Cụ thể như: Vụ án Nguyễn Xuân Dương (SN 1966), Phó Giám đốc Sở Khoa học công nghệ và Môi trưởng tỉnh Thái Bình, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà và 15 bị can đều là những người có chức vụ, quyền hạn phạm tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại xã Hồng An, huyện Hưng Hà. Các bị can trong vụ án đã chiếm đoạt, gây thiệt hại cho nhà nước tổng số tiền trên 3 tỉ đồng.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Phạm Viết Vượng, Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Bình phát biểu chỉ đạo tại một cuộc họp đơn vị.

Đến nay, vụ án đã xét xử sơ thẩm bảo đảm đúng quy định của pháp luật, đã thu hồi được trên 90% tài sản; được cấp ủy địa phương đánh giá cao và được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Đối với vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Nhận hối lộ” xảy ra tại xã Minh Quang, huyện Kiến Xương: Qua điều tra, Cơ quan điều tra đã khởi tố Nguyễn Sơn La (SN 1957, trú tại khu Vincom, phường Đề Thám, TP Thái Bình) và Đặng Xuân Khu (SN 1966), Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Kiến Xương và 6 bị can nguyên là Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương, Trưởng phòng Tài nguyên môi trường; Chủ tịch UBND xã Minh Quang, cán bộ địa chính xã, chuyên viên Phòng Tài nguyên môi trường UBND huyện Kiến Xương do có hành vi chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định, gây thiệt hại cho nhà nước gần 5 tỉ đồng. Trong tháng 2/2025, VKSND tỉnh Thái Bình đã tập trung nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ và truy tố ra TAND tỉnh xét xử.

Ngoài ra, VKSND tỉnh Thái Bình thường xuyên chỉ đạo xử lý kịp thời các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, có những vụ án mà bị can là những người có trình độ hiểu biết rộng, có tầm ảnh hưởng trong xã hội, có chức sắc ở cơ quan Trung ương; một số vụ án đông bị can, bị hại, ở nhiều địa phương khác nhau, điển hình như:

Vụ án Lưu Bình Nhưỡng (SN 1963), cựu đại biểu Quốc hội khóa XIV, cựu Phó Trưởng Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”; Lê Thanh Vân (cựu Đại biểu Quốc hội khóa XV; cựu Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội) bị khởi tố, điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” cùng 3 đồng phạm khác phạm tội: “Cưỡng đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”. Trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2023, Phạm Minh Cường, Vũ Đăng Phương, Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân và Nguyễn Văn Vương đã gây ra các vụ cưỡng đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, xảy ra tại các tỉnh Thái Bình, Quảng Ninh, TP Hải Phòng và TP Hà Nội.

Vụ án đã được đưa ra xét xử trong tháng 1/2025. Có thể thấy, việc phát hiện, điều tra, quyết tâm xử lý nghiêm minh vụ án Lưu Bình Nhưỡng cùng các bị can thực hiện theo đúng phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ" đã được cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đánh giá cao, đồng tình ủng hộ; góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng vào hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Đáng quan tâm hơn nữa là vụ án Tạ Tùng Lâm cùng 120 bị can bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Đây là vụ án rất phức tạp, có đông bị can, các bị can với nhiều thủ đoạn tinh vi, phương thức phạm tội mới, với gần 1.000 bị hại ở nhiều địa phương, số tiền chiếm đoạt lớn, lên đến gần 30 tỉ đồng.  Vụ án đòi hỏi công tác lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Viện phải thật sắc bén, linh hoạt, Kiểm sát viên chủ động nghiên cứu, tìm hiểu, phối hợp tốt trong công tác điều tra, truy tố, xét xử bảo đảm tính khách quan, triệt để, đánh giá, phân hóa rõ vai trò, trách nhiệm của từng bị can trong vụ án nhằm cá thể hóa hình phạt, xử phạt các bị cáo mức án tương xứng với hành vi, tính chất tội phạm. Vụ án được xét xử trong tháng 3 năm 2025…

leftcenterrightdel
 Phiên tòa xét xử Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân và các đồng phạm.

Bằng phương pháp chỉ đạo dứt điểm, chủ động, sáng tạo, đồng bộ các biện pháp đấu tranh, xử lý án liên quan đến tội phạm tham nhũng, chức vụ trong công tác điều hành của tập thể lãnh đạo VKSND tỉnh; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tố tụng, giữa cấp trên với cấp dưới và các cơ quan liên quan; sự phối hợp của lãnh đạo Cơ quan điều tra - Viện kiểm sát trong việc đề ra các biện pháp điều tra, các biện pháp nghiệp vụ để thu thập và đánh giá chứng cứ, xử lý đúng người đúng tội, không oan, sai, bỏ lọt tội phạm nên các vụ án đều được xử lý giải quyết đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Cùng với đó, trên cơ sở triển khai thực hiện hiệu quả việc số hóa hồ sơ, công bố chứng cứ tài liệu bằng hình ảnh tại phiên tòa, kiên quyết bảo vệ quan điểm truy tố, khẳng định được vai trò, vị thế của Viện kiểm sát. Đối với những vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, đơn vị đã báo cáo, đề xuất hướng giải quyết với VKSND tối cao, phối hợp với Ban Nội chính, các cơ quan liên quan, do đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Qua đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn trong đấu tranh xử lý tội phạm về tham nhũng, kinh tế. Kết quả xử lý các vụ án đều bảo đảm yếu tố chính trị, pháp luật, nghiệp vụ;  bảo đảm căn cứ pháp lý, tính nhân văn và thuyết phục; được cấp ủy địa phương đánh giá cao và được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trong thời gian tới, ngành Kiểm sát Thái Bình tiếp tục quan tâm và chủ động hơn công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, đáp ứng yêu cầu “sớm hơn, sát hơn, sâu hơn, sắc hơn”, bảo đảm chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm; tăng cường công tác phối hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Đồng thời, đơn vị tiếp tục chú trọng rà soát các vụ việc nổi cộm, nhất là các vụ việc liên quan đến cán bộ, đảng viên để giải quyết dứt điểm, phục vụ công tác nhân sự Đại hội đảng bộ các cấp. Qua đó, kiến nghị với chính quyền khắc phục thiếu sót, sơ hở thông qua công tác giải quyết các vụ án mà cơ quan tố tụng đã thực hiện.

Phạm Viết Vượng