Thủ tục rút gọn là một dạng đặc biệt của tố tụng hình sự, trong đó có sự giảm lược bớt một số khâu, một số thủ tục không cần thiết trong việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự nhằm rút ngắn thủ tục tố tụng, làm cho việc xử lý vụ án được nhanh chóng hơn nhưng vẫn đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm kịp thời, có hiệu quả, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng đã gặp một số vướng mắc, khó khăn sau:
Thủ tục rút gọn không phải là một thủ tục mới trong lịch sử lập pháp và áp dụng pháp luật ở nước ta. Từ năm 1974, ở nước ta đã có những văn bản quy định về thủ tục rút gọn và đã được áp dụng trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử. Trên cơ sở kế thừa những quy định về thủ tục rút gọn của pháp luật tố tụng hình sự trước đó và thực tiễn áp dụng pháp luật.
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định một chương riêng (chương XXXI) gồm 11 điều luật (từ Điều 455 đến Điều 465) quy định về thủ tục rút gọn. Việc bổ sung thủ tục rút gọn trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 là một sự cố gắng lớn, phù hợp với điều kiện và yêu cầu thực tiễn công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự hiện nay để tăng cường hiệu quả việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, đồng thời vẫn bảo đảm các quyền tự do dân chủ của công dân.
|
|
TAND quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) xét xử sơ thẩm vụ án hình sự “Chống người thi hành công vụ” đối với bị cáo Nguyễn Văn Hải (SN 1971, ngụ xã Trường Long, huyện Phong Điền). Ảnh Hải Sơn. |
Điều 456 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về điều kiện áp dụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú;
- Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng;
- Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng;
- Người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng.
Theo đó, thủ tục rút gọn được quy định cụ thể hơn, có thể được áp dụng khi vụ án đáp ứng đủ 4 điều kiện trên. Khi đã áp dụng thủ tục rút gọn, quá trình điều tra, truy tố, xét xử trong vòng 42 ngày, kể từ ngày khởi tố vụ án. Như vậy, quy định thời hạn áp dụng thủ tục rút gọn trong điều tra, truy tố, xét xử nhằm rút gọn thời hạn điều tra, truy tố nhanh hơn, nhưng vẫn đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội, không để xảy ra oan sai.
Việc áp dụng chế định thủ tục rút gọn quy định trong Chương XXXI Bộ luật tố tụng hình sự 2015 là cần thiết, giúp quá trình giải quyết vụ án được nhanh chóng, kịp thời đáp ứng yêu cầu chính trị tại địa phương. Tuy nhiên đến nay, thực tế hiệu quả chưa đạt như mong muốn. Kể từ khi thủ tục rút gọn được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự, có rất ít vụ án được xử lý theo thủ tục đặc biệt này.
|
|
Đại diện VKSND thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa lưu động xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn đối với Vũ Văn Huy cùng đồng phạm về tội "Chống người thi hành công vụ”. Ảnh Hoàng Hưng |
Theo thống kê, kể từ khi Bộ luật TTHS 2015 có hiệu lực đến nay, toàn tỉnh Hậu Giang chỉ xét xử 3 vụ trên tổng số 1297 vụ (từ năm 2016 đến năm 2018) mà ngành TAND tỉnh Hậu Giang thụ lý, xét xử. Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, ngành Tòa án hai cấp tỉnh Hậu Giang không đưa ra xét xử một vụ nào theo thủ tục rút gọn. Do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát không khởi tố, truy tố áp dụng theo thủ tục này. Với các vụ án có đủ điều kiện, nếu Cơ quan điều tra đề nghị, Viện kiểm sát xét thấy đủ điều kiện sẽ ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn.
Vì vậy, muốn xét xử một vụ án rút gọn, trước tiên phải xuất phát từ Cơ quan điều tra và sự đồng ý của Viện kiểm sát, sau đó mới đến Tòa án. Song, do thiếu Quy chế phối hợp trong các vụ án rút gọn nên các cơ quan tố tụng chưa phối hợp chặt chẽ để áp dụng phổ biến thủ tục này. Mặc dù có nhiều vụ án có đủ điều kiện nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng không chọn được để điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục rút gọn, có một số nguyên nhân sau:
Thứ nhất, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định những vụ án có đủ điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn nhưng không bắt buộc cơ quan tiến hành tố tụng phải ra quyết định và áp dụng thủ tục này.
