Tham dự và chủ trì Hội nghị có Đồng chí Nguyễn Văn Quang, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Quảng Nam, đồng chí Nguyễn Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam. Dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo và cán bộ của các cơ quan, đơn vị của tỉnh Quảng Nam gồm: Viện kiểm sát, Công an, Tòa án nhân dân, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng, Cục Hải quan, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, Chi cục Kiểm lâm, Cục Thuế, Thanh tra, Chi cục Quản lý thị trường, Trại giam An Điềm.
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Đính, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Nam đã trình bày báo cáo tổng kết, đánh giá những kết quả đạt được trong 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành số 01/QCPH ngày 26/11/2013 trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Sau khi ký kết Quy chế, lãnh đạo các cơ quan liên ngành của tỉnh đã tổ chức triển khai quán triệt đến toàn thể các cán bộ trong ngành cần nắm vững, vận dụng và thực hiện có hiệu quả các quy định của Quy chế. Viện KSND hai cấp tỉnh Quảng Nam với trách nhiệm là cơ quan thường trực, định kỳ hàng năm đã phối hợp với các cơ quan liên ngành từng cấp tổ chức kiểm tra việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Hàng tháng, VKS chủ trì họp trao đổi thông tin, đối chiếu số liệu tiếp nhận, xử lý cũng như tình hình giải quyết tố giác, tin báo tội phạm của các ngành và tổng hợp báo cáo cấp ủy địa phương, liên ngành cấp trên.
Từ tháng 12/2013 đến nay, Cơ quan điều tra, các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và VKS đã tiếp nhận 6.614 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Cơ quan chức năng đã kiểm tra, xác minh, giải quyết 6.406 nguồn tin, đạt 97,2%, trong đó khởi tố 3.853 vụ án, không khởi tố 2.245 nguồn tin, tạm dừng xác minh 135 nguồn tin, còn đang giải quyết là 180 nguồn tin…
Đặc biệt, trong các vụ khởi tố hình sự, không có vụ nào oan sai, phần lớn đảm bảo theo thủ tục luật định, đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống tội phạm, qua đó góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp vẫn còn gặp những khó khăn, vướng mắc như một số vụ việc còn thiếu nhất quán về quan điểm giữa các cấp và giữa liên ngành cấp tỉnh.
Một số quyết định xử lý của Cơ quan quá trình điều tra chưa đảm bảo căn cứ pháp lý nhưng có sự tham gia ý kiến thống nhất của VKS. Trách nhiệm trong thiếu sót này vẫn thuộc về VKS vì chưa nghiên cứu thấu đáo. Bên cạnh đó một số trường hợp, ý kiến trao đổi của Cơ quan điều tra, VKS chậm trả lời.
Một số cơ quan có trách nhiệm phối hợp chưa quan tâm tổ chức quán triệt, triển khai các biện pháp thực hiện Quy chế, năng lực của một bộ phận cán bộ còn hạn chế, thiếu biên chế, cơ sở vật chất còn khó khăn, trang thiết bị phục vụ công tác chưa đáp ứng được yêu cầu…
Trong phần thảo luận, các đồng chí đại diện các cơ quan liên ngành tham dự hội nghị đã tích cực trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng nội dung Quy chế số 01/QCPH. Bên cạnh đó, các đại biểu cùng nhau đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo Quy chế phối hợp mới dựa trên cơ sở kế thừa nội dung, bố cục của Quy chế cũ…
Sau khi tổng hợp các ý kiến đóng góp, Hội nghị đã thống nhất tất cả các nội dung trong bản dự thảo quy chế mới. Quy chế lần này gồm 03 chương, 24 Điều, tăng 04 Điều so với Quy chế hiện hành, sửa đổi, bổ sung một số điều nhằm phù hợp với các bộ luật, các văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung. Đồng thời quy định rõ hơn, đầy đủ hơn các nội dung phối hợp, quan hệ phối hợp... đảm bảo thực hiện tốt việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố theo Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, Thông tư liên tịch số 01/2017 và các văn bản pháp luật liên quan…
Lễ ký kết Quy chế phối hợp có 11 đơn vị tham gia và thống nhất triển khai thực hiện để ngày càng nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Quang, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Quảng Nam cho biết, việc xây dựng, ký kết và ban hành Quy chế phối hợp sẽ góp phần giải quyết tốt hơn đơn thư khiếu nại, tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố là “khâu đột phá”, tạo tiền đề quan trọng cho việc xác định có hay không dấu hiệu phạm tội, xem xét việc khởi tố hay không khởi tố, nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật ngay từ cơ sở, góp phần giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn thành phố.
“Trước mắt sau Hội nghị này, công việc tiếp theo là từng ngành cần triển khai, phổ biến và thực hiện văn bản pháp luật cũng như Quy chế liên ngành về công tác phối hợp trong việc tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm. Thực hiện được đầy đủ tinh thần chủ động như Hội nghị đã đề ra, chúng ta có quyền hy vọng công tác phối hợp liên ngành trên địa bàn tỉnh nhà trong những năm đến sẽ mang lại những thành công mới”, đồng chí Viện trưởng Viện KSND tỉnh khẳng định.
Lê Tâm