Quốc hội từng xem xét về “nhóm tội phạm có tổ chức” và dự tính bổ sung tội danh “thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm có tổ chức”.

 


Gần đây, ở nhiều địa phương xuất hiện các băng nhóm “xã hội đen” như đòi nợ thuê, đánh thuê, thanh toán lẫn nhau khi lợi ích bị xâm phạm. Giữa tháng 4 vừa qua, từ chỗ nợ nần giữa hai công ty, tổng giám đốc một công ty chuyên về xây dựng bị ném bom xăng vào nhà. Tương tự, một giám đốc khác tại quận Bình Tân cũng bị một nhóm giang hồ lùng sục suốt thời gian dài. Sau nhiều tháng không đòi được nợ, bọn này quyết ra tay “xử lý”…

 
Sự tồn tại nhóm tội phạm có tổ chức

 
Các nhóm giang hồ trên đều rất manh động, sẵn sàng làm tất cả để thu được số tiền nợ. Chúng thường có lai lịch bất minh, chủ yếu sống lang thang và không có nơi ở cố định nên công tác điều tra gặp không ít khó khăn. Khi gây án, chúng thường sử dụng các hung khí nguy hiểm như dao, mác, mã tấu, lựu đạn, bộc phá, súng săn và có cả vũ khí quân dụng... Hành vi gây án cũng rất táo tợn, hung hăng. Khi lực lượng công an đến, chúng sẵn sàng chống trả quyết liệt. Tình trạng này đã đến mức báo động, không chỉ xảy ra ở một số thành phố lớn hay khu đông dân cư mà nó còn xảy ra ở những nơi mà từ trước đến nay được coi là thanh bình.

nhận diện tội phạm
Một nhóm tội phạm có tổ chức ra trước vành móng ngựa. Ảnh: HTD

“Xã hội đen” hay “băng nhóm tội phạm” là những thuật ngữ vào những năm 1990 người ta ít nhắc trên các phương tiện thông tin đại chúng; trong các báo cáo của các cơ quan tiến hành tố tụng cũng chỉ nói: “hoạt động theo kiểu xã hội đen”. Sau khi cơ quan điều tra triệt phá các vụ án hoạt động theo kiểu “xã hội đen” như vụ án Palentin ở Nha Trang; vụ Khánh Trắng, Phúc Bồ ở Hà Nội và vụ Năm Cam ở TP.HCM thì khái niệm “xã hội đen” được chính thức nhắc trên các phương tiện thông tin đại chúng; trong lĩnh vực nghệ thuật như sân khấu, điện ảnh cũng có những vở kịch, bộ phim về “xã hội đen”; gần đây nhất Đài Truyền hình Việt Nam phát bộ phim Đầm lầy bạc cũng nói về băng nhóm tội phạm “xã hội đen”.

 
Như vậy, ở nước ta từ chỗ không có băng nhóm “xã hội đen”, đến nay thì các băng nhóm “xã hội đen” đang là vấn đề xã hội quan tâm. Cơ quan công an đã vào cuộc, triệt phá một số băng nhóm nhưng chúng vẫn cứ hoành hành. Vào thời điểm Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 1999, ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự đã đề nghị Quốc hội bổ sung Điều 20a về “Nhóm tội phạm có tổ chức” và Điều 245a quy định tội danh “thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm có tổ chức”. Nhưng vì còn nhiều ý kiến khác nhau nên đề nghị này chưa được Quốc hội thông qua. Nhưng qua đây cho thấy Quốc hội cũng đã muốn luật hóa để trừng trị các băng nhóm “xã hội đen”.
 


Biết nhìn nhận để tiến tới loại trừ


 
Băng nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu “xã hội đen” hình thành và phát triển như là một hiện tượng khách quan. Khi nền kinh tế-xã hội phát triển đến một lúc nào đó thì nó xuất hiện; chúng ta đừng đổ lỗi cho Nhà nước, gia đình hay xã hội đã không có biện pháp phòng ngừa nên hiện tượng “xã hội đen” hình thành; nó là sản phẩm tất yếu (mặt trái) của nền kinh tế thị trường, mà không có quốc gia nào không phải trả giá. Vấn đề quan trọng là chúng ta nhìn nhận nó như thế nào và giải quyết nó ra sao để hạn chế, ngăn chặn tiến tới loại trừ nó ra khỏi đời sống xã hội? Mọi sự nóng vội, chủ quan, duy ý chí đều đem lại thất bại.

 
Trước đây, khi miền Nam mới được giải phóng (1978-1979), ở một số thành phố lớn của miền Nam xảy ra nhiều vụ giết người, cướp của có tổ chức. Tội phạm cũng được thực hiện rất táo tợn, gây kinh hoàng trong dân chúng nhưng chỉ sau một thời gian, chúng ta phát động một phong trào đấu tranh chống tội phạm với sự tham gia của toàn xã hội mà lực lượng công an làm nòng cốt đã triệt phá, chặn đứng, đẩy lùi, xóa bỏ. Đây là kinh nghiệm và là bài học quý có ý nghĩa to lớn cho chúng ta trước tình trạng các băng nhóm “xã hội đen” lộng hành.

 

Về lâu dài, cần phải xây dựng một chiến lược tổng thể, gắn liền với sự phát triển kinh tế-xã hội; loại bỏ những nguyên nhân khách quan và chủ quan hình thành các băng nhóm tội phạm nguy hiểm, trong đó cần quan tâm đến nguyên nhân từ mặt trái của nền kinh tế thị trường; từng bước hoàn thiện các quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý kinh tế-xã hội; nâng cao ý thức pháp luật cho cộng đồng. Đồng thời, phải xây dựng lối sống hướng thiện, căm ghét cái ác; xây dựng phong trào toàn dân tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm; nâng cao năng lực quản lý nhà nước của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến cơ sở; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ pháp luật tinh thông về nghiệp vụ, sẵn sàng ứng phó với những tình huống xảy ra...

 
Trước mắt, cần trấn áp mạnh các băng nhóm tội phạm nguy hiểm; các địa phương cần rà soát, quản lý chặt các đối tượng có tiền án, tiền sự, những thanh thiếu niên có biểu hiện hư hỏng, đua đòi, ăn chơi trác táng. Ở những nơi đã hình thành các băng nhóm tội phạm nguy hiểm, cần thành lập ban chuyên án triệt phá các băng nhóm tội phạm nguy hiểm ngay trước khi chúng có hành vi phạm tội; phát động phong trào toàn dân tham gia phòng chống tội phạm nguy hiểm, cung cấp thông tin, tố cáo những tên đầu sỏ, những tên đồng phạm khác trong các băng nhóm tội phạm nguy hiểm...

 
ĐINH VĂN QUẾ Nguyên chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao