|
|
Kiểm sát khám nghiệm hiện trường vụ án tai nạn giao thông đường bộ. Ảnh: VKSTIENGIANG |
Để công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường các vụ tai nạn giao thông đường bộ có chất lượng, hiệu quả, Kiểm sát viên (KSV) cần trang bị cho mình hệ thống kiến thức, kỹ năng khám nghiệm hiện trường; nắm vững, thực hiện nghiêm quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), các văn bản pháp luật có liên quan và Quy chế Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố, ban hành theo Quyết định số 111/QĐ-VKSTC ngày 17/4/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao (từ Điều 28 đến Điều 31)..., đồng thời lưu ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, ngay khi có mặt tại hiện trường, KSV đề nghị Điều tra viên (ĐTV) cùng lực lượng khám nghiệm thực hiện các công việc cấp bách như cứu chữa người bị thương, khoanh vùng bảo vệ hiện trường, phân luồng điều tiết nhằm tránh xảy ra ách tắc giao thông. Nếu người bị thương đã được người dân đưa đi cấp cứu tại cơ sở y tế, KSV trao đổi với ĐTV cử cán bộ nhanh chóng liên hệ, yêu cầu cơ sở y tế chỉ định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu, hơi thở và xét nghiệm chất ma túy, chất kích thích khác, điều này giúp kiểm tra xem người bị thương liên quan đến vụ tai nạn có chấp hành đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ khi tham gia giao thông hay không?
Trường hợp có người chết, phải đánh dấu vị trí, chụp ảnh trước khi di chuyển tử thi đến nơi khác. Nếu chưa xác định được nguyên nhân chết, phải trưng cầu giám định pháp y; lưu ý lực lượng khám nghiệm ghi nhận đầy đủ, xem xét kỹ lưỡng các dấu vết trên tử thi, kết hợp với hiện trường để làm rõ nguyên nhân chết là do tai nạn giao thông hay là vụ án giết người tạo hiện trường giả. Nếu chưa xác định được tung tích của tử thi thì thông báo công khai, lấy dấu vân tay, chụp ảnh, tạm giữ các đồ vật, giấy tờ liên quan phục vụ cho việc nhận dạng, xác định tung tích, lai lịch của tử thi.
Đề nghị ĐTV, Công an cấp xã, lực lượng bảo vệ hiện trường cung cấp thông tin vụ việc, các công việc đã thực hiện, hiện trường còn nguyên vẹn hay đã bị xáo trộn, những ai đã đi vào khu vực hiện trường, vị trí các dấu vết đã thay đổi thế nào.
Tai nạn giao thông đường bộ thường xảy ra, ở những đoạn đường đông người qua lại, sau khi tai nạn xảy ra phải kịp thời cứu chữa người bị thương nên hiện trường thường hay bị xáo trộn, do đó, KSV phối hợp với ĐTV đánh giá hệ thống dấu vết, lấy lời khai người biết việc để tổ chức dựng lại hiện trường, làm rõ nguyên nhân, diễn biến của vụ việc, vị trí va chạm trên mặt đường và điểm va chạm đầu tiên giữa các phương tiện, kiểm tra khả năng tri giác của người làm chứng…
Thứ hai, kiểm sát chặt chẽ việc ghi nhận, thu lượm, bảo quản dấu vết của lực lượng khám nghiệm, bảo đảm các dấu vết phải được ghi nhận, thu giữ, bảo quản đầy đủ, kịp thời, đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định, tránh mất mát, lẫn lộn, hư hỏng. Thực tế cho thấy, tại hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ tồn tại các dấu vết phổ biến sau:
Dấu vết phanh, hình thành khi người điều khiển phương tiện đạp phanh gấp làm lốp xe bị hãm lại, mài miết trên mặt đường. Độ dài, đậm nhạt của dấu vết phanh phụ thuộc tốc độ, trọng tải của phương tiện, tình trạng mặt đường cũng như độ bám của lốp xe.
Dấu vết lõm, nứt vỡ, gãy, bong tróc, xuất hiện khi các phương tiện va chạm nhau hoặc phương tiện đâm vào vật cản, người đi đường; phản ánh tốc độ, hướng chuyển động của phương tiện, vị trí va chạm.
Dấu vết cày xước, xuất hiện khi phương tiện bị đổ, ngã, kéo lê trên đường hoặc khi các phương tiện va quệt vào nhau. Xem xét dấu vết này giúp xác định phần đường, chiều hướng chuyển động của các phương tiện trước khi tai nạn xảy ra, vị trí va chạm tại hiện trường.
