Nghiêm cấm lợi dụng việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ để bao che hành vi tham nhũng, tiêu cực

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, việc xây dựng và ban hành Nghị định nhằm tạo cơ sở pháp lý, cơ chế để khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung.

Động viên cán bộ tích cực phát huy trí tuệ sáng tạo, mạnh dạn đề xuất ý tưởng, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung. 

Đồng thời, ngăn ngừa, xử lý nghiêm những cán bộ lợi dụng chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Về nội dung, dự thảo Nghị định (lần 3) gồm 5 chương, 27 điều, được áp dụng đối với: Cán bộ, công chức làm việc tại các cơ quan Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội; Kiểm toán nhà nước; Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập; TAND, VKSND các cấp; HĐND, UBND các cấp; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội ở cấp tỉnh, cấp huyện.

Viên chức làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; người thuộc lực lượng QĐND, CAND và người làm công tác cơ yếu; người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ.

Về các hành vi bị nghiêm cấm, dự thảo Nghị định nêu rõ bao gồm: Cản trở, gây khó khăn, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cán bộ năng động, sáng tạo, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong quá trình đề xuất, thực hiện đề xuất vì lợi ích chung.

Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ biện pháp khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo theo quy định của Nghị định này và quy định khác có liên quan.

Lợi dụng chính sách, biện pháp khuyến khích, bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi tham nhũng, tiêu cực, trục lợi, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Không chấp hành sự phân công của cơ quan, tổ chức về việc giao thực hiện đề xuất; thực hiện không đúng đề xuất được cấp có thẩm quyền quyết định cho thực hiện; không chấp hành chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về việc tiếp tục, dừng hoặc chấm dứt thực hiện đề xuất.

Xử lý trách nhiệm đối với cán bộ năng động, sáng tạo, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong quá trình đề xuất, thực hiện đề xuất đã được đánh giá là hoàn thành quy định tại Điều 19, Điều 20 Nghị định này.

Chính sách khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo

Về chính sách khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dự thảo Nghị định quy định, cán bộ có đề xuất được phê duyệt và cán bộ, cá nhân, tổ chức triển khai thực hiện đề xuất tạo sự chuyển biến tích cực, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực được khuyến khích bằng các hình thức sau đây:

a) Tuyên dương, biểu dương trước tập thể cơ quan, đơn vị và được khen thưởng vượt cấp, vượt bậc, đột xuất mà không phụ thuộc trình tự, thời gian, các tiêu chí của hình thức khen thưởng theo quy định của pháp luật đối với những đề xuất được thực hiện thành công; được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong đánh giá xếp loại chất lượng trong năm có đề xuất và trong năm hoàn thành thực hiện đề xuất;

b) Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng; 

c) Được nâng bậc lương trước thời hạn 12 tháng, đặc cách nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức cao hơn liền kề ngạch, hạng đang giữ; thăng quân hàm, cấp bậc hàm trước thời hạn (đối với lực lượng vũ trang);

d) Được ưu tiên quy hoạch, bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý hoặc vị trí lãnh đạo, quản lý cao hơn; được bổ nhiệm vượt cấp so với chức danh, chức vụ hiện giữ.

Cán bộ, cá nhân, tổ chức thực hiện đề xuất, tùy trường hợp cụ thể được cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp bố trí kịp thời trang thiết bị, phương tiện làm việc, nhà ở công vụ, con người, kinh phí bảo đảm thực hiện đề xuất được phê duyệt.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa: (Nguồn: TTXVN)

8 trường hợp cán bộ dám nghĩ, dám làm được miễn xử lý kỷ luật

Về các biện pháp bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dự thảo Nghị định nêu rõ, cán bộ, cá nhân, tổ chức thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo đã được cấp có thẩm quyền quyết định cho thực hiện nhưng không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì được miễn xử lý trách nhiệm hình sự, xử lý kỷ luật và trách nhiệm hoàn trả ngân sách Nhà nước khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đề xuất được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

b) Thực hiện đề xuất để giải quyết vấn đề khẩn cấp, cấp bách hoặc đề xuất đang trong quá trình thực hiện gặp sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự;

c) Bị cản trở, gây khó khăn trong quá trình thực hiện đề xuất;

d) Đã báo cáo cấp có thẩm quyền về việc chấm dứt thực hiện đề xuất khi thấy có rủi ro, thiệt hại xảy ra hoặc có khả năng xảy ra thiệt hại;

đ) Phải chấp hành quyết định của cấp trên sau khi đã báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền về việc chấm dứt thực hiện đề xuất nhưng cấp có thẩm quyền vẫn quyết định tiếp tục thực hiện đề xuất;

e) Phải chấm dứt ngay việc thực hiện đề xuất khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền;

g) Được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi dân sự khi thực hiện đề xuất đã được phê duyệt;

h) Cán bộ thực hiện đề xuất đã qua đời.

Trường hợp cán bộ, cá nhân, tổ chức thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo, khi thực hiện mà kết quả không hoàn thành hoặc hoàn thành một phần mục tiêu đề ra mà không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, được cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố xét xử; cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, xử lý kỷ luật và trách nhiệm hoàn trả ngân sách Nhà nước.

Cơ quan, người có thẩm quyền quyết định cho phép thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo phải kịp thời xem xét, đánh giá kết quả thực hiện, xác định các nguyên nhân khách quan, chủ quan và có kết luận đầy đủ, toàn diện, công tâm, khách quan, minh bạch trong trường hợp kết quả thực hiện đề xuất thuộc quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Cán bộ, cá nhân thực hiện đề xuất được miễn xử lý trách nhiệm, được giảm trách nhiệm thuộc trường hợp xử lý kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, trách nhiệm hoàn trả ngân sách Nhà nước thì không được xem là tiêu chí trong đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm, quy hoạch, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng.

Đề xuất phương án chọn đối với cán bộ và trách nhiệm của các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát

Đối với thẩm quyền quy định về chính sách khuyến khích, biện pháp bảo vệ cán bộ và trách nhiệm của các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, Bộ Nội vụ cho biết vấn đề này hiện đang có 2 ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất, đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Lý do là một số quy định của dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ (về miễn, giảm trách nhiệm đối với cán bộ, cơ quan, tổ chức...); trách nhiệm của một số cơ quan như TAND, VKSND... vượt quá thẩm quyền của Chính phủ, nên cần được quy định, điều chỉnh bằng Nghị quyết của Quốc hội.

Đề xuất này phù hợp với đề nghị của Quốc hội yêu cầu Chính phủ “Khẩn trương tham mưu thể chế hóa, thực hiện Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khich và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung” nêu tại Nghị quyết số 75/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. 

Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ có trách nhiệm thực hiện và hướng dẫn thi hành Nghị quyết. Theo đó, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định hướng dẫn về vấn đề này.

Ý kiến thứ hai là đề nghị chỉ ban hành Nghị định của Chính phủ về nội dung này. Bộ Nội vụ đề xuất Chính phủ báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ xem xét trình cấp có thẩm quyền cho ý kiến trước khi Chính phủ ban hành Nghị định.

P.V