Mang thân phận bị can suốt 33 năm

Theo nội dung vụ án, năm 1966, ông Nguyễn Lâm Sáu tốt nghiệp đại học chuyên ngành thú y tại Liên Xô, công tác 10 năm tại nông trường Đông Hiếu (Nghệ An). Sau đó, ông Sáu chấp hành lệnh của Bộ Nông nghiệp điều động vào xây dựng Nông trường Ea Kao, tỉnh Đắk Lắk.

Khi làm việc tại đây, ông Sáu phát hiện nhiều sai phạm, tiêu cực nên đã làm đơn tố cáo đến các cấp chính quyền... Sau đó, thanh tra tỉnh Đắk Lắk đã kết luận nội dung tố cáo của ông là đúng sự thật.

leftcenterrightdel
Quang cảnh buổi xin lỗi công dân 

Tuy nhiên, ngày 14/11/1985, cơ quan Công an tỉnh Đắk Lắk đã khám xét và thu giữ tại nhà ông một chai dầu cam 65ml (đã hỏng). Từ chứng cứ này, ông Sáu bị bắt vì tội “Buôn bán hàng trái phép". Theo ông Sáu phản ánh, biên bản khám xét ghi rõ bắt theo Lệnh số 08/LB ngày 14/12/1985, tức là một tháng sau đó. Hơn nữa, việc bắt và khám xét ông không có phê chuẩn của Viện Kiểm sát và cũng không có sự chứng kiến của đại diện chính quyền địa phương!?

Sau một tuần tạm giam, ngày 21/11/1985 Công an tỉnh Đắk Lắk giao cho ông Nguyễn Lâm Sáu tờ Lệnh tạm tha, ghi rõ: "Trong khi chờ kết thúc điều tra và quyết định di lý, căn cứ vào pháp luật hiện hành: Ra lệnh tạm tha. Bị can Nguyễn Lâm Sáu về địa phương phải trình lệnh này với địa phương và khi nào cơ quan pháp luật có giấy gọi, bị can phải đến đúng ngày, giờ quy định"…

Từ đó đến nay, suốt 33 năm, ông Sáu phải mang thân phận bị can còn các cơ quan tố tụng tỉnh Đắk Lắk dường như lãng quên sự việc. Sau đó, ông Sáu liên tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng mong vụ việc được giải quyết rõ ràng, dứt điểm. Tháng 7/2008, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng có văn bản chỉ đạo, yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk khẩn trương kiểm tra, kết luận vụ việc. Tháng 7/2009, Văn phòng Chủ tịch nước chuyển đơn của ông Sáu đến VKSND tối cao xem xét, giải quyết. Ba tháng sau, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng chuyển đơn của ông đến Bộ Công an, VKSND tối cao.

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Lâm Sáu phát biểu tại Hội trường

Việc bắt đúng nhưng có nhiều sai sót về quy trình

Tại buổi xin lỗi công khai,  Trung tá Lê Văn Tuấn, phó trưởng phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk, thay mặt Công an tỉnh công bố kết luận vụ việc dẫn đến oan sai đối với ông Sáu. Theo ông Tuấn, vào thời điểm tháng 11/1985, tinh dầu cam và bột axit chanh là các loại nguyên liệu sản xuất, hương liệu thực phẩm thuộc danh mục mặt hàng nhà nước độc quyền kinh doanh, nghiêm cấm tư nhân tàng trữ, buôn bán…"Như vậy người nào có hành vi buôn bán trái phép hoặc liên quan đến buôn bán trái phép tinh dầu cam và bột axit chanh đều bị buộc vào hành vi buôn bán các hàng hóa bị nhà nước cấm và có dấu hiệu tội phạm bán hàng nhà nước cấm. Đây là 1 trong 6 tội được quy định tại điều 6 tội kinh tế trong Sắc luật số 03 ngày 15-3-1976 của Hội đồng Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền nam Việt Nam quy định các tội phạm và hình phạt. Vì vậy, việc bắt người vào ngày 14-11-1985 của Phòng an ninh kinh tế được thực hiện theo sắc luật số 03 nêu trên" – trung tá Tuấn khẳng định.

Trong quá trình giải quyết đơn của ông Sáu, Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện những vi phạm của ông Bùi Văn Nhị (nguyên trưởng Phòng Phòng An ninh kinh tế - văn hóa Công an tỉnh Đắk Lắk - người trực tiếp chỉ đạo), ông Bùi Văn Cường (nguyên cán bộ thực hiện lệnh bắt, khám xét). Cụ thể: Sử dụng tùy tiện và sai biểu mẫu tố tụng hình sự trong hoạt động điều tra, gồm: Mẫu biên bản khám xét (bắt, khám xét đối với ông Sáu trong trường hợp bắt khẩn cấp không phải là bắt giam, nhưng sử dụng biểu mẫu biên bản khám xét trong trường hợp bắt giam); khi thay đổi biện pháp ngăn chặn phải sử dụng quyết định trả tự do lại sử dụng lệnh tạm tha, dẫn đến sai sót trong hoạt động điều tra, ảnh hưởng về mặt tinh thần đối với ông Sáu. Bên cạnh đó, việc tạm giữ ông Sáu cũng trái quy định, tạm giữ quá 7 ngày theo quy định pháp luật lúc đó. Ông Sáu chưa bị khởi tố bị can vì chưa có sự phê chuẩn của Viện Kiểm sát cùng cấp. 

Ngoài ra, sau khi ông Sáu được tạm tha, Phòng An ninh kinh tế - văn hóa không tiếp tục điều tra làm rõ để kết luận và giải quyết dứt điểm vụ việc là không đúng với quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Sáu.

leftcenterrightdel
Đại tá Nguyễn Thế Lực phát biểu tại buổi xin lỗi công dân 

Phát biểu tại buổi xin lỗi, đại tá Nguyễn Thế Lực, phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk đã thay mặt Cơ quan công an địa phương gửi lời xin lỗi đến ông Nguyễn Lâm Sáu và gia đình vì cán bộ của công an tỉnh trong quá trình điều tra đối với ông có nhiều sai phạm, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của ông. Đại tá Nguyễn Thế Lực mong ông Sáu và gia đình ghi nhận lời xin lỗi chân thành và phối hợp với công an tỉnh trong quá trình giải quyết các thủ tục thỏa thuận, bồi thường theo quy định hiện hành. Qua vụ việc, công an tỉnh cũng sẽ quán triệt sâu rộng trong toàn bộ lực lượng, nhất là bộ phận điều tra để tránh những sai sót đáng tiếc trong nghiệp vụ. Thay mặt những người trực tiếp điều tra, dẫn đến sai sót trong vụ ông Sáu, đại tá Bùi Văn Nhị, 77 tuổi - nguyên trưởng phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk (đã nghỉ hưu) nhận mình chịu trách nhiệm chính trong sai sót và cũng gửi lời xin lỗi đến ông Sáu và gia đình. 

Phát biểu tại buổi xin lỗi, ông Nguyễn Lâm Sáu nói đây là ngày hạnh phúc nhất trong những năm tháng dài mang thân phận bị can của mình. Tuy nhiên, ông Sáu cũng khẳng định, trong quá trình làm việc thì bất cứ ai cũng có thể sai nhưng việc nhận sai, sửa chữa và xin lỗi là rất đáng ghi nhận. Ông Sáu cũng gửi lời cảm ơn đến các luật sư, cơ quan báo chí đã cùng ông trong những tháng ngày dài đã qua. 

PV (tổng hợp)