Thời gian qua, tình trạng cho vay nặng lãi diễn ra thường xuyên, ngày càng phổ biến để lại những hậu quả khôn lường. Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2009 quy định rõ chế tài xử phạt người có hành vi cho vay nặng lãi cấu thành tội “Cho vay lãi nặng” tại Điều 163. Tuy nhiên thực tế cho thấy, để xử lý người có hành vi cho vay nặng lãi theo tội danh trên là rất khó và ít khi xử lý được.    

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa 

1. Hiểu thế nào là “cho vay lãi nặng”

Tại Điều 11 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ (Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình) quy định:  

      “3...

d. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi: “cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay”.

Như vậy có thể hiểu, nếu lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm cho vay đối với loại cho vay tương ứng thì gọi là "cho vay lãi nặng".

Tuy nhiên, khái niệm này chỉ áp dụng đối với hoạt động cho vay trong nhân dân. Còn đối với các tổ chức tín dụng thì hiện nay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng sẽ được áp dụng lãi suất theo thỏa thuận với khách hàng mà không bị áp dụng mức lãi suất trần này. Từ căn cứ trên, có thể hiểu khái niệm “Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” như sau: “Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” là hành vi trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự nhằm thu lợi bất chính”.

2. Các dấu hiệu pháp lý của “Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”


Khách thể của tội phạm


“Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của nhà nước về tín dụng mà cụ thể là trật tự trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ; xâm phạm đến lợi ích của công dân.

Về chủ thể của tội phạm


Chủ thể “Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự. Nếu người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong quản lý công quỹ và dùng công quỹ cho vay lãi nặng mang tính chất bóc lột thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này với tình tiết tăng nặng quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015.

Trường hợp do hành vi cho vay mà để thất thoát công quỹ thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội sử dụng trái phép tài sản” quy định tại Điều 177 BLHS năm 2015 hoặc “Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 nếu xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của BLHS năm 1999; sửa đổi, bổ sung năm 2009 để xử lý (điểm e Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội).

Mặt chủ quan của tội phạm


Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý. Người phạm tội biết hành vi cho vay lãi nặng của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vì vụ lợi mà vẫn cố tình thực hiện tội phạm. Động cơ phạm tội là vụ lợi nhằm thu lợi bất chính.

Mặt khách quan của tội phạm


Một là, có giao dịch dân sự cho vay và áp đặt mức lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự (BLDS).

Tuy nhiên, lãi suất sẽ thay đổi theo Điều 468 BLDS năm 2015, có hiệu lực từ ngày 01/01/2017. Theo đó:

“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.


Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác…”.


Sở dĩ việc quy định lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố để làm căn cứ xác định nghĩa vụ tài chính là cần thiết và phù hợp trong điều kiện hiện nay. Vì đây là mức lãi suất dễ tiếp cận, có thể thay đổi linh hoạt theo tình hình phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời cũng phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đó là: Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cơ bản và các lãi suất khác để điều hành chính sách tiền tệ, chống cho vay nặng lãi”.

Điều 201 BLHS năm 2015 đã bỏ cụm từ “có tính chất chuyên bóc lột” so với “Tội cho vay lãi nặng” quy định tại Điều 163 BLHS năm 2009. Điều này đã góp phần “cởi trói” cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong đường lối giải quyết loại tội phạm này. Vì thực tế hiện nay, chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào hướng dẫn chính thức nội hàm khái niệm “có tính chất chuyên bóc lột”.

Như vậy, nếu lãi suất cho vay gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất tối đa nói trên thì hành vi cho vay có dấu hiệu của Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quy định tại Điều 201 BLHS năm 2015.

Hai là,
  phải thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên. Nếu trong giao dịch dân sự, người cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS nhưng thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng thì cũng không bị coi là phạm tội và cũng không cấu thành tội phạm này.

Về hình phạt, mức phạt tù cao nhất đối với Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là 03 năm tù, trong trường hợp thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên. Đây là quy định cũng mang tính “cởi trói” cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong đường lối giải quyết loại tội phạm này so với quy định “thu lợi bất chính lớn” tại khoản 2 Điều 163 BLHS năm 2009.

Khoản 3 Điều 2 Nghị quyết số 63/2013/QH13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội về “Tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm” quy định. Năm 2014, Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng thống nhất các quy định “gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”,“số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn”, “đất có diện tích lớn, rất lớn, đặc biệt lớn” trong các tội phạm về kinh tế, chức vụ, tham nhũng của BLHS; hướng dẫn áp dụng các điều 139, 140 và 163 của BLHS về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và “Tội cho vay lãi nặng”.

Nghị quyết của Quốc hội đã ban hành quy định rõ như vậy, tuy nhiên thực tế như thế nào là thu lợi bất chính lớn, cho vay với lãi suất cao gấp mười mấy lần, hàng chục lần lãi suất cao nhất theo quy định của Nhà nước có được coi là thu lợi bất chính lớn hay không, hiện nay Tòa án nhân dân tối cao cũng chưa có văn bản hướng dẫn.

Tóm lại, trong điều kiện hiện nay để xử lý được loại tội phạm “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” quy định tại Điều 201 BLHS năm 2015 thì ngoài các yếu tố cấu thành như khách thể, chủ thể của tội phạm… các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh được mặt khách quan của loại tội phạm này phải đồng thời thỏa mãn được hai dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm (đã phân tích trên) mới có thể xử lý được. Nếu không thỏa mãn và thiếu một trong hai dấu hiệu về mặt khách quan này thì không bị coi là phạm tội và cũng không cấu thành tội phạm.

Tuy nhiên, khi xử lý loại “Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” quy định tại Điều 201 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, chúng tôi cho rằng cần lưu ý một số điểm sau đây để tránh “hình sự hóa quan hệ dân sự cho vay”.

Thứ nhất,
cần nghiên cứu kỹ các quy định của BLDS năm 2015 về giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội;   nghiên cứu kỹ các quy định mới Bộ luật dân sự năm 2015 về lãi suất (BLDS năm 2015), chẳng hạn, đoạn 2 khoản 1 Điều 468 quy định rõ: “…Trong trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”.

Thứ hai,
từ cuối năm 2011, Ngân hàng Nhà nước đã bỏ quy định về lãi suất cho vay cơ bản, thay bằng lãi suất trần huy động vốn không quá 13-14%/năm. Như vậy không còn khái niệm pháp lý “Lãi suất cho vay cơ bản” mà thay bằng “Lãi suất đi vay cơ bản”.

Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (BLHS năm 2015) quy định cho vay cao hơn lãi suất cho vay theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay lãi suất cơ bản cho vay đã bị bỏ thì không thể lấy lãi suất đi vay để áp vào lãi suất cho vay và xác định “Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” sẽ không phù hợp thực tế. Mặt khác, Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16/6/2010 của Quốc hội có hiệu lực từ ngày 01/01/2011 có quy định giao dịch giữa tổ chức tín dụng và khách hàng vay với mức lãi suất khác nhau.

Từ những phân tích trên có thể thấy, để đảm bảo nguyên tắc mọi tội phạm phải được phát hiện, xử lý kịp thời, không oan sai, không bỏ lọt loại “Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” quy định tại Điều 201 BLHS năm 2015 nói riêng; liên ngành tư pháp trung ương cần sớm ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng thống nhất đối với giải quyết loại tội phạm này.

Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017) 

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.


Nguyễn Tất Bắc - VKSND huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai