Hàng xóm cho biết, dù cha mẹ già yếu, vất vả nhưng Nghị chưa bao giờ giúp đỡ mà vẫn phải xin tiền mẹ, mắng chửi cha. Có lần, mẹ lên cơn đau tim, Nghị chỉ ngồi nhìn hàng xóm đưa bà ấy đi bệnh viện.
Ông Mực có 13 người con và trước đây sống trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận 5). Còn bà Tư có người con trai riêng ở Bến Tre. Hơn 30 năm trước hai người gá nghĩa và Nghị là đứa con chung duy nhất của họ. Sau khi bán căn nhà ở quận 5 được một số tiền lớn, ông Mực mua 2 căn nhà liền kề trong hẻm 650 và đưa vợ con về sống ở một căn, còn lại cho thuê. Nhiều người cho hay, số tiền dư được ông bà đem gửi ngân hàng.
Để không có chuyện tranh chấp tài sản về sau giữa các con nên ông bà quyết định làm di chúc cho Nghị thừa kế 2 căn này. Được cha mẹ thương yêu, người con trai cũng nuôi chí ăn học. Sau khi tốt nghiệp kỹ sư điện lạnh, Nghị đi làm. Nhưng chỉ được 1-2 năm, anh ta ở nhà sống dựa vào cha mẹ già.
Theo những người hàng xóm, Nghị có thân hình rất vạm vỡ, cao khoảng 1,8 mét, râu quai nón và khuôn mặt "trông rất dữ". Không ai ở trong xóm thân thiết vì anh ta ít tiếp xúc, sống rất khép kín và thường ở lì trên gác xem tivi hay nghe nhạc.
"Không rượu chè, hút chích hay cờ bạc nhưng Nghị như bị bệnh tự kỷ. Tôi về đây sống 6 năm nhưng chưa bao giờ thấy anh ta nói chuyện với ai trong khu phố. Có khi một năm anh ta chỉ ra khỏi nhà 1-2 lần. Và cũng chưa bao giờ thấy Nghị có bạn bè đến nhà chơi", anh Mai Minh Đức sống sát nhà ông Mực nói.
Bà Trần Thị Lan, Tổ trưởng khu phố nơi gia đình Nghị sống cũng cho biết, những lần bà đến nhà thu tiền quỹ an ninh khu phố, Nghị đi ra mà không chào hỏi hay nói lời nào. "Có lần bà Tư tâm sự muốn lấy vợ cho Nghị ổn định cuộc sống. Tôi lờ mờ biết rằng anh ta rất bất hiếu với cha mẹ nhưng họ cố che giấu", bà Lan nói.
Gia đình ông Mực sống nhờ vào 3,5 triệu đồng cho thuê nhà và một khoản ít ỏi mà bà Tư đi bán vé số kiếm được. Mỗi sáng ông Mực chở vợ đến điểm bán vé số, trưa đón về và chiều lại chở đi. Hàng tuần, ông đều đến nhà những người con riêng xin tiền về tiêu xài. Còn Nghị thi thoảng xin tiền mẹ.
Dù cha mẹ già yếu vất vả nhưng đứa con trai vạm vỡ như Nghị chưa bao giờ giúp đỡ, kể cả việc dẫn xe máy lên bậc thềm cao. "Có lần bà Tư lên cơn đau tim ngất xỉu nhưng anh ta cứ ngồi nhìn chúng tôi đưa bà ấy đi bệnh viện. Còn ông Mực thì bị Nghị mắng chửi thường xuyên", anh Phương, người dẫn xe máy giúp ông Mực chiều trước khi xảy ra án mạng cho biết.
Theo anh Phương, ít khi đi ra ngoài nhưng mỗi lần Nghị ra khỏi nhà thì phải 2-3 ngày mới về và "trong tình trạng tơi tả". Cách đây vài tháng, anh ta làm mất 2 xe máy. Bị bố nặng lời, Nghị đòi đánh lại nhưng được bà Tư can ngăn. Sau đó, hai vợ chồng già gom góp tiền mua lại xe Wave để làm phương tiện đi lại. Thấy có xe mới, Nghị mượn đi nhưng ông Mực không cho và anh ta liên tục kiếm chuyện chửi bố. Khoảng một tuần trước, hàng xóm thấy Nghị cạo trọc đầu.
Anh Phương kể, 22h ngày 21/6, người dân trong hẻm nghe tiếng kêu cứu yếu ớt của ông Mực liền chạy đến nhưng cửa bị khóa trái. Mọi người đập cửa gọi nhưng không ai trả lời. Nhìn qua khe cửa sắt, anh Phương thấy máu chảy lênh láng dưới nền nhà nên báo cảnh sát.
Các trinh sát cũng phải leo lên nóc nhà, phá mái tôn để tiếp cận. Ông Mực nằm bất động trên vũng máu, phía trong sát cầu thang là thi thể người vợ. Cạnh đó là con dao inox dài 20 cm dính đầy máu. Còn Nghị đang nằm trên gác, trông không có vẻ gì là sợ hãi. "Hắn ta được dẫn ra ngoài trong bộ quần tây và áo sơmi dài tay màu đỏ đóng thùng rất lịch sự", anh Phương kể.
"Gia đình tôi rất bất ngờ trước sự việc dù trước đó có hay chuyện ông bà nội bị chú Nghị đối xử không tốt. Trước Tết chú ấy còn đón xe đò một mình về Bến Tre chơi với gia đình và rất bình thường", cháu nội của bà Tư cho biết.
Theo cơ quan điều tra, sau khi ra tay sát hại bố mẹ, Nghị đã tắm rửa sạch sẽ và cất giấu bộ đồ dính đầy máu dưới góc cầu thang. Tuy nhiên, Nghị rất cứng đầu không chịu khai nguyên nhân gây án.
Theo vnexpress