Quá trình giải quyết ly hôn tại Tòa án?
Cập nhật lúc 15:38, Thứ hai, 08/07/2013 (GMT+7)
Vợ chồng tôi vẫn sống chung một nhà nhưng thực tế đã ly thân nhiều năm vì cả hai chúng tôi đều nghĩ đến danh dự và không muốn con cái bị thiệt thòi. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chúng tôi đều cảm thấy cuộc sống chung quá ngột ngạt, nhiều mâu thuẫn chất chồng không thể giải quyết được... Báo Bảo vệ Pháp luật điện tử, Cơ quan của Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Vợ chồng tôi vẫn sống chung một nhà nhưng thực tế đã ly thân nhiều năm vì cả hai chúng tôi đều nghĩ đến danh dự và không muốn con cái bị thiệt thòi. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chúng tôi đều cảm thấy cuộc sống chung quá ngột ngạt, nhiều mâu thuẫn chất chồng không thể giải quyết được. Hiện giờ, chúng tôi đã quyết định sẽ giải thoát cho nhau. Tuy nhiên, khi tôi đến Tòa án nộp đơn và yêu cầu giải quyết ly hôn sao cho nhanh, gọn, không muốn hòa giải ở phường thì cán bộ Tòa án bảo đây là quy định bắt buộc. Nhưng tôi biết trường hợp bạn tôi ở quê, thuận tình ly hôn thì Tòa án vẫn thụ lý đơn mà không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải ở địa phương thì có sai không? Pháp luật quy định thế nào về việc này?
Lương Thu Hà (Thanh Xuân, Hà Nội)
Chị Hà thân mến!
Qua thư của chị, Nhịp cầu bạn đọc thấy rằng, vợ chồng chị đã mâu thuẫn nhiều năm nên mới sống ly thân và hiện nay không thể tiếp tục sống chung một mái nhà nữa nên hai người đã quyết định ly hôn. Chị băn khoăn muốn biết, pháp luật có bắt buộc khi ly hôn phải qua hòa giải ở phường hay không? Vấn đề này, tại Điều 86 Luật Hôn nhân và gia đình có quy định về khuyến khích hòa giải ở cơ sở như sau: “Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở”.
Tại Điều 2 Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở quy định: “Hoà giải ở cơ sở được thực hiện thông qua hoạt động của tổ hoà giải hoặc các tổ chức thích hợp khác của nhân dân ở thôn, xóm, bản, tổ dân phố và cụm dân cư khác…”.
Như vậy, khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn được khuyến khích hòa giải ở cơ sở cũng để có thêm cơ hội đoàn tụ, hàn gắn vợ chồng, chứ không nhất thiết bắt buộc phải qua hòa giải ở cơ sở. Tại Điều 10 Bộ luật Tố tụng dân sự có quy định: “Toà án có trách nhiệm tiến hành hoà giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này”. Như vậy, trong quá trình giải quyết ly hôn tại tòa án vẫn có thủ tục hòa giải bắt buộc, kể cả vợ chồng thuận tình ly hôn, nên vẫn đảm bảo quyền lợi của các đương sự.
N.C.B.Đ