Thứ hai, việc áp dụng quy định thủ tục rút gọn theo các quy trình trên diễn ra đồng bộ, khoa học thì việc kết thúc điều tra trong vòng 20 ngày nếu không gặp khó khăn. Thế nhưng, thực tế cho thấy, để chờ kết quả định giá tài sản thì nhanh nhất cũng một tuần, có khi kéo dài cả tháng hoặc như việc xác minh tiền án, tiền sự của bị can, nếu là người địa phương cũng mất 1 tuần, ở địa phương khác thì cả tháng hoặc hơn. Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định tổng cộng thời gian điều tra, truy tố, xét xử án loại này chỉ gói gọn trong vòng hơn một tháng, riêng thời hạn điều tra chỉ 20 ngày. Vì thế, Cơ quan điều tra khó bảo đảm được thời hạn 20 ngày theo luật định.
Thứ ba, vấn đề khiến các cơ quan tố tụng “ngại” áp dụng thủ tục rút gọn do áp lực công việc, số lượng Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán hiện nay mỏng, trong khi có hàng loạt việc phải làm. Hơn nữa, giải quyết vụ này đan xen vụ án khác, đồng thời các công tác hỗ trợ như: định giá, ủy thác điều tra, cơ sở vật chất… còn mất nhiều thời gian và thiếu thốn nên chưa đáp ứng nhu cầu công việc được.
Một nguyên nhân khác cũng được nhìn nhận là các cơ quan tố tụng “sợ” bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội. Vì việc điều tra, truy tố, xét xử án theo thủ tục rút gọn thời gian ngắn thì rất dễ xảy ra sai sót. Mặt khác, luật quy định về thủ tục rút gọn nhưng không quy định bắt buộc phải áp dụng, dễ dẫn đến việc tùy tiện áp dụng hay không áp dụng.
|
|
TAND huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh xét xử theo thủ tục rút gọn vụ án bị cáo Đào Xuân Anh phạm tội “Chống người thi hành công vụ”, liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID- 19. Ảnh: TTXVN |
Để khắc phục tình trạng trên, trong thời gian tới, để chế định thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự thực sự áp dụng có hiệu quả, đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp tỉnh Hậu Giang cần thống nhất ban hành Quy chế liên ngành quy định chi tiết hướng dẫn cụ thể về phạm vi, đối tượng, điều kiện và thủ tục áp dụng thủ tục rút gọn. Đồng thời quá trình triển khai thi hành đề nghị lưu ý một số vấn đề sau:
- Cần tiến hành rà soát các quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) nhằm xác định cụ thể các loại tội phạm có thể áp dụng thủ tục rút gọn để có kế hoạch tổ chức, phân công tiến hành điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục này cho phù hợp.
- Khi xem xét, quyết định áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ án cụ thể, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án phải kiểm tra, xác minh đầy đủ, chính xác các điều kiện theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự để đảm bảo thực hiện đúng các quy định về thủ tục rút gọn, ngăn ngừa khả năng phải thay đổi để áp dụng theo thủ tục thông thường làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án.
- Thủ tục rút gọn chỉ được áp dụng đối với việc điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm để giải quyết những vụ án mà người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người phạm tội tự thú. Như vậy, việc áp dụng thủ tục rút gọn sẽ gắn liền với các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về việc tham gia của người bào chữa ngay sau khi có quyết định tạm giữ. Theo đó, đối với các vụ án được tiến hành theo thủ tục rút gọn ngay khi có quyết định tạm giữ người phạm tội quả tang hoặc người phạm tội tự thú, Cơ quan điều tra phải thực hiện ngay các quy định của pháp luật liên quan đến người bào chữa.
|
|
Phiên tòa sơ thẩm xét xử lưu động vụ án Đào Xuân Anh ở Quảng Ninh về tội "Chống người thi hành công vụ" là phiên tòa đầu tiên áp dụng thủ tục rút gọn. Ảnh Hoàng Hưng |
- Để việc áp dụng thủ tục rút gọn thực chất, có hiệu quả cần chú ý đến việc tăng cường Điều tra viên, xây dựng cơ sở vật chất, đồng bộ các công tác hỗ trợ điều tra khác như: giám định pháp y, tư pháp, tài chính, về xác minh nhân thân bị can…
- Bên cạnh đó, cần không ngừng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc giải quyết các vụ án theo thủ tục này nhằm ngăn ngừa khuynh hướng chủ quan, phiến diện có thể dẫn đến những sai lầm, thiếu sót trong quá trình giải quyết vụ án từ phía các cơ quan và người tiến hành tố tụng.
- Việc áp dụng chế định áp dụng thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự cần đưa vào hệ thống chỉ tiêu cơ bản, để xếp loại thi đua đối với tập thể, cá nhân áp dụng trong việc xét khen thưởng hằng năm.
Thủ tục rút gọn ra đời nhằm mục đích giảm tải công việc của cơ quan tố tụng, giải quyết nhanh chóng những loại án đơn giản, chứng cứ rõ ràng, sớm khôi phục lại các quan hệ xã hội bị xâm hại, là thủ tục có tác động giáo dục, cải tạo bị cáo và giáo dục cộng đồng một cách có hiệu quả.