leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên thảo luận với Cơ quan điều tra và các đơn vị liên quan về phương pháp khám nghiệm hiện trường.

Công việc không dành cho người yếu tim

TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh được xác định là địa bàn trọng điểm của ngành công nghiệp khai thác than của cả nước. So với những giai đoạn trước, việc khai thác các mỏ than trên địa bàn đã từng bước hoàn thiện quy mô, được chú trọng áp dụng những công nghệ hiện đại để bảo đảm an toàn, nhất là có mỏ khai thác hầm lò đều được chống đỡ bằng giá XDY, cột thuỷ lực...; khí sạch được kiểm soát tự động, nhiều đường lò cơ bản đã được bê tông.

Tuy quy trình an toàn chặt chẽ là vậy, thế nhưng, trong lòng đất thì không thể lường trước được điều gì. Hàng năm, tại các mỏ than trên địa bàn vẫn xảy ra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng. Các vụ tai nạn có nhiều nguyên nhân, có thể do sập hầm, bục nước, cháy khí, điện giật… hoặc có thể tai nạn do lỗi chủ quan của công nhân khai thác mỏ. 

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường những vụ tai nạn tại địa điểm khai thác than, đặc biệt tại các hầm lò, trong những năm qua, lãnh đạo VKSND TP Cẩm Phả luôn phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra cùng cấp và Đoàn điều tra tai nạn lao động tỉnh nắm bắt nhanh chóng thông tin, kịp thời phân công Kiểm sát viên có sức khỏe, kinh nghiệm để kịp thời tham gia khám nghiệm hiện trường tại các khu vực khai thác than xảy ra tai nạn. 

Để kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường tại các hầm lò hiệu quả và bảo đảm an toàn, đòi hỏi các Kiểm sát viên ngoài có kiến thức, kinh nghiệm nghiệp vụ về phương pháp, kỹ năng khám nghiệm hiện trường, điều quan trọng hơn cả là phải hiểu biết và tuân thủ tuyệt đối quy trình an toàn của hầm lò. Đây là một công việc không dành cho người yếu tim.

Kỷ niệm khó quên về lần “đi lò” đầu tiên

Kiểm sát viên Lã Hải Long (VKSND TP Cẩm Phả) nhớ lại, trong một ca trực đêm của những ngày đầu được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên năm 2019 bỗng có tin báo phối hợp kiểm sát về vụ tai nạn lao động tại mỏ than Khe Chàm. Lúc đó đã là 22h đêm. Sau khi được lãnh đạo ca trực dặn dò các nội dung cần lưu ý, Long di chuyển 25 km để đến mỏ than Khe Chàm thực hiện nhiệm vụ. 

leftcenterrightdel
 Kiểm sát khám nghiệm hiện trường dưới hầm lò luôn phải đối mặt với những rủi ro, nguy hiểm.

Đây là lần đầu tiên khám nghiệm dưới hầm lò nên Long có chút bỡ ngỡ, khi ai nấy đều đã chỉnh tề trang phục thì anh vẫn đang loay hoay với chiếc ủng đi lò mà không đeo đầy đủ đồ bảo vệ chân. Bộ quần áo kiểm sát được thay thế bằng quần áo công nhân, đeo đèn và bình tự cứu. Các thiết bị điện tử, các vật có thể gây cháy nổ, kể cả điện thoại, đồng hồ đều phải để lại trên mặt đất do quy tắc an toàn trong hầm lò. Sau khi chuẩn bị xong tất cả, anh bước vào hầm lò cùng đoàn khám nghiệm bắt đầu thực hiện nhiệm vụ.

Từ cửa lò, sau chặng đường đi bộ khoảng 15 phút, đoàn đến ga song loan, bắt đầu hành trình “đi vào lòng đất”, điểm đến là lò chợ ở mức -350 (độ sâu 350m). Song loan là phương tiện chở người trong hầm lò, giống như đoàn tàu cỡ nhỏ chạy trên đường ray. Đoàn khám nghiệm phải di chuyển hơn 3km dưới hầm lò sâu hun hút, không gian gần như tối đen, thi thoảng mới được thắp sáng bởi vài bóng đèn. 

