leftcenterrightdel
 Hình ảnh tại một buổi họp án của Phòng 9 - VKNSD tỉnh Long An.

Trong năm 2024 vừa qua, với phương châm quản lý, chỉ đạo, điều hành theo cơ chế “phân công, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra” Phòng 9, VKSND tỉnh Long An xác định nhiệm vụ đột phá là “Đẩy mạnh thực hiện quyền các yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân”.

Do đó đơn vị đã thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả nhiệm vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự. Trong năm, Kiểm sát viên tham gia 1.760 phiên tòa, phiên họp/851 vụ, việc Tòa án tỉnh đã giải quyết. Ngoài ra, Phòng 9 còn vào sổ theo dõi và kiểm sát 6.443 bản án, quyết định đình chỉ, quyết định tạm đình chỉ của Tòa án cấp huyện do Viện kiểm sát cấp huyện sao gửi….

Kết quả tổng kết năm 2024 phòng thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, nhất là chỉ tiêu kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu. Cụ thể đã ban hành 21 văn bản yêu cầu, 11 văn bản kiến nghị, kháng nghị trên số án sửa, hủy 28/29 vụ đạt 96,55%; các văn bản yêu cầu, kiến nghị đều được Tòa án, cơ quan, tổ chức phản hồi tiếp thu 100%, kháng nghị phúc thẩm ngang cấp được Viện cấp cao 3 bảo vệ đạt 100% (7/7 vụ); kháng nghị Viện kiểm sát bảo vệ được Tòa án tuyên chấp nhận đạt 89,18% (vượt chỉ tiêu 19,18%).

Từ kết quả công tác đạt được, Phòng 9 đã rút ra một số kinh nghiệm để đạt được hiệu quả công tác, qua đó để thực hiện tốt chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, khắc phục những hạn chế những vi phạm, thiếu sót trong việc giải quyết các vụ việc dân sự, Kiểm sát viên. Theo đó cần lưu ý một số nội dung trọng tâm như sau:

Một là, Kiểm sát viên phải nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; nghiên cứu, rèn luyện kỹ năng kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự.

Cụ thể cần thường xuyên nghiên cứu nắm vững các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, các bộ luật nội dung và các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là các nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; nhận thức và thực hiện đúng những nguyên tắc cơ bản được quy định tại Chương II BLTTDS như: Tuân thủ pháp luật trong tố tụng dân sự (Điều 3); Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng (Điều 4); Về cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự (Điều 6); Về trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng dân sự (Điều 13); Bảo đảm tranh tụng trong xét xử (Điều 24); Về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự (Điều 21). Cần lưu ý đảm bảo nguyên tắc bình đẳng về quyền, nghĩa vụ và quyền bảo vệ của đương sự trong tố tụng dân sự (Điều 8, 9). Đặc biệt là tôn trọng nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự (Điều 5) được thực hiện qua nguyên tắc hòa giải trong tố tụng dân sự (Điều 10).

Nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, khi nghiên cứu và lập hồ sơ kiểm sát giải quyết vụ án dân sự, Kiểm sát viên cần thường xuyên kiểm tra, phối hợp với Thẩm phán để nắm thông tin, tình hình vụ việc để tránh trường hợp Tòa án có vi phạm trình tự thủ tục tố tụng, vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử theo quy định tại Điều 203 BLTTDS mà Viện kiểm sát không kịp thời phát hiện để thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị…

Bên cạnh đó, Kiểm sát viên cần nắm vững nội dung vụ án để không những giúp cho sự nhận xét đánh giá về tố tụng chính xác hơn, mà còn góp phần đưa ra đề xuất đường lối giải quyết đối với vụ án chính xác hơn, và đồng thời để Viện kiểm sát cấp sơ thẩm có cơ sở kháng nghị phúc thẩm hoặc báo cáo đề nghị Viện kiểm sát trên cấp kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm đối với vi phạm của Tòa án.

Hai là, Kiểm sát viên cần rèn luyện kỹ năng tác nghiệp trước, trong và sau phiên tòa. Trong đó, đối với việc kiểm sát lập hồ sơ, để kiểm sát chặt chẽ một hồ sơ vụ án dân sự Kiểm sát viên cần lưu ý các nội dung quan trọng.

Trước hết cần phải nghiên cứu toàn bộ hồ sơ, xem xét kỹ về hình thức và nội dung vụ án. Về hình thức, cần kiểm tra về thời gian thụ lý giải quyết vụ án xem có vi phạm các Điều 195, 203 BLTTDS; Xem Tòa án giải quyết có tuân thủ các nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, đảm bảo các quyền tự định đoạt của đương sự ... quy định tại Điều 3 Bộ luật dân sự; Xem có bảo đảm các quyền yêu cầu, quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự, quyền và nghĩa vụ về cung cấp chứng cứ và chứng minh,... có đảm bảo đúng các nguyên tắc cơ bản quy định tại Chương II BLTTDS; Việc xác định tư cách những người tham gia tố tụng có đúng và đầy đủ chưa; Đối với loại án bắt buộc phải có hòa giải, xem có hòa giải chưa và người đứng ra làm công tác hòa giải có phải là Thẩm phán không?

