% thời gian xử lý vụ việc, đồng thời tăng cường độ chính xác trong công tác quản lý và kiểm sát.

Song hành với đó, Ngành đã xây dựng cổng thông tin trực tuyến nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân dễ dàng tra cứu quy định pháp luật và thực hiện quyền tố giác tội phạm, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch và khả năng tiếp cận pháp luật của người dân, doanh nghiệp trong kỷ nguyên số.

Cùng với chuyển đổi số, Ngành cũng đẩy mạnh kiện toàn tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Việc sáp nhập các đơn vị cấp huyện, giảm đầu mối cấp Vụ, phòng ban đã tạo điều kiện hình thành bộ máy gọn nhẹ, có năng lực thích ứng cao, phù hợp với yêu cầu đổi mới và hội nhập

Từ bốn trụ cột chiến lược: Kiểm sát – Bảo vệ – Kiến nghị – Chuyển đổi, VKSND tiếp tục khẳng định vai trò là chỗ dựa pháp lý tin cậy, đồng hành cùng sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Qua đó, ngành Kiểm sát không chỉ góp phần thực hiện thắng lợi các Nghị quyết quan trọng của Đảng mà còn đồng hành cùng sự phát triển bền vững của nền kinh tế của đất nước.

Lê Thị Thu Dung - Phó Viện trưởng VKSND TP Thủy Nguyên