Thương binh suy giảm khả năng lao động do thương tật từ 61% trở lên chết, vợ được hưởng trợ cấp tuất tiền hàng tháng nếu đủ 55 tuổi. Trường hợp chết trước ngày 1/1/2013, đến ngày 1/1/2013 mà cha đẻ, mẹ đẻ; vợ hoặc chồng thương binh chưa đủ 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ thì được hưởng trợ cấp khi đủ tuổi.
Theo phản ánh của bà Võ Thị Phương (tỉnh Gia Lai), mẹ đẻ của bà là Hoàng Thị Hoạch, sinh năm 1959, bố đẻ là Võ Thanh Hải, sinh năm 1956. Bố bà Phương nhập ngũ năm 1975, mẹ bà nhập ngũ năm 1978, làm công nhân quốc phòng tại Trung đoàn 712 thuộc Sư đoàn 332.
Thời gian công tác của mẹ bà Phương là 16 năm quy đổi. Sau đó cả bố mẹ bà đều nghỉ và hưởng chế độ mất sức tại thôn 4, xã Đông, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Mẹ bà hưởng chế độ từ năm 1991 đến năm 1998. Bố bà vừa hưởng chế độ mất sức cộng trợ cấp thương binh 2/4.
Năm 1999, bố bà Phương bị bệnh và chết, hai chị em bà được hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi giáo dục. Năm nay mẹ bà Phương đủ 55 tuổi, sức khỏe giảm sút nhiều, không còn khả năng lao động, vậy mẹ bà có được hưởng chế độ gì không? Nếu có thủ tục cần làm những gì?
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời bà Phương như sau:
Theo quy định tại Quyết định số 60/HĐBT ngày 1/3/1990 của Hội đồng Bộ trưởng về việc sửa đổi chế độ trợ cấp đối với công nhân, viên chức nghỉ việc vì mất sức lao động theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 236/HĐBT ngày 18/9/1985 của Hội đồng Bộ trưởng thì công nhân, viên chức nghỉ việc vì mất sức lao động được hưởng trợ cấp hàng tháng bằng ½ thời gian công tác quy đổi. Trường hợp mẹ bà có 16 năm công tác quy đổi nên được hưởng chế độ mất sức lao động từ năm 1991 đến năm 1998 là đúng quy định.
Theo quy định tại Quyết định số 613/QĐ-TTg ngày 6/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ thì trường hợp người lao động có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm công tác thực tế đã hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động mà không thuộc diện được tiếp tục hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng thì khi hết tuổi lao động (nam từ đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi) được hưởng trợ cấp hàng tháng. Theo nội dung trình bày trong đơn không nêu rõ mẹ bà có thời gian công tác thực tế là bao nhiêu năm nên Bộ không có cơ sở để trả lời cụ thể.
Theo quy định của pháp luật về BHXH thì thân nhân thuộc diện được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng bao gồm: Con chưa đủ 15 tuổi, nếu còn đi học thì được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng đến khi đủ 18 tuổi; bố mẹ, vợ hoặc chồng, người nuôi dưỡng hợp pháp mà đã hết tuổi lao động (nam đủ 60 tuổi trở lên, nữ đủ 55 tuổi trở lên) không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn mức lương tối thiểu chung. Tại thời điểm bố bà mất (năm 1999), mẹ bà chưa đủ 55 tuổi nên không thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.
Theo Điều 32 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ, thương binh suy giảm khả năng lao động do thương tật từ 61% trở lên chết, vợ được hưởng trợ cấp tuất tiền hàng tháng nếu đủ 55 tuổi. Trường hợp chết trước ngày 1/1/2013, đến ngày 1/1/2013 mà cha đẻ, mẹ đẻ; vợ hoặc chồng thương binh chưa đủ 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ thì được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng khi đủ 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ.
Đối chiếu quy định trên, khi bà Hoạch đủ 55 tuổi thì bà gửi Bản khai tình hình thân nhân (mẫu TT1), bản sao giấy chứng tử đến UBND cấp xã theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 40 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để được xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Theo Chinhphu.vn