Xe song loan không thể đưa cả đoàn tới tận hiện trường vụ tai nạn. Để di chuyển qua những đoạn lò có độ dốc cao, người ta cần tời cáp treo hay vẫn được gọi với cái tên dân dã là “tời khỉ”. Đó là một thanh sắt dài, có vị trí ngồi như xích đu, có chỗ để chân, chạy trên một hệ thống ròng rọc, ngồi trên như đang… đu dây vậy. “Chú xuống lò phải hết sức cẩn thận, nên đi theo cán bộ an toàn phía trước để tránh gặp phải sự cố. Chỉ sơ ý bước chệch thụt chân, kẹt tay hay va vào máng cào là bị tai nạn như chơi” - Long nhớ lại lời dặn lúc đầu của đồng chí trưởng đoàn mà lo lắng ôm chặt thanh tời mỗi khi rung lắc. 

“Đu tời khỉ” chừng nửa tiếng thì hết đoạn đường xuống dốc, đoàn bắt đầu chặng đường cuốc bộ để đến lò chợ. Đường lò chợ rất hẹp, dốc lên dốc xuống. Có những đoạn thắt lại, đoàn khám nghiệm hiện trường phải lách người, khom lưng, cúi mình luồn qua khe hẹp của những cột chống thủy lực. 

“Càng đi xuống dưới không khí càng loãng, cảm giác hơi khó thở do thiếu khí, qua ánh đèn lò tôi cảm nhận được những lớp bụi than dày, bay lơ lửng li ti trước mặt, khiến cho tôi phải cởi bỏ khẩu trang để dễ thở hơn mà chẳng còn quan tâm đến bụi than nữa, nhiệt độ mỗi lúc một hạ thấp, từng cơn gió lạnh thổi từ hệ thống thông gió làm khô bớt những giọt mồ hôi hòa lẫn với bụi than trên mặt. Càng vào sâu, đường lò càng nhỏ dần, nước tí tách từ vòm nhỏ xuống nền đất, nhiều đoạn đường lò ướt nhoẹt. Có những vị trí chúng tôi phải đu, trượt vì độ dốc cao. Có chỗ phải trườn người qua, cúi thật thấp đầu mà vẫn vài lần va vào xà sắt. Thế mới hiểu thế nào là vất vả trong lò, chỉ một chút sơ sẩy cũng có thể xảy ra tai nạn.” - Kiểm sát viên Long nhớ lại. 

Sau khi đi hết “đu tời khỉ”, cuốc bộ tiếp 2 tiếng đồng hồ, trước mặt Long là hiện trường vụ tai nạn. Đường hầm đột ngột thắt nhỏ lại, chiều ngang chỉ chừng 2-3 người đứng. Bám dọc 2 bên thành và vòm lò là chi chít hệ thống cột chống thủy lực, máy móc. Đoàn phải nép vào gương than để nhường đường nhau, tìm vị trí thích hợp để quan sát, tìm kiếm các dấu vết, thu thập chứng cứ... 

Sau gần 3 tiếng mò mẫm trong lò chợ, đoàn công tác cũng đã sơ bộ hoàn thiện xong biên bản và sơ đồ khám nghiệm hiện trường, thu thập và ghi nhận đầy đủ các dấu vết liên quan đến vụ tai nạn. Vào hầm lò lúc nửa đêm và trở lại mặt đất lúc mặt trời đã đứng bóng. 

“Qua buổi khám nghiệm hiện trường trong hầm lò, tôi đã đúc rút được những kinh nghiệm quý báu cho bản thân, càng thấu hiểu hơn nỗi vất vả của người Kiểm sát viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nên càng khâm phục hơn những người đồng nghiệp, thế hệ cha anh đi trước” - Kiểm sát viên Lã Hải Long chia sẻ.

Khánh An - Trúc Quyên