Những chuyển biến tích cực, thực chất…
Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, do Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức, khẳng định, việc thực hiện Chỉ thị 05 đã dần trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, mỗi cán bộ, đảng viên và nhiều tầng lớp nhân dân hưởng ứng, thực hiện. Việc học tập các chuyên đề về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác được đưa vào sinh hoạt định kỳ ở chi bộ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và trong mỗi tổ chức.
|
|
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN |
Cấp ủy các cấp đã nghiêm túc xây dựng kế hoạch triển khai việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, có các nội dung hết sức cụ thể. Do đó, nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm được cấp ủy, chính quyền tập trung giải quyết triệt để. Nhiều địa phương, đơn vị chọn khâu đột phá là tập trung quyết liệt đổi mới cách thức lãnh đạo, điều hành công việc, đẩy mạnh cải cách hành chính, quan tâm công tác cán bộ, xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Ban Tuyên giáo Trung ương quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền về những mô hình mới, cách làm hay, những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện Chỉ thị số 05, ban hành nhiều kế hoạch, hướng dẫn đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tuyên truyền trên báo chí. Từ đó đã thúc đẩy sự vào cuộc tích cực của các cơ quan Trung ương, các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương trong tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, tuyên truyền các mặt tích cực, góp phần quan trọng trong việc nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả, lan tỏa những tấm gương điển hình tiên tiến, làm cho việc thực hiện Chỉ thị 05 ngày càng đi vào chiều sâu, có kết quả thực chất.
Nhiều cấp ủy tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện Chỉ thị 05; phát huy, nhân rộng các mô hình hiệu quả, xây dựng mô hình mới, khuyến khích các cách làm sáng tạo để tuyên truyền việc học tập và làm theo Bác trong nhân dân.
Cũng theo báo cáo, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực và giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm của từng tập thể, cơ quan, đơn vị, địa phương… được quan tâm chỉ đạo, qua đó góp phần tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, mang lại sự đoàn kết trong nội bộ, đồng thuận trong nhân dân, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị ở mỗi địa phương, đơn vị.
Hàng năm, các cán bộ, đảng viên xây dựng bản cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu của cá nhân thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05… Các cấp ủy đã xác định đây là một trong những tiêu chuẩn để kiểm tra, đánh giá, phân loại chất lượng đảng viên cuối năm, nhờ đó, nhiều cán bộ, đảng viên đã khắc phục những mặt còn tồn tại, yếu kém, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao, tích cực hơn trong việc tham gia xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xuất hiện ngày càng nhiều tập thể, cán bộ, đảng viên tận tụy với công việc, tận tâm với nhân dân.
|
|
Nhiều tập thể, cá nhân của VKSND tối cao được khen thưởng trong đợt sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 05. Ảnh: PV |
Chính phủ và nhiều ban, bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả…Qua đó đã xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ, quần chúng nhân dân trong học tập và làm theo tấm gương Bác. Ngày càng có nhiều mô hình, cách làm hay được các địa phương, đơn vị tổng kết rút kinh nghiệm để nhân rộng. Nhiều tỉnh ủy, thành ủy đã tổ chức các đoàn đi học tập kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả của các địa phương bạn trong tổ chức thực hiện Chỉ thị 05.
Nhiều địa phương như Hưng Yên, Hà Nam, Quảng Nam… đã tổ chức hội nghị giao lưu với những gương người tốt, việc tốt điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhiều cấp ủy chỉ đạo việc xây dựng và nhân rộng các điển hình trong học tập và làm theo Bác; tích cực tổ chức tọa đàm, hội thảo nhằm tìm tòi các giải pháp mới để thực hiện tốt Chỉ thị 05 về đạo đức công vụ; đổi mới lề lối làm việc, tác phong công tác; tăng cường kỷ luật và kỷ cương hành chính; nâng cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cơ quan, đơn vị…
Một số địa phương xác định đây là chủ đề hành động toàn tỉnh như Điện Biên: "Kỷ cương, hiệu quả, sát với thực tế"; Cao Bằng: "Chủ động, trách nhiệm, nói đi đôi với làm, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại"; Tỉnh ủy Nghệ An chỉ đạo thực hiện "Xây dựng hình ảnh người đảng viên Nghệ An mẫu mực"; Thanh Hóa với phong trào "Xây dựng con người, cơ quan, đơn vị, địa phương kiểu mẫu"; Lâm Đồng thực hiện phương châm "Đổi mới mạnh mẽ, chủ động sáng tạo, quyết liệt hiệu quả"...
