Ông Nguyễn Văn Thành (Giao Thủy, Nam Định) hỏi: Tôi là bị đơn trong một vụ kiện dân sự về “Tranh chấp quyền sử dụng đất”. Vụ kiện đã được Tòa án nhân dân cấp huyện và cấp tỉnh đưa ra xét xử. Tuy nhiên, tôi không đồng ý với hai bản án này vì có nhiều chứng cứ tôi cung cấp nhưng chưa được hai cấp Tòa án xem xét thỏa đáng. Nay, tôi muốn Tòa án cấp trên xử lại vụ án này theo thủ tục giám đốc thẩm có được không? Những ai có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm? Mong quý báo quan tâm giải đáp.

 


Trả lời: Theo quy định của pháp luật, căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm được quy định tại Điều 283 Bộ luật Tố tụng dân sự như sau:

Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây:

1. Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án ;

2. Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng;

3. Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

Điều 285 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định Người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm gồm:

1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án các cấp, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;

 2. Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện.

Căn cứ theo điều luật chúng tôi đã viện dẫn, nếu ông cho rằng bản án đã có hiệu lực pháp luật nói trên không phù hợp với những tình tiết của vụ án, ông có quyền gửi đơn yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Tuy nhiên, trong thời gian chưa được xem xét, ông vẫn phải chấp hành và thực hiện đúng bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã có hiệu lực pháp luật.
 

B.B.Đ