Phòng, chống tham nhũng “không có vùng cấm”

Những kết quả của phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong thời gian qua, nhất là từ nhiệm kỳ Đại hội Đảng XII đến nay là sự thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là đấu tranh PCTN “không có vùng cấm”, kiên quyết  không để tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, quyền lực được kiểm soát chặt chẽ và “nhốt” trong “lồng” cơ chế, chính sách pháp luật. 

Theo Báo cáo của Ban Nội chính Trung ương, từ năm 2014 đến hết tháng 6/2018, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 840 tổ chức Đảng và 58.120 đảng viên vi phạm.

Trong đó, hơn 2.700 đảng viên vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra làm rõ nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, quyết định kỷ luật và đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật nhiều tổ chức Đảng và đảng viên là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước vi phạm, cả đương chức, chuyển công tác và đã nghỉ hưu.

50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 9 trường hợp là Ủy viên Trung ương, nguyên là Ủy viên Trung ương đã bị kỷ luật, khai trừ đảng một Ủy viên Trung ương - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị… Mới đây, tại Hội nghị lần thứ Chín, Ban chấp hành Trung ương đã xem xét thi hành kỷ luật ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM bằng hình thức cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khoá XII; Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015-2020, vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng. Điều đó càng khẳng định cuộc đấu tranh PCTN đã và sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ và hiện thực hóa những mục tiêu, yêu cầu đặt ra là sớm ngăn chặn và đẩy lùi “giặc nội xâm”. Tăng cường sức mạnh và lấy lại niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ.

Cuộc đấu tranh PCTN được nhân dân đồng tình, tích cực ủng hộ còn là ở  tính nhân văn của cuộc đấu tranh, với mục tiêu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, lấy phòng ngừa là chính, khi phải xử lý cán bộ có sai phạm, thì bất kể cán bộ có sai phạm ở vị trí công tác nào, giữ chức vụ cao hay thấp đều phải bảo đảm khách quan, chính xác, đúng pháp luật và thận trọng, có lý, có tình để cán bộ bị xử lý  “tâm phục, khẩu phục”.

Những vụ việc xử lý kỷ luật về các chức vụ và xử lý trước pháp luật hình sự đối với một số cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, một số tướng lĩnh trong Quân đội, Công an, một số “sếp” lớn của ngân hàng, tập đoàn, tổng công ty,…  một số cán bộ cao cấp đã nghỉ hưu… trong thời gian gần đây đã thể hiện rõ là dù người đó là ai, cương vị công tác như thế nào, khi có sai phạm đều bị xem xét xử lý một cách nghiêm minh. Cuộc đấu tranh PCTN sẽ tiếp tục với niềm tin và khí thế mới của toàn dân tộc đồng sức, đồng lòng; phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc  với một tinh thần “quyết chiến, quyết thắng”.

leftcenterrightdel
Du xuân tại đường hoa Nguyễn Huệ (TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: Hoàng Sơn 

Những bài học quý giá từ thực tiễn

Qua đây, Đảng và Nhà nước  ta rút ra được nhiều  bài học quý báu. Trong đó, có bài học về công tác tổ chức và cán bộ. Bởi, suy đến cùng thì nguyên nhân của thành công hay thất bại cũng là từ cán bộ. Những tồn tại, khuyết điểm của công tác tổ chức, cán bộ thời gian qua là để một số cán bộ cơ hội, sau khi có vi phạm, khuyết điểm đã khôn khéo “giấu mình”, tìm mọi cách vượt qua nhiều quy trình của công tác tổ chức, cán bộ để “chạy” vào những vị trí “an toàn”, chờ thời cơ thăng tiến tiếp như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy,…

Nhiệm vụ rất quan trọng đặt ra cho bộ máy và cán bộ làm công tác tổ chức ở các cấp là phải có những quy định, quy trình chặt chẽ, đảm bảo việc kiểm soát quyền lực được hiệu quả, đồng thời phát hiện, ngăn chặn được các biểu hiện tiêu cực “chạy quy hoạch”, “chạy luân chuyển”…

Trên cơ sở rà soát xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược, bồi dưỡng, đào tạo, rèn luyện và thử thách cán bộ được quy hoạch để  chuẩn bị một đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong nhiệm kỳ tiếp theo với những người có trí tuệ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tâm trong sáng, có uy tín và tín nhiệm cao. Đồng thời, kiên quyết không để lọt những người hư hỏng, những cán bộ cơ hội chính trị, luồn lọt vào các cơ quan Đảng, Nhà nước.

