Triển khai thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về đầu tư công
Về kinh phí chi đầu tư phát triển, Hướng dẫn nêu rõ: Thủ trưởng các đơn vị có dự án đầu tư, Chủ đầu tư dự án triển khai thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về đầu tư công, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về triển khai kế hoạch vốn đầu tư năm 2025 và Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác của ngành KSND năm 2025.
Xác định việc giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2025 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện quyết liệt để đạt mục tiêu đề ra để giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu và Tổ công tác thúc đẩy giải ngân của đơn vị trong chỉ đạo tổ chức thực hiện các dự án. Chủ đầu tư dự án, Thủ trưởng các đơn vị có dự án đầu tư chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án trước Viện trưởng VKSND tối cao, coi đây là căn cứ đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao, đánh giá thi đua trong năm 2025.
Căn cứ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2025 được giao tại Quyết định số 173/QĐ-VKSTC ngày 30/12/2024 của VKSND tối cao để xây dựng kế hoạch, cam kết tiến độ giải ngân và phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện cho từng dự án ngay từ đầu năm.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát hiện trường, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là các khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, các thủ tục liên quan đến đất đai; đôn đốc các nhà thầu, tư vấn để đẩy nhanh tiến độ các dự án..; có biện pháp xử lý những trường hợp cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giải ngân vốn; kiểm điểm, xử lý, thay thế kịp thời các công chức yếu kém, tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao, dẫn tới dự án kéo dài, đội vốn, lãng phí.
Chủ động, trực tiếp phối hợp, làm việc với UBND, các sở ban ngành liên quan trong quá trình triển khai để giải quyết các thủ tục trong quá trình thực hiện dự án. Trong quá trình triển khai, nếu có khó khăn vướng mắc vượt thẩm quyền, đề nghị báo cáo VKSND tối cao để sớm có phương án tháo gỡ, bảo đảm hoàn thành mục tiêu đề ra, đúng thời hạn, hiệu quả và tuân thủ các quy định liên quan của pháp luật.
Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Về các khoản kinh phí chi hoạt động đặc thù, Hướng dẫn nêu rõ gồm kinh phí thuê luật sư, trợ cấp nhân chứng: Đơn vị thực hiện chi theo quy định và được điều chỉnh giữa các đơn vị dự toán trực thuộc nhưng không làm thay đổi tổng dự toán kinh phí được giao.
Chi hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 1018/2020/TT-BTC ngày 18/9/2020 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hoạt động điều tra trong ngành KSND và các quy định khác của pháp luật.
Chi công tác kiểm sát trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ: Căn cứ nguồn kinh phí được cấp để chi cho công tác kiểm sát đối với những trại giam, trại tạm giam kể các các trại đã được VKSND tối cao phân cấp, ủy quyền quản lý.
|
|
Quang cảnh Hội nghị tập huấn chế độ kế toán hành chính sự nghiệp và sử dụng phần mềm tổng kiểm kê tài sản công năm 2024 trong ngành KSND. (Ảnh minh hoạ) |
Đối với chi hoạt động điều tra, xác minh tin báo, tố giác tội phạm; tham gia kiểm sát quá trình điều tra và trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra; hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự; kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; chi hoạt động điều tra, xác minh giai đoạn phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm và hoạt động xét xử lưu động của VKSND cấp cao tại Hà Nội, tại TP Hồ Chí Minh, tại Đà Nẵng:
Đây là khoản bổ sung chi thường xuyên ngoài định mức để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, gồm các nội dung: Chi công tác phí, xăng xe; văn phòng phẩm; chi tập huấn thực hiện luật; chi thuê phiên dịch, dịch thuật; sửa chữa trang thiết bị phục vụ hoạt động ....(không được sử dụng chi mua sắm máy móc, trang thiết bị). Đối với chi cho hoạt động điều tra tội phạm, hoạt động kiểm sát điều tra thực hiện theo quy định tại Thông tư số 1018/2020/TT-BTC ngày 18/9/2020 của Bộ Tài chính và các quy định khác của pháp luật.
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng
Liên quan đến nội dung này, theo Hướng dẫn của VKSND tối cao: Thực hiện siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong quản lý tài chính - ngân sách nhà nước; điều hành, quản lý chặt chẽ các khoản chi ngân sách nhà nước theo đúng dự toán được giao, giải ngân vốn trong phạm vi kế hoạch, đảm bảo đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức chế độ quy định của Nhà nước và hướng dẫn của Ngành.
Thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, đặc biệt là các khoản chi tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; quản lý các khoản chi đầu tư, xây dựng cơ bản, mua sắm, sửa chữa chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, theo Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao.
Chủ động sắp xếp chi thường xuyên, ưu tiên các nhiệm vụ quan trọng và các nhiệm vụ mới tăng thêm, bảo đảm nguồn lực thực hiện các chính sách tiền lương, không để xảy ra tình trạng nợ lương cán bộ, công chức, viên chức, các khoản chi cho con người.
Thủ trưởng các đơn vị dự toán tổ chức chỉ đạo thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm và chống lãng phí và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành Luật; Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Ngành.
Đồng thời, xử lý kịp thời, đầy đủ những sai phạm được phát hiện qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân và thực hiện chế độ trách nhiệm đối với thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách trong quản lý điều hành ngân sách khi để xảy ra thất thoát, lãng phí, sử dụng ngân sách sai chế độ, chính sách.