Vụ trọng án giết người đổ bê tông phi tang xác ở Bầu Bàng, tỉnh Bình Dương làm dư luận bàng hoàng, rúng động bởi hành vi tội ác cực kỳ man rợ, do những người được cho là “chân yếu tay mềm” thực hiện. Nguyên nhân gây án cơ quan điều tra xác định do nhóm đối tượng này tham gia một thứ tà đạo có nguồn gốc từ nước ngoài, hoạt động trái phép ở Việt Nam, khi thấy 2 “đồng môn” bị “quỷ nhập hồn” các đối tượng đã ra tay sát hại... 

leftcenterrightdel
Đối tượng Phạm Thị Thiên Hà là kẻ chủ mưu sát hại 2 nạn nhân phi tang xác ở Bình Dương.

Những năm gần đây một số bất ổn xã hội, vụ việc phức tạp, trọng án liên quan đến mê tín và các tà đạo xảy ra ngày càng nhiều. Những thứ tà đạo quái gở như “đạo Ty”, “đạo Tiên Rồng”, “Pháp lý vô vi khoa học huyền bí phật pháp”, “Hội thánh đức chúa trời mẹ”, Hà Mòn… đã lôi kéo hàng chục ngàn người nhẹ dạ, cả tin nghe và làm theo.

Năm 1988 tà giáo có cái tên là “Vàng Chứ” xuất hiện ở huyện Điện Biên Đông (Điện Biên), sau lan ra nhiều xã, bản người Mông các tỉnh Tây Bắc. Với luận điệu lừa mị về sự cứu rỗi của đấng linh thiêng, “không làm cũng thừa ăn”, năm 2011, hàng ngàn người ở Nậm Kè, huyện Mường Nhé (Điện Biên) đã bỏ nhà cửa, ruộng vườn để lên núi, chờ được một thế lực siêu nhiên đón lên “thiên đường”…

Các tà đạo có một điểm giống nhau là không có giáo luật, vay mượn, bóp méo hoặc xuyên tạc giáo lý tôn giáo khác, đối tượng chúng lôi kéo là những người đang có khúc mắc, trắc trở về tình duyên, hôn nhân;khó khăn, ốm đau, bệnh tật, người đang gặp cảnh bi quan, chán nản trong cuộc sống. Cách tuyên truyền của các nhóm này cũng rất tinh vi, “rót mật” vào tai người nghe theo kiểu “mưa rầm thấm lâu”.

leftcenterrightdel
 Hội Thánh Đức Chúa Trời mẹ lôi kéo nhiều người nhẹ dạ cả tin tham gia.

Pháp luật nước ta tôn trọng, bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận, hoạt động phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của người Việt Nam được tạo điều kiện thuận lợi để hành đạo. Pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng tôn giáo xâm phạm an ninh trật tự, trục lợi, xâm hại đạo đức xã hội,đi ngược đạo lý và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Hoạt động của các tà đạo đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội, lôi kéo một bộ phận người dân tin vào những điều hoang đường, mê tín dị đoan, gây hoang mang, bất ổn trong xã hội; chia rễ khối đại đoàn kết dân tộc. Nghiêm trọng hơn, những người tham gia tà đạo dễ bị kích động, trở nên cuồng tín, hành xử vô đạo đức, thậm chí có thể gây tội ác không ghê tay. Vụ việc ở Bình Dương là một ví dụ điển hình.

Để ngăn chặn sự phát sinh, phát triển của tà đạo, các cơ quan chức năng phải đẩy mạnh công tác công tác tuyên truyền, vận động người dân không nghe, không tin theo các luận điệu lừa phỉnh. Cần làm tốt công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, định hướng các hoạt động tín ngưỡng một cách lành mạnh, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Các cơ quan bảo vệ pháp luật tăng cường công tác phòng ngừa xã hội, phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu tà đạo. Chính quyền các cấp nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa phải tập trung phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống tinh thần lành mạnh cho các tầng lớp nhân dân.

Phát huy vai trò của tổ chức đoàn thể quần chúng, quan tâm chăm sóc, sẻ chia với những đối tượng yếu thế, nhạy cảm trong xã hội. Khi người dân có một mức sống tốt hơn, được tiếp xúc với những văn hóa lành mạnh hơn thì tự họ sẽ có sức đề kháng với tà đạo và những hoạt động mê tín dị đoan.

Đại Việt