Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” năm 1947, Bác chỉ rõ: “Trong các cuộc vận động như: tăng gia sản xuất, bình dân học vụ, mùa Đông binh sĩ…, chúng ta đã đạt nhiều thành tích rất khá. Nhưng chúng ta không biết nghiên cứu đến nơi đến chốn, vì sao mà có thành tích khá? Nơi nào thành tích tốt nhất? Ai là những người làm được thành tích đó? v.v..., để mà học kinh nghiệm, để mà đặt ra khuôn phép cho công việc khác. Thành thử những cái tốt, cái hay đều không phát triển được. Và công việc xong rồi thì thôi, cán bộ không học tập được kinh nghiệm gì, mà cũng không tiến bộ được mấy”. Và Bác nhắc nhở: sau mỗi một việc, dù công việc bất kỳ thành công hoặc thất bại, cán bộ cũng cần phải “nghiên cứu đến cội rễ, phân tách thật rõ ràng rồi kết luận”, kết luận đó sẽ giúp phát triển công việc và giúp cho cán bộ tiến tới; phải kiên quyết bỏ hẳn thái độ xong việc thì thôi.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở các địa phương, các cán bộ sau mỗi một việc hay sau mỗi ngày làm việc cần phải rút kinh nghiệm, đồng thời phải quan tâm đến việc “phổ biến kinh nghiệm”. Ảnh TL TTXVN

Chẳng những thiết thực học tập, làm việc để lấy kinh nghiệm, các địa phương, các cán bộ còn cần phải “khéo” học hỏi kinh nghiệm của địa phương khác, của người khác, tức là phải đem kinh nghiệm ấy xem xét với hoàn cảnh thực tế của mình như thế nào? Nếu phù hợp với hoàn cảnh thực tế của mình, thì phải kiên quyết thực hành theo kinh nghiệm ấy để thu lấy kết quả thành công; nếu như thấy địa phương khác, người khác làm thế nào mình cũng một mực bắt chước làm theo thế ấy, không xét đến hoàn cảnh của mình, thì nhất định thất bại.

Đã có kinh nghiệm, người cán bộ còn cần đem kinh nghiệm mà mình có được, tích lũy được áp dụng vào công việc thực tế nhằm nâng cao chất lượng công việc, đồng thời để xem xét lại các kinh nghiệm đó. Nếu có kinh nghiệm chưa đầy đủ hoặc sai lầm, thì nhờ thực hành mà sửa chữa cho đầy đủ hơn, đúng hơn. 

Kinh nghiệm riêng từng cán bộ, từng địa phương còn phải được tổng kết, rồi phổ biến lại cho tất cả cán bộ, tất cả địa phương. Người viết: “Kinh nghiệm riêng từng cán bộ, từng địa phương. Kinh nghiệm chung tất cả các cán bộ và các địa phương. Kinh nghiệm thất bại và kinh nghiệm thành công. Rồi tổng kết và phổ biến những kinh nghiệm ấy cho khắp tất cả các cán bộ, tất cả địa phương. Mỗi cán bộ, mỗi địa phương sẽ học những kinh nghiệm hay, tránh những kinh nghiệm dở, áp dụng những kinh nghiệm cũ vào những công việc mới”.

Trong việc huấn luyện nghề nghiệp cho cán bộ, “Kinh nghiệm” là một trong những môn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ quan lãnh đạo và người phụ trách phải có kế hoạch dạy cho cán bộ. Người “Thí dụ: ban tuyên truyền thì gom góp tất cả những kinh nghiệm thành công hoặc thất bại trong công việc tuyên truyền, chép thành tài liệu huấn luyện, cho cán bộ tuyên truyền học”.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng chí Hoàng Quốc Việt chụp ảnh lưu niệm với đoàn đại biểu VKSND Trung Quốc.