Nhiều tỉnh, thành phố duy trì, thực hiện tốt chuyên mục trả lời, giải đáp những vấn đề người dân thắc mắc, kiến nghị, công khai hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trên báo đảng, đài phát thanh - truyền hình, cổng thông tin điện tử. Nhiều cơ quan, đơn vị xóa bỏ những thủ tục hành chính rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhân dân; bổ sung, xây dựng quy chế làm việc, xây dựng bộ quy tắc ứng xử theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, trong đó, quy định rõ thái độ, trách nhiệm thực hiện văn hóa giao tiếp, văn hóa ứng xử, văn hóa công sở...
Để “cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc nêu gương người tốt, việc tốt. Người từng nói với đồng bào, đồng chí cả nước: “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp...”. Người luôn cho rằng: “Những chiến công và thành tích nổi bật, vang dội thì ai cũng có thể thấy. Còn những việc nhỏ, bình thường nhưng ích nước, lợi dân thì hay bị xem thường”.
Theo Bác, người tốt, việc tốt ở đâu cũng có, ngành giới nào, địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có. Những việc làm của họ, dù nhỏ, nhưng giống như những giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng thành suối, thành sông và hợp thành biển cả... có một ý nghĩa lớn lao, thể hiện tinh thần trách nhiệm cũng như lòng nhân ái "thương người như thể thương thân", "mình vì mọi người" của nhân dân ta.
Trải qua chiều dài lịch sử xây dựng và phát triển đất nước, ở bất kỳ thời điểm nào, dân tộc ta đều có những tấm gương điển hình tiêu biểu, nhiều việc làm tốt, cách làm hay đã được lan tỏa, nhân rộng. Trong quá trình đổi mới và hội nhập đất nước hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường thì đời sống xã hội cũng đặt ra nhiều vấn đề, thách thức. Đó là một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có biểu hiện tha hóa, biến chất, sa vào chủ nghĩa cá nhân... Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị trong bối cảnh đó là vô cùng cần thiết và có ý nghĩa to lớn, nhằm đưa tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh tác động mạnh mẽ đến các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Từ việc học Bác, làm theo Bác đã tạo ra những đổi thay trong suy nghĩ và hành động của mỗi người.
Đó là một bác sĩ quân y về hưu tự nguyện mở trạm sơ cấp cứu tại nhà, khám, chữa bệnh miễn phí cho nhân dân huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam), cứu sống nhiều bệnh nhân nghèo; một bí thư chi bộ tại xã nghèo miền núi tỉnh Bắc Giang vận động nhân dân hiến đất, ủng hộ 1,7 tỉ đồng làm hơn 4 km đường giao thông nông thôn; một bí thư chi đoàn của Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) đã có nhiều sáng kiến trong hoạt động chuyên môn, vận động đoàn viên cùng chung tay, góp sức xây nhà tình nghĩa, trường học tại các xã nghèo miền núi...
|
|
Các cá nhân được vinh danh tại buổi Giao lưu điển hình toàn quốc 2019 trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ảnh: HT |
Đó là 12 cá nhân có thành tích xuất sắc được tôn vinh trong "Vinh quang Việt Nam" 2019 gồm: GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức; Trung tá Phạm Đức Dũng, Trưởng Công an Phường Khương Trung, Công an quận Thanh Xuân, Công an TP Hà Nội; Nhà giáo Nhân dân, TS. Đỗ Hữu Tài, Hiệu trưởng trường Đại học Lạc Hồng, tỉnh Đồng Nai; GS.TS Nguyễn Văn Nội, Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; bà Vũ Thị Việt Hoa, Hiệu trưởng trường Tiểu học Quang Trung, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; danh thủ Nguyễn Quang Hải, đội tuyển Bóng đá Quốc gia Việt Nam; ông Nguyễn Ngọc Thanh, chuyên viên Ban vận hành sản xuất công ty TNHH một thành viên Lọc - Hóa dầu Bình Sơn; ông Nguyễn Hồng Thảo, Kỹ sư kinh tế vận tải biển, Cty TNHH MTV Cảng Bến Nghé, thuộc Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn; ông Nguyễn Vũ Đạt, Kỹ sư Điện - Điện tử, Phó Ban cơ điện, công ty TNHH MTV Cao Su Thống Nhất, Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH MTV; ông Phạm Thế Hiệu, Phó Quản đốc xưởng cán thép, công ty Cổ phần thép Việt - Ý, khu công nghiệp Phố Nối A, tỉnh Hưng Yên; ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam; ông Nguyễn Hạnh, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Liên Thái Bình Dương - Imexpan Pacific (IPPG), TPHCM.
