Quy định về việc rút ngắn thời gian thử thách của án treo?
Cập nhật lúc 14:58, Thứ năm, 29/08/2013 (GMT+7)
Em chuẩn bị làm đám cưới với anh H. Tuy nhiên, có việc này em còn băn khoăn muốn tham khảo ý kiến của Nhịp cầu bạn đọc. Sự việc là mới đây, anh H. bị Tòa án tuyên phạt 24 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 36 tháng về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Em được biết Nhà nước ta có quy định về việc rút ngắn thời gian thử thách của án treo? Em muốn hỏi những điều kiện để được rút ngắn thời gian thử thách? Em mong Nhịp cầu bạn đọc tư vấn giúp chúng em.
Nguyễn Thị Tú (Bắc Ninh)
Bạn Tú thân mến!
Thông tư liên tịch số 08/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 14/8/2012 của Bộ Công an- Bộ Quốc phòng- Tòa án nhân dân tối cao-Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn rút ngắn thời gian thử thách của án treo, tại Điều 4 quy định về điều kiện và mức rút ngắn thời gian thử thách của án treo như sau:
1. Người được hưởng án treo có thể được Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực quyết định rút ngắn thời gian thử thách của án treo khi có đủ các điều kiện sau:
a) Đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách của án treo;
b) Có nhiều tiến bộ, được thể hiện bằng việc trong thời gian thử thách thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ của người được hưởng án treo; chấp hành đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế nơi làm việc; tích cực lao động, học tập và sửa chữa lỗi lầm; thực hiện đầy đủ các hình phạt bổ sung, nghĩa vụ khác theo quyết định của bản án;
c) Được Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát giáo dục người được hưởng án treo đề nghị rút ngắn thời gian thử thách bằng văn bản.
2. Người được hưởng án treo một năm chỉ được rút ngắn thời gian thử thách một lần từ một tháng đến một năm. Người được hưởng án treo có thể được rút ngắn thời gian thử thách nhiều lần, nhưng phải bảo đảm thực tế chấp hành thời gian thử thách là ba phần tư thời gian thử thách mà Tòa án đã tuyên.
3. Trường hợp người được hưởng án treo đã được cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo, nhưng không được Tòa án chấp nhận, nếu sau đó có tiến bộ mới thì Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát giáo dục người được hưởng án treo tiếp tục đề nghị rút ngắn thời gian thử thách cho họ.
4. Trường hợp người được hưởng án treo lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và có đủ các điều kiện được hướng dẫn tại khoản 1 Điều này, thì Tòa án có thể quyết định rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại.
Lập công là trường hợp người được hưởng án treo có hành động giúp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phát hiện, truy bắt, điều tra tội phạm; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc đã cứu được tài sản của Nhà nước, tập thể, của công dân trong thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn; có những sáng kiến có giá trị được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận hoặc có thành tích xuất sắc trong lao động, học tập, chiến đấu, công tác, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định khen thưởng hoặc xác nhận.
Mắc bệnh hiểm nghèo là trường hợp mà bệnh viện cấp tỉnh, bệnh viện quân đội cấp quân khu trở lên có kết luận là người được hưởng án treo đang bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị, như: Ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ trướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3, suy thận độ 4 trở lên; HIV giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội không có khả năng tự chăm sóc bản thân và có nguy cơ tử vong cao”.
Trên đây là viện dẫn của chúng tôi về điều kiện và mức rút ngắn thời gian thử thách của án treo. Hy vọng, bạn trai bạn sẽ sớm chấp hành xong hình phạt của Tòa án!
Nhịp cầu bạn đọc