Theo Kế hoạch, mục đích của công tác luân chuyển, điều động công chức lãnh đạo, quản lý nhằm tạo môi trường mới để rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng, thử thách cán bộ lãnh đạo, quản lý qua thực tiễn công tác, nhất là cán bộ trẻ, có triển vọng, giúp cán bộ trong quy hoạch trưởng thành nhanh hơn và toàn diện hơn, đáp ứng yêu cầu cán bộ trước mắt và lâu dài của Ngành. Chủ động tạo nguồn cán bộ, thực hiện chuẩn hoá cán bộ lãnh đạo các cấp, đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực trong những năm tiếp theo của ngành. Đồng thời, tiếp tục thực hiện chủ trương bố trí Viện trưởng VKSND cấp tỉnh không phải là người địa phương hoặc cán bộ không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.

Bên cạnh đó, việc điều động, thay đổi môi trường công tác mới để công chức nghiên cứu, đề ra các biện pháp quản lý, chỉ đạo hiệu quả; từng bước điều chỉnh việc bố trí hợp lý đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ, yêu cầu nhiệm vụ của Ngành, phù hợp với đội ngũ công chức, phục vụ cho công tác luân chuyển. Mặt khác, việc điều động nhằm tăng cường cán bộ cho những nơi có nhu cầu cấp bách, nhất là đơn vị có khó khăn về công tác cán bộ, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, khép kín trong công tác cán bộ, khắc phục tâm lý thoả mãn, trì trệ không chịu nỗ lực học tập, phấn đấu nâng cao trình độ và hiệu quả công tác. Ngoài ra, việc luân chuyển, điều động công chức phải căn cứ vào quy hoạch; yêu cầu, tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh quy hoạch. Cần tạo sự thống nhất cao về nhận thức, làm cho công chức thông suốt về tư tưởng, nghiêm túc chấp hành quyết định của Viện trưởng VKSND tối cao.

Cũng theo Kế hoạch, đối tượng luân chuyển là công chức lãnh đạo cấp Vụ và tương đương thuộc VKSND tối cao; Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND cấp cao; Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND cấp tỉnh. Địa bàn luân chuyển công chức từ các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao đến VKSND cấp tỉnh và ngược lại. Thời gian luân chuyển công chức lãnh đạo, quản lý từ 03 năm (36 tháng) trở lên.

Đối với việc điều động công chức, đối tượng điều động là Phó Vụ trưởng và tương đương thuộc VKSND tối cao; Phó Viện trưởng VKSND cấp cao; Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND cấp tỉnh. Địa bàn điều động là từ các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao và VKSND cấp tỉnh.

Về quy trình luân chuyển, điều động, Kế hoạch nêu rõ: Hàng năm, Thủ trưởng các đơn vị tổ chức rà soát các đối tượng cần luân chuyển, điều động lập danh sách gửi Vụ Tổ chức cán bộ. Trên cơ sở quy hoạch cán bộ, căn cứ vào đề nghị của các đơn vị và nhu cầu điều động, luân chuyển công chức, số lượng công chức cần điều động, luân chuyển, Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp danh sách công chức đủ điều kiện, yêu cầu cần luân chuyển, điều động và đơn vị luân chuyển, điều động đến.

Tiếp đó, Vụ Tổ chức cán bộ báo cáo dự kiến danh sách công chức luân chuyển, điều động xin ý kiến tập thể Ban cán sự đảng VKSND tối cao. Tập thể Ban cán sự đảng VKSND tối cao xem xét, phê duyệt danh sách luân chuyển, điều động. Trên cơ sở danh sách được Ban cán sự đảng VKSND tối cao phê duyệt, Lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách đơn vị thông báo với thủ trưởng đơn vị nơi có cán bộ điều động, luân chuyển (nơi đi và nơi đến); giao nhiệm vụ cho công chức thuộc diện điều động, luân chuyển, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và ý kiến đề xuất của công chức. Sau đó, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành quyết định luân chuyển, điều động. Cuối cùng là việc thực hiện quyết định luân chuyển, điều động của Viện trưởng VKSND tối cao.

P.V

Cũng theo Kế hoạch, việc luân chuyển, điều động công chức lãnh đạo, quản lý thực hiện nhiều đợt, từ năm 2018. Số lượng công chức luân chuyển, điều động căn cứ vào yêu cầu quy hoạch và bố trí công chức lãnh đạo, quản lý hàng năm để báo cáo Ban cán sự đảng VKSND tối cao quyết định. Công chức phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định luân chuyển, điều động của Viện trưởng VKSND tối cao.