Về nội dung cần nghiên cứu đơn khởi kiện đương sự yêu cầu giải quyết vấn đề gì để xác định nó thuộc loại án gì và xác định quan hệ pháp luật điều chỉnh; Xem xét các tài liệu được coi là chứng cứ quan trọng của vụ án do đương sự cung cấp, các giấy tờ liên quan đến yêu cầu khởi kiện, tính hợp pháp của các chứng cứ mà đương sự xuất trình; Xem xét kỹ lời khai đầu tiên của đương sự vì thông thường lời khai đầu tiên của đương sự phản ánh trung thực và đáng tin cậy nhất; Các tài liệu Tòa án điều tra thu thập; Các công văn, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức xã hội…

Khi kiểm sát việc lập hồ sơ của Tòa án phải thực hiện đầy đủ các thao tác nghiệp vụ theo quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hướng dẫn về việc lập hồ sơ kiểm sát dân sự của VKSND tối cao.

Trong đó chú ý đối với mỗi vụ án, mỗi loại kiện đều có những đặc điểm khác nhau, mà những đặc điểm khác nhau đó là cái riêng khi nghiên cứu mỗi hồ sơ vụ việc. Vì vậy cần phải có phương pháp nghiên cứu, xem xét đánh giá thu thập chứng cứ và áp dụng căn cứ pháp luật sao cho phù hợp với từng loại kiện, từng vụ việc mới đảm bảo yêu cầu đề ra.

Tại phiên tòa, ngoài việc kiểm sát việc chấp hành pháp luật tố tụng của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng, Kiểm sát viên cần lưu ý đến việc bổ sung chứng cứ của đương sự có hợp pháp không, các chứng cứ do các đương sự đưa ra có được xem xét đánh giá đầy đủ, toàn diện và khách quan không; việc áp dụng pháp luật về nội dung có đúng không; để có cơ sở báo cáo, đề xuất việc chấp hành pháp luật về tố tụng và nội dung khi thực hiện công tác kiểm sát bản án sơ thẩm nhằm kịp thời kháng nghị phúc thẩm nếu có vi phạm nghiêm trọng và tổng hợp kiến nghị Tòa án khắc phục đối với những vi phạm và thiếu sót…

Khi kiểm sát bản án, quyết định giải quyết của Tòa án, ngoài việc theo dõi thời gian gửi đúng hạn, trễ hạn còn phải xem xét hình thức, nội dung của bản án, quyết định, xem phần quyết định của bản án có đúng với nội dung đã được tuyên tại phiên tòa hay không. Đối với loại quyết định tạm đình chỉ cần chú ý lý do tạm đình chỉ, khi cần thiết yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ để xem xét tính có căn cứ và hợp pháp của quyết định tạm đình chỉ.

Đối với những vụ án có Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, Viện kiểm sát cần chú ý tác động Tòa án gửi bản án đúng quy định tại khoản 2 Điều 241 BLTTDS để đảm bảo thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát theo Điều 280 BLTTDS. Trong trường hợp Tòa tuyên khác quan điểm đề nghị của Viện kiểm sát thì ngay sau khi kết thúc phiên tòa, Kiểm sát viên cần kịp thời báo cáo lãnh đạo Viện để có quan điểm xử lý cho kịp thời để tránh trường hợp chờ có bản án thì không kịp thời thực hiện quyền kháng nghị ngang cấp của Viện kiểm sát.

Tóm lại, để hạn chế tình trạng bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị Tòa án cấp phúc thẩm tuyên hủy, sửa do có trách nhiệm của Viện kiểm sát thì Kiểm sát viên khi làm công tác xây dựng hồ sơ kiểm sát sơ thẩm án dân sự cần có tinh thần trách nhiệm và thái độ tích cực, chủ động khi thực hiện khâu công tác này, có như vậy mới kịp thời phát hiện được những thiếu sót, vi phạm trong việc lập hồ sơ của Tòa án, thực hiện tốt quyền quyền yêu cầu, quyền kiến nghị của Kiểm sát viên theo quy định tại khoản 3, khoản 6 và khoản 8 Điều 58 BLTTDS.

Ngoài ra, các bản án, quyết định giải quyết của Tòa án là một trong những nguồn quan trọng để thực hiện quyền kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát. Nếu Kiểm sát viên tích cực nghiên cứu các bản án, quyết định và việc nghiên cứu các bản án, quyết định khoa học, biết kết hợp với các nguồn khác Kiểm sát viên sẽ phát hiện được nhiều vi phạm trong hoạt động giải quyết các vụ việc dân sự của Tòa án, từ đó sẽ thực hiện tốt quyền kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát theo quy định tại Điều 278 BLTTDS.

Cẩm Hồng - Việt An