“Mỗi người chúng ta cần luôn ghi nhớ trong tâm khảm của mình rằng, lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân, của Đảng là tối thượng; và danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất đối với mỗi con người, trước hết là đối với mỗi cán bộ, đảng viên”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh những lời tâm huyết này tại Hội nghị Trung ương lần thứ Chín vừa qua.

Cũng qua cuộc đấu tranh PCTN, đã phát hiện những sơ hở, “lỗ hổng” của chính sách pháp luật để hoàn thiện, khắc phục kịp thời đảm bảo chặt chẽ và hiệu lực, hiệu quả, phòng ngừa và xử lý được triệt để các hành vi tiêu cực, tham nhũng. Thực hiện đồng bộ các biện pháp, thu hồi triệt để tài sản do tham nhũng mà có.

Điển hình như vụ AVG, ngay sau khi kết luận thanh tra được công bố, toàn bộ số tiền Nhà nước bị thất thoát đã được thu hồi, khắc phục… Xây dựng những quy định mới nhằm nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, siết chặt kỷ cương, kỷ luật để quyền lực được kiểm soát chặt chẽ, sao cho người thực thi công vụ không dám, không muốn và không thể tham nhũng. Đảm bảo một môi trường xã hội phát triển, minh bạch và lành mạnh.

Qua đây, chúng ta cũng rút ra bài học về tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Quy chế dân chủ ở cơ sở phải được phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Thành công mà cuộc chiến PCTN đạt được rất lớn và có ý nghĩa mang tính nền tảng vững chắc là ở sự tin tưởng, đồng tình ủng hộ và vai trò giám sát của nhân dân đã được phát huy sức mạnh. Đã có lúc, niềm tin vào chế độ của một bộ phận nhân dân giảm sút, theo đó là những hành động bộc phát, dẫn đến vi phạm pháp luật phải xử lý.

Điển hình như vụ bắt giữ lực lượng Cảnh sát cơ động đang thi hành công vụ giữ gìn an ninh- trật tự ở Đồng Tâm (Mỹ Đức- Hà Nội),  hay một nữ cử tri có đất bị thu hồi trong dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm ở TP. HCM đã ném dép vào vị  đại biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri mới đây, hoặc cứ mỗi dịp Quốc hội, Trung ương họp thì người dân khiếu kiện tập trung đông người…

Nguyên nhân có nhiều, nhưng rõ nhất là người dân mất niềm tin với một bộ phận cán bộ lãnh đạo, thoái hóa, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”… có biểu hiện xa dân, vô cảm trước những yêu cầu chính đáng của dân, bao che, dung túng cho sai phạm. Đã đến lúc, những cán bộ này phải chịu trách nhiệm với những hậu quả  đã gây ra, phải cúi đầu chịu tội trước Nhân dân.

Đó còn là bài học về phát huy sức mạnh của truyền thông. Báo chí đã làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước tới người dân; báo chí góp phần phát hiện, tuyên truyền, động viên, khen ngợi những gương người tốt, tận tâm, tận lực với công việc, gương dũng cảm đấu tranh với những sai phạm của tập thể, cá nhân, bảo vệ lẽ phải.

Báo chí cũng mạnh mẽ  phê phán, đấu tranh và đi đến cùng của sự việc để làm sáng tỏ sự thật, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi  cái  xấu.  Báo chí thực hiện chức năng phản biện xã hội, chuyển tải, phản hồi tiếng nói từ thực tiễn cuộc sống trở lại với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng nghiêm trọng, kéo dài gây bức xúc xã hội đã bị báo chí phát hiện đưa ra công luận, đó là những dự án tiền tỉ và “sân sau của quan chức”, “cả nhà làm quan”, “bổ nhiệm thần tốc”, “nâng đỡ không trong sáng”… Qua thông tin báo chí cùng tiếng nói của dư luận xã hội đã góp phần tích cực và hiệu quả cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc làm rõ và xử lý, góp phần làm trong sạch bộ máy tổ chức, cán bộ, minh bạch, lành mạnh các quan hệ trong xã hội.

Một năm cũ qua đi, năm mới đến, những cánh én báo hiệu mùa xuân đã về. Hành trang mang theo là niềm tin và hy vọng ở những kết quả, thành công mới, đang tràn đầy trong ánh mắt, nụ cười của mỗi người dân Việt. Cả nước đồng lòng, triệu người như một, hướng về phía trước, cùng hát bài ca… “Chung tay xây đời/Niềm tin nơi một Việt Nam sáng tươi...”.

H.C