leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. 

Đây chính là cơ sở và nguyên nhân chính để nghiên cứu và xây dựng mô hình Toà án ma tuý tại Việt Nam, Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa giáo - Văn hoá xã (Văn phòng Chính phủ) Nguyễn Cửu Đức chia sẻ. 

Toà án ma tuý với chức năng không chỉ  có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện đối với người nghiện mà còn có nhiệm vụ chuyên môn khác như tiếp nhận đánh giá tình trạng nghiện ma tuý, lập kế hoạch điều trị, giáo dục về tác hại của ma tuý, giáo dục đạo đức và tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm, tư vấn dự phòng tái nghiện, dạy nghề, tạo việc làm và giới thiệu việc làm cũng như chuyển gửi tới các cơ sở dịch vụ khác, xây dựng kế hoạch phục hồi của cá nhân. Những người tham gia chương trình Toà án ma tuý còn có được những lợi ích về kinh tế - xã hội rõ ràng như: giáo dục, việc làm, cải thiện mối quan hệ gia đình cũng như tăng sự tự trọng về bản thân.

Ông Nguyễn Cửu Đức, Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa giáo – Văn hoá xã (Văn phòng Chính phủ) khẳng định, xuất phát từ cơ sở pháp lý hiện nay là thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc thuộc về Toà án, việc thành lập Toà án ma tuý với chức năng trên là cần thiết nhằm tạo ra những bước đột phá, thay đổi nhằm mang lại hiệu quả thiết thực đối với công tác cai nghiện.

Phó vụ trưởng Nguyễn Cửu Đức chỉ ra những tồn tại về mặt cơ sở pháp lý và thực tiễn phòng chống ma tuý của Việt Nam. Theo đó, việc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc của Toà án như hiện nay chưa thực sự tạo ra những thay đổi căn bản về chất đối với công tác cai nghiện. Điểm khác biệt chính ở đây chỉ là thay đổi chủ thể ra quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện. Trước đây, Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, quyết định việc đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện. Nhưng từ khi Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực, Nghị định số 111/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng được áp dụng từ đầu năm 2014 thì việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do Toà án quyết định. Ngoài ra, hình thức và cách tổ chức các chương trình cai nghiện bắt buộc không có những cải cách mang tính đột phá.

Ngày 23/10/2015, Chánh án TAND tối cao đã ban hành Quyết định số 138/QĐ-TAND tối cao về việc thành lập Ban chủ nhiệm và Tổ giúp việc Đề án thành lập Toà án ma tuý ở Việt Nam do Chánh án TAND tối cao làm Chủ nhiệm đề án.

Trong chương trình phòng chống ma tuý đến năm 2020, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội phối hợp với TAND tối cao nghiên cứu, triển khai mô hình trợ giúp pháp lý, trợ giúp xã hội theo mô hình “tiền xét xử”, từng bước nhân rộng mô hình Toà hỗ trợ cai nghiện ma tuý.

Các cơ quan chức năng như Ủy ban quốc gia Phòng chống AIDS, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, Bộ Công an, TAND tối cao, UBND TP. Hà Nội, TP. HCM đang nghiên cứu xem xét xây dựng mô hình Toà án ma tuý.

Hiện nay, trên cả nước có 222.582 người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý, trong đó trên 67,5% số người đang sinh sống ngoài xã hội; 13,5% số người trong cơ sở cai nghiện bắt buộc; 19% số người đang trong trại tạm giam, tạm giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng. Tình hình sử dụng ma tuý và các loại ma tuý tổng hợp… gia tăng nhanh chóng ở các địa phương.

Hoa Việt