Trong nhà tạm giữ, Sơn bẻ thanh sắt lỗ thông gió trốn ra ngoài. Trước đó, nghi can giết người này từng trốn khỏi trại giam.
 
Theo tin tức trên báo Công an Nhân dân, Công an huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) đang tạm giam Lê Văn Sơn (53 tuổi, tổ Đồng Bộ, thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My) theo lệnh truy nã ngày 28/12/1993 của phòng Cảnh sát hình sự Công an Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ).
 
Theo hồ sơ của Công an huyện Bắc Trà My, năm 1980, khi 18 tuổi Lê Văn Sơn nhận án 13 năm tù về hành vi giết cha dượng. Chấp hành án tại trại giam An Điềm (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) được 6 năm, người này vượt ngục. Tháng 4/1988 bị bắt do trộm cắp tài sản, Lê Văn Sơn bị phạt thêm 5 năm tù.
Tháng 11/1993, mãn hạn tù được hơn nửa năm, Lê Văn Sơn lại bị Công an huyện Bắc Trà My (huyện Trà My cũ) bắt vì hành vi ăn trộm.
 
Đối tượng 2 lần vượt ngục Lê Văn Sơn.
Đối tượng 2 lần vượt ngục Lê Văn Sơn.
 
Theo Báo Quảng Nam, 18h ngày 17/11/1993, lợi dụng nhà anh K.T.Q (tổ Đồng Bộ) không có người ở nhà, Sơn đã lấy trộm 120 ngàn đồng mà gia đình anh. Cũng trong ngày hôm đó, Sơn vào nhà anh N.Đ.T (khối 3, tổ Đồng Bộ) lấy trộm một máy cassette. Đến ngày 25/11/1993, Sơn bị Công an huyện Trà My (nay là Bắc Trà My) bắt giữ.
 
Trong thời gian tạm giam, khuya ngày 4 rạng sáng ngày 5/12/1993, Sơn đã cùng hai bị can khác bẻ thanh sắt lỗ thông gió vượt ngục.
 
Từ đây, Sơn vào xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) sinh sống. Sau đó, Sơn đến huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) định cư và lập gia đình.
 
Hai năm sau, ông ta tiếp tục ăn trộm và khi bị bắt đã khai tên giả. Sau 6 tháng đi tù, bị vợ bỏ, người đàn ông này vào rừng làm thuê để giấu danh tính.
 
Sau thời gian dài xác minh, 16h ngày 6/3/2015, các trinh sát phòng PC52 Công an Quảng Nam đã phối hợp với Công an huyện Xuyên Mộc và phòng PC52 Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bắt Sơn tại xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc).
 
Đây là một trong những chiến công tiêu biểu của lực lượng PC52 Công an tỉnh trong đợt cao điểm ra quân tấn công, trấn áp tội phạm trước, trong và sau tết Nguyên đán Ất Mùi.
 
Theo Đời sống & Pháp luật