Cụ thể về thẩm quyền xét xử

Về thẩm quyền xét xử, tại Điều 3 Thông tư số 02 quy định: Tòa gia đình và người chưa thành niên có thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự, đó là: Vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi; vụ án hình sự có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác. Bên cạnh đó, tại Điều 4 Thông tư số 02 cũng quy định rõ những vụ án hình sự thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên xét xử tại Phòng xử án hình sự, gồm: Vụ án hình sự có bị cáo là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý và tội đặc biệt nghiêm trọng. Vụ án hình sự có bị cáo là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm một trong các tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại các Điều 123, 134, 141, 142, 144, 151, 168, 169, 170, 171, 248, 249, 250, 251, 252 và 299 của Bộ luật hình sự. Vụ án hình sự vừa có bị cáo là người dưới 18 tuổi vừa có bị cáo là người từ đủ 18 tuổi trở lên. Vụ án hình sự mà bị cáo là người từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác.

Về những vụ án hình sự thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên xét xử tại Phòng xét xử thân thiện. Theo Thông tư số 02 đó là những vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 4 của Thông tư này. Đối với các Tòa án chưa có Phòng xét xử thân thiện thì khi xét xử các vụ án quy định tại khoản 1 Điều này, phòng xử án phải được bố trí thân thiện, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi.

Thẩm phán, Hội thẩm phải có đủ các điều kiện

Theo Thông tư số 02, khi giải quyết vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi, Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán, Hội thẩm phải bảo đảm các điều kiện đó là: Thẩm phán là người có kinh nghiệm xét xử các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi hoặc đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng giải quyết các vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi hoặc đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi. Đồng thời, có 01 Hội thẩm là giáo viên, cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi.

Đối với việc xét xử vụ án hình sự có bị cáo, người bị hại là người dưới 18 tuổi, tại Điều 7 Thông tư số 02 nêu rõ: Thứ nhất, khi xét xử vụ án hình sự quy định tại Điều 5 của Thông tư này, Tòa án phải thực hiện các quy định sau đây: Phòng xử án phải được bố trí thân thiện, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi theo đúng quy định tại Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28/7/2017 của Chánh án TAND tối cao quy định về phòng xử án; Thẩm phán mặc trang phục làm việc hành chính của Tòa án nhân dân (không mặc áo choàng); việc tổ chức phiên tòa và bảo vệ phiên tòa thực hiện theo quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-TANDTC ngày 28/7/2017 của Chánh án TAND tối cao ban hành Quy chế tổ chức phiên tòa; đối với những vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì Tòa án phải xét xử kín; đối với những vụ án khác có yêu cầu của người dưới 18 tuổi, người đại diện của họ hoặc để giữ bí mật đời tư, bảo vệ người dưới 18 tuổi thì Tòa án cũng có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai theo quy định tại Điều 327 của Bộ luật tố tụng hình sự; không xét xử lưu động đối với vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi. Thứ hai, khi xét xử vụ án hình sự có bị cáo, người bị hại là người dưới 18 tuổi quy định tại Điều 4 của Thông tư này, Tòa án phải thực hiện theo quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều này.

Quy định việc tham gia phiên tòa của người đại diện, nhà trường, cơ quan, tổ chức

Thông tư số 02 quy định, những người sau đây phải có mặt tại phiên tòa theo quyết định của Tòa án: Người đại diện của người dưới 18 tuổi; đại diện nhà trường nơi người dưới 18 tuổi học tập; đại diện của cơ quan, tổ chức nơi người dưới 18 tuổi lao động, sinh hoạt. Trường hợp những người được quy định tại khoản 1 Điều này vắng mặt lần thứ nhất hoặc vắng mặt lần thứ hai vì lý do bất khả kháng, do trở ngại khách quan thì Tòa án phải hoãn phiên tòa. Trường hợp những người quy định tại khoản 1 Điều này vắng mặt lần thứ hai không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan nhưng để bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi thì Tòa án cũng có thể hoãn phiên tòa.

Đối với việc tham gia của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại là người dưới 18 tuổi, tại Điều 9 Thông tư số 02 quy định: Thứ nhất, người bị hại là người dưới 18 tuổi hoặc cha mẹ, người đại diện hợp pháp, người giám hộ của họ có quyền nhờ những người sau đây bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại là người dưới 18 tuổi: Luật sư; Trợ giúp viên pháp lý; Bào chữa viên nhân dân; Người khác. Thứ hai, Tòa án phải thông báo cho người bị hại là người dưới 18 tuổi hoặc cha mẹ, người đại diện hợp pháp, người giám hộ của họ về quyền nhờ những người quy định tại khoản 1 Điều này bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại là người dưới 18 tuổi. Trường hợp họ không lựa chọn được người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại nhưng có văn bản đề nghị thì Tòa án yêu cầu Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử luật sư hoặc Trung tâm trợ giúp pháp lý cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư hoặc Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên nhân dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại là người dưới 18 tuổi. Thứ ba, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại là người dưới 18 tuổi có quyền tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can, có mặt khi cơ quan tiến hành tố tụng lấy lời khai của người mà mình bảo vệ; có quyền kháng cáo phần bản án, quyết định của Tòa án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ; có quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch, người dịch thuật, người định giá tài sản theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Ngoài ra, tại Điều 10 Thông tư số 02 còn quy định về việc tiếp xúc giữa người bị hại là người dưới 18 tuổi với bị cáo. Cụ thể, trong quá trình xét xử vụ án, Hội đồng xét xử phải cách ly người bị hại là người dưới 18 tuổi với bị cáo trong những trường hợp, đó là: Những vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán; những vụ án có người bị hại là người dưới 10 tuổi; những vụ án khác có yêu cầu của người dưới 18 tuổi hoặc người đại diện của họ và Hội đồng xét xử xét thấy cần phải cách ly để bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi. Bên cạnh đó, trong quá trình xét xử những vụ án quy định tại khoản 1 Điều này, người bị hại tham gia phiên tòa ở phòng cách ly. Thông tin về điễn biến phiên tòa cũng như việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ được truyền qua hệ thống truyền hình trực tuyến có âm thanh hoặc được thực hiện bằng phương thức khác nhưng phải bảo đảm cho họ theo dõi đầy đủ diễn biến phiên tòa và thực hiện được quyền, nghĩa vụ của mình. Mặt khác, người đại diện, người giám hộ, chuyên gia hoặc cán bộ tâm lý - xã hội, người làm công tác bảo vệ trẻ em phải có mặt ở phòng cách ly để hỗ trợ người bị hại tham gia phiên tòa.

P.V

Về phạm vi điều chỉnh, Thông tư số 02 nêu rõ: Thông tư này quy định về việc xét xử vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc vụ án hình sự có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên. Đối với các Tòa án chưa tổ chức Tòa gia đình và người chưa thành niên thì việc xét xử các vụ án quy định tại khoản 1 Điều này do Thẩm phán chuyên trách thực hiện.