Qua nghiên cứu tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về học tập kinh nghiệm, tác giả đề xuất, kiến nghị một số vấn đề liên quan đến việc học tập kinh nghiệm trong công tác kiểm sát như sau:

Thứ nhất, mỗi cán bộ Kiểm sát phải nhận thức được trách nhiệm của mình, tích cực làm việc, say mê nghiên cứu, học hỏi đồng chí, đồng nghiệp để nâng cao năng lực, trau dồi kinh nghiệm. Sau khi hoàn thành một vụ việc cần phải xem xét lại, tự mình đánh giá ưu điểm cũng như hạn chế, thiếu sót mà rút kinh nghiệm. Tích cực tổng hợp, nghiên cứu các thông báo rút kinh nghiệm  Viện kiểm sát cấp trên chuyển đến nhằm rút kinh nghiệm kịp thời, tránh mắc phải các vi phạm, sai sót của đơn vị, địa phương khác. 

Thứ hai, Lãnh đạo Viện kiểm sát các địa phương, đơn vị quan tâm, sâu sát, trực tiếp tham gia cùng cán bộ, Kiểm sát viên tiến hành các hoạt động nghiệp vụ như: khám nghiệm hiện trường, thực nghiệm điều tra, hỏi cung bị can, lấy lời khai người tham gia tố tụng…, qua đó phát hiện các đồng chí có cách làm mới, kinh nghiệm hay giúp nâng cao chất lượng kiểm sát rồi tổng hợp, đánh giá và phổ biến đến toàn thể cán bộ trong đơn vị học tập, làm theo. Với những kinh nghiệm, cách làm đột phá, mang lại hiệu quả đặc biệt tốt, lãnh đạo Viện kiểm sát các địa phương cần báo cáo kinh nghiệm với VKSND tối cao để xem xét, nhân rộng kinh nghiệm đó trong toàn Ngành.  

Thứ ba, VKSND tối cao, cấp cao và cấp tỉnh thường xuyên thông báo rút kinh nghiệm đối với các vụ án hình sự, dân sự bị sửa, hủy để điều tra hoặc xét xử lại, tuy nhiên việc thông báo các “kinh nghiệm thành công” như: kinh nghiệm định tội danh các vụ án hình sự, kinh nghiệm phối hợp liên ngành trong giải quyết các vụ án, phương pháp hay trong công tác xây dựng Ngành… thì chưa nhiều. Do đó, tác giả đề xuất VKSND tối cao, cấp cao và cấp tỉnh quan tâm phát hiện, tăng cường ban hành các thông báo này nhằm nhân rộng trong Ngành những kinh nghiệm quý của cán bộ, Kiểm sát viên và các địa phương, đơn vị.  

leftcenterrightdel
 VKSND tỉnh Vĩnh Long tổ chức họp rút kinh nghiệm sau một phiên tòa hình sự. Ảnh: VKS                                       
Thứ tư, đề xuất VKSND tối cao có kế hoạch, chỉ đạo Viện kiểm sát các địa phương phải tổng hợp, có báo cáo riêng về tổng kết kinh nghiệm, cách làm hay, đột phá cũng như các tồn tại, sai sót trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp theo từng năm. Trên cơ sở đó, VKSND tối cao tổng hợp kinh nghiệm của tất cả các địa phương làm thành kinh nghiệm chung của Ngành. Rồi ban hành các văn bản, tổ chức tập huấn chuyên sâu theo từng lĩnh vực công tác nhằm phổ biến lại những kinh nghiệm ấy cho tất cả các địa phương học tập, áp dụng phù hợp với tình hình thực tế của địa phương mình. 

Những kinh nghiệm chung toàn Ngành sau khi được tổng kết lại nên xây dựng thành các bộ tài liệu chuyên sâu theo từng lĩnh vực, xem như một “môn học” khi đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, Kiểm sát viên trong Ngành. Thường xuyên sửa đổi, bổ sung các tài liệu này cho phù hợp với sự thay đổi và cập nhật các kinh nghiệm mới để làm phong phú thêm tài liệu đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ. Ví dụ: Những kinh nghiệm kiểm sát giải quyết vụ án hình sự về các tội phạm ma túy được tổng hợp lại, biên soạn thành tài liệu theo chủ đề (kinh nghiệm định tội danh; kinh nghiệm xây dựng kiến nghị khắc phục vi phạm và kiến nghị phòng ngừa; kinh nghiệm đối đáp, tranh tụng tại phiên tòa; những vi phạm, thiếu sót trong công tác kiểm sát và kinh nghiệm khắc phục…), rồi sử dụng làm tài liệu đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, Kiểm sát viên hằng năm.

Nguyễn Cao Cường