Riêng trong ngành Kiểm sát nhân dân, nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được Ban Thường vụ Đảng ủy triển khai đầy đủ trên các mặt công tác xây dựng Đảng, đề cao trách nhiệm người đứng đầu đơn vị của cán bộ chủ chốt các cấp và của đảng viên. Xây dựng chương trình, kế hoạch gắn với nhiệm vụ công tác chuyên môn; hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, quy chế nghiệp vụ; giảng dạy trong nhà trường. Thực hiện đúng phương châm trên trước, dưới sau, trong trước, ngoài sau, học tập đi đôi với làm theo, lấy kết quả hành động làm tiêu chí, thước đo để đánh giá, bình xét, phân loại tổ chức đảng và đảng viên.
Một số cấp ủy phát huy tinh thần sáng tạo trong việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, có phương pháp mới, cách làm hay, thiết thực, hiệu quả; xây dựng được nhiều tập thể, cá nhân điển hình, góp phần đưa nội dung Chỉ thị vào cuộc sống. Cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động trong toàn Đảng bộ Viện kiểm sát nhân dân tối cao ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về những nội dung cơ bản, giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nêu cao tinh thần tự giác học tập, chuyên môn, nghiệp vụ, tu dưỡng rèn luyện đạo đức; nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm trong công tác, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao cho ngành Kiểm sát nhân dân.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị Đảng bộ VKSND tối cao sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao khẳng định, thời gian qua, Đảng ủy, Ban cán sự đảng VKSND tối cao đặc biệt chú trọng, quan tâm chỉ đạo và quán triệt thường xuyên việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị gắn với đổi mới lề lối, tác phong làm việc, trách nhiệm công tác, qua đó tạo nhiều chuyển biến tích cực trong các khâu công tác kiểm sát, góp phần nâng cao hiệu quả công tác của ngành Kiểm sát nhân dân.
Đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao nhấn mạnh, Bác Hồ là tấm gương lớn; việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là biện pháp quan trọng của Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên cần phải nhận thức rõ điều này. Đối với ngành Kiểm sát nhân dân, với phương châm "Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương - Thực chất, hiệu quả", đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu cán bộ, công chức, đảng viên trong toàn Ngành cần vận dụng hơn tốt lời dạy của Bác đối với cán bộ Kiểm sát phải "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn"; phải công bằng, minh bạch, dám bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai, không để oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa, gương mẫu, trung thực và tận tụy.
Qua thực tiễn công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp, thời gian qua, hàng trăm điển hình tiên tiến là những tập thể VKSND các cấp, các cán bộ, Kiểm sát viên đã được nêu gương trên chuyên trang “Chân dung cán bộ kiểm sát & Bản lĩnh Kiểm sát viên” của Báo Bảo vệ pháp luật. Đó là những đơn vị, những cán bộ kiểm sát, Kiểm sát viên đang ngày đêm miệt mài “đi sớm về khuya”, không quản ngại khó khăn, hiểm nguy để bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất…, góp phần giữ bình yên cuộc sống.
Có thể nói, qua nhiều năm thực hiện việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chúng ta đang nối dài những tấm gương, những người tốt, việc tốt, những việc làm tử tế, từ những điều rất bình dị mà cao quý,… những giá trị tốt đẹp, đang được lan tỏa; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. Đó cũng là góp phần thực hiện ước nguyện của Người: “…để cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong Đảng, hệ thống chính trị và nhân dân, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, trước hết là của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên.
Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa" trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
Tiếp tục làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
(Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh)
|
3 bài học kinh nghiệm lớn sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 05
Thứ nhất, sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy, người đứng đầu, lãnh đạo chính quyền là nhân tố đặc biệt quan trọng để Chỉ thị 05 đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả.
Vai trò của cấp ủy, bí thư cấp ủy và người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị có tính quyết định trên cả hai mặt: Trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phải quyết tâm và kiên trì; mặt khác, phải tự mình gương mẫu, đi đầu, tự giác nêu gương trong từng việc làm cụ thể, trong công việc và trong cuộc sống đều nỗ lực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác.
Thứ hai, trong lãnh đạo, chỉ đạo cần tập trung lựa chọn khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm gắn với việc thực hiện nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị để lãnh đạo, chỉ đạo có kết quả cụ thể, thiết thực, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và đại hội đảng các cấp.
Thứ ba, coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục gắn với việc làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.
Kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” để “chống”. Đặc biệt coi trọng tuyên tuyền, giáo dục về gương người tốt, việc tốt, các tập thể và cá nhân điển hình trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Cùng với giáo dục, tuyên truyền vận động, phải xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước và quy định của Đảng; xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm mới có tác dụng răn đe, phòng, chống có hiệu quả sự suy thoái, tiêu cực.
C.P
|