Dấu vết máu, có thể tồn tại trên mặt đường, phương tiện, quần áo, cơ thể của người gây tai nạn và người bị nạn. Nghiên cứu dấu vết này giúp chúng ta xác định được vị trí của người bị nạn, truy tìm các đối tượng liên quan đến vụ tai nạn giao thông đã bỏ trốn khỏi hiện trường.
Dấu vết sơn, có thể tìm thấy ở những nơi va chạm nhau của các phương tiện, ở mặt đường.
Ngoài ra, còn một số dấu vết khác như lông, tóc, thủy tinh, nhựa, dầu mỡ…
Đối với các tài liệu, vật chứng cần niêm phong thì phải yêu cầu niêm phong ngay tại hiện trường, có đầy đủ chữ ký, điểm chỉ của những người tham gia (người thực hiện niêm phong, chủ sở hữu, người quản lý đồ vật, người chứng kiến, đại diện chính quyền địa phương), đóng dấu của cơ quan chức năng tại biên bản niêm phong và giấy niêm phong nhằm bảo đảm tính nguyên vẹn của vật chứng.
Thứ ba, đề nghị ĐTV tạm giữ đầy đủ phương tiện, các loại giấy tờ liên quan đến phương tiện, người gây tai nạn, người bị nạn. Kiểm tra nồng độ cồn, test nhanh việc sử dụng ma túy; xem xét dấu vết trên thân thể của những người có liên quan đến vụ tai nạn giao thông nhằm ghi nhận các dấu vết, thương tích.
Thứ tư, KSV tiến hành xác định, lấy lời khai ban đầu những người có liên quan đến vụ tai nạn, người làm chứng, qua đó bước đầu nhận định nguyên nhân, diễn biến, tính chất của vụ tai nạn giao thông đường bộ.
|
|
Kiểm sát viên phối hợp lực lượng Công an khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: MP |
Việc lấy lời khai người điều khiển phương tiện gây tai nạn phải làm rõ họ có vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường bộ và các văn bản có liên quan hay không, hậu quả xảy ra, nguyên nhân của vụ tai nạn. Nên đặt câu hỏi theo diễn biến của vụ việc, chẳng hạn: trước khi xảy ra tai nạn, họ điều khiển phương tiện gì, có giấy phép lái xe hay không, chở các loại hàng hóa gì, đi đâu, cùng với ai, lưu thông theo hướng, phần đường nào, tốc độ bao nhiêu, tình trạng sức khỏe, tâm lý lúc điều khiển phương tiện, có sử dụng rượu, bia, ma túy, chất kích thích khác không; hướng di chuyển, phần đường di chuyển của người bị nạn, họ đã xử lý thế nào khi nhìn thấy người bị nạn, vì sao va chạm xảy ra, va chạm tại vị trí nào trên đường và điểm va chạm đầu tiên giữa hai phương tiện; vị trí người, phương tiện, đồ vật sau khi tai nạn xảy ra; sau khi gây tai nạn họ đã xử lý thế nào.
Người làm chứng trong vụ việc tai nạn giao thông đường bộ có thể là người đi cùng trên các phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn, người qua đường, người dân sống xung quanh nơi xảy ra tai nạn. Cần thu thập lời khai của người làm chứng về các tình tiết như điều kiện thời tiết, tình trạng mặt đường; vị trí của người làm chứng đến vị trí xảy ra tai nạn; phần đường, hướng chuyển động của các phương tiện; tình trạng của người điều khiển phương tiện; hành vi, vị trí người, đồ vật, dấu vết sau khi xảy ra tai nạn.
Thứ năm, biên bản khám nghiệm hiện trường phải được lập tại nơi khám nghiệm, thể hiện đầy đủ các loại dấu vết, đồ vật đã thu giữ, có đầy đủ chữ ký của người tiến hành, người tham gia việc khám nghiệm. Điều này rất quan trọng, thực tế đã xảy ra trường hợp bị can, người bào chữa khiếu nại tính khách quan của hoạt động khám nghiệm hiện trường do biên bản khám nghiệm, sơ đồ hiện trường được lập tại trụ sở cơ quan có thẩm quyền điều tra, người chứng kiến không phải là người đã chứng kiến việc khám nghiệm.
Thứ sáu, trong quá trình kiểm sát, nếu phát hiện hoạt động khám nghiệm chưa đầy đủ, có vi phạm, thiếu sót, KSV có quyền đề ra yêu cầu đối với lực lượng khám nghiệm, yêu cầu cần cụ thể, nêu rõ lý do phải thực hiện. Nếu có vi phạm thì phải chỉ rõ vi phạm gì, chỗ nào và phải khắc phục, sửa chữa ra sao.