Về nhiệm vụ trọng tâm, Hướng dẫn nêu rõ: Lãnh đạo VKSND các cấp tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao tại các Chỉ thị công tác năm 2021 của ngành KSND; quy định tại các Thông tư liên tịch và các quy chế, quy định, quy trình của Ngành về công tác tiếp công dân, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.
Nâng cao trách nhiệm của Viện trưởng VKSND các cấp trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; tăng cường công tác tiếp công dân, gắn công tác tiếp công dân thường xuyên với công tác tuyên truyền, phổ biến, giải thích pháp luật cho công dân.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, nhất là VKSND cấp huyện; chú trọng việc phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo đảm bảo việc giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.
Chú trọng công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan tư pháp (Cơ quan điều tra, Tòa án, Thi hành án); tăng cường kiểm sát ngang cấp, kịp thời phát hiện vi phạm pháp luật để kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục, xử lý theo quy định pháp luật và phòng ngừa chung.
Tập trung giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại đối với hoạt động giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, nhất là quyết định không khởi tố vụ án hình sự, hạn chế thấp nhất oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm trong giai đoạn khởi tố.
Củng cố tổ chức đơn vị được giao nhiệm vụ kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp tại VKSND các cấp nhằm thực hiện tốt công tác tiếp công dân, kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.
|
|
VKSND tỉnh Lạng Sơn tăng cường công tác tiếp công dân. (Ảnh minh hoạ - VKS tỉnh Lạng Sơn) |
Về các nhiệm vụ cụ thể, trong công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý, quản lý đơn: Viện trưởng VKSND các cấp quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác tiếp công dân, thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm tiếp công dân của Viện trưởng VKSND theo quy định của Luật Tiếp công dân và quy định của Ngành. Gắn công tác tiếp công dân thường xuyên với công tác tuyên truyền, phổ biến, giải thích pháp luật; gắn công tác tiếp công dân, đối thoại khi giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, nhất là đối với những vụ việc phức tạp, bức xúc, kéo dài.
Đơn vị kiểm sát, giải quyết đơn tiếp công dân thường xuyên và phối hợp với đơn vị nghiệp vụ có liên quan xác định thời gian tiếp công dân đối với từng vụ việc cụ thể (gắn công tác tiếp dân với nhiệm vụ, quyền hạn tham mưu giải quyết đơn).
Với đặc thù đơn khiếu nại, tố cáo tiếp nhận rất nhiều nhưng thuộc thẩm quyền giải quyết không nhiều, do đó cần đặc biệt quan tâm đến công tác phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp để phục vụ công tác kiểm sát và giải quyết. Chú ý phân công cán bộ nắm chắc quy định thực hiện việc tiếp nhận, phân loại, xử lý và quản lý đơn đảm bảo kịp thời, đầy đủ, chặt chẽ, chính xác, không để ảnh hưởng thời hạn giải quyết đơn thuộc thẩm quyền.
Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền: Chú trọng công tác cán bộ làm công tác tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; VKSND cấp tỉnh và VKSND cấp huyện cần phân công cán bộ có kinh nghiệm nghiệp vụ chủ trì, tham mưu giải quyết.
Trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, VKSND các cấp cần quan tâm thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và đảm bảo nội dung trong các văn bản giải quyết.
VKSND cấp trên tăng cường theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn VKSND cấp dưới giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đặc biệt quan tâm đến giải quyết khiếu nại về quyết định không khởi tố vụ án hình sự, kịp thời phát hiện sai sót, vi phạm để khắc phục ngay; hạn chế quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực thi hành, VKS có thẩm quyền kiểm tra lại mới phát hiện để yêu cầu sửa chữa, hoặc hủy bỏ gây khó khăn cho quá trình giải quyết tiếp theo.
Đối với vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, có sự quan tâm của dư luận hoặc kiến nghị của nhiều cơ quan có thẩm quyền, quá trình giải quyết, VKSND phải tổ chức đối thoại với người khiếu nại, tố cáo, qua đó kết hợp với việc giải thích, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức pháp luật để người khiếu nại, tố cáo tôn trọng, chấp hành kết quả giải quyết của VKSND, hạn chế khiếu kiện vượt cấp, kéo dài.
Mặt khác, VKSND cấp có thẩm quyền tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, coi đây là biện pháp góp phần phòng, chống oan sai, bỏ lọt tội phạm.
VKSND cấp tỉnh tranh thủ, xây dựng cơ chế phối hợp với các cơ quan tư pháp (Cơ quan điều tra, Tòa án) để đề nghị cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan để có cơ sở đánh giá chứng cứ được khách quan, toàn diện, nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật.
Tăng cường công tác phối hợp giữa đơn vị kiểm sát và giải quyết đơn với các đơn vị nghiệp vụ liên quan để tham mưu, đề xuất giải quyết đơn đề nghị đúng quy định của pháp luật.
Trong công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, VKS phối hợp với cơ quan tư pháp cùng cấp để nắm thông tin tiếp nhận, thụ lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp hoặc thông qua việc tiếp nhận đơn để áp dụng các biện pháp kiểm sát phù hợp theo quy định tại các Thông tư liên tịch số 02, 03 ngày 31/8/2016 và số 02 ngày 5/9/2018.
Kiểm sát việc thụ lý, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền các cơ quan tư pháp, nhất là những trường hợp khiếu nại thuộc thẩm quyền CQĐT cùng cấp nhằm hạn chế khiếu nại tiếp theo để VKSND phải giải quyết; trường hợp người tố cáo không nhất trí kết quả giải quyết tố cáo trong hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp khác, VKSND chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền đã giải quyết để kiểm tra lại; nếu phát hiện có tình tiết mới, thuộc trường hợp cơ quan tư pháp ngang cấp phải giải quyết lại thì theo dõi để thực hiện kiểm sát việc giải quyết.
Trong công tác kiểm tra, chỉ đạo, báo cáo: VKSND cấp trên tăng cường theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của VKSND cấp dưới đảm bảo nội dung đầy đủ, có căn cứ và đúng pháp luật; nâng cao chất lượng văn bản thông báo, rút kinh nghiệm công tác, lựa chọn những trường hợp vi phạm có tính chất phổ biến để rút kinh nghiệm chung, những trường hợp vi phạm cá biệt, chưa đến mức phải hủy, VKSND cấp trên ban hành văn bản rút kinh nghiệm cần chỉ rõ, phân tích kỹ vi phạm, sai sót giúp VKSND cấp dưới nhận thức và thực hiện đúng quy định của pháp luật và của Ngành. Đối với những VKSND cấp dưới có nhiều khiếu nại trong tố tụng hình sự, VKSND cấp trên cần tiến hành kiểm tra theo Điều 483 Bộ luật TTHS để đảm bảo việc tiếp nhận, thụ lý, giải quyết đầy đủ, có căn cứ và đúng pháp luật. |