(BVPL) - Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), mỗi năm có gần 70 triệu trẻ em trên thế giới bị ảnh hưởng bởi thảm hoạ thiên tai, trong đó có một lượng đáng kể trẻ em tham gia lao động sống trong các khu vực chịu ảnh hưởng bởi xung đột và thiên tai.“Vận động chính sách, giải pháp phòng ngừa lao động trẻ em trong thảm họa thiên nhiên và biến đổi khí hậu” là chủ đề của buổi hội thảo được Bộ Lao động - Thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) vừa tổ chức tại Hà Nội.

 


Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, trong đó có Công ước ILO 138 về độ tuổi tối thiểu và Công ước ILO 182 về xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất.

Tại Việt Nam, theo Báo cáo Khảo sát quốc gia về lao động trẻ em năm 2012 do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp ILO tại Việt Nam và Tổng cục Thống kê thực hiện, có 1,75 triệu lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 - 17 tuổi, chiếm 9,6% tổng dân số trẻ em.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, Chính phủ Việt Nam đã cam kết giải quyết vấn đề lao động trẻ em thông qua ban hành hệ thống luật pháp và chính sách nhằm đảm bảo phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em.

Bộ Luật lao động đã có các quy định về độ tuổi lao động tối thiểu, thời giờ làm việc và điều kiện làm việc, quy định về lao động đối với người chưa thành niên. Luật Trẻ em năm 2016 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/6/2017 tiếp tục có các quy định cụ thể về các hành vi nghiêm cấm bóc lột trẻ em, quy định rõ trách nhiệm của các Bộ ngành, đoàn thể, gia đình, cộng đồng, các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế trong việc phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016 - 2020.

Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, một trong năm “ổ bão” của khu vực châu Á - Thái Bình Dương thường xuyên phải đối mặt với các loại thiên tai. Thiên tai gây ra tác động trực tiếp tới tính mạng, sức khỏe và tâm lý của trẻ em. Những khó khăn về kinh tế của gia đình có nguy cơ buộc trẻ em phải nghỉ học, tham gia các hoạt động kinh tế nhằm giúp đỡ gia đình vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

 Ông Dương Văn Hùng, chuyên gia về trẻ em cho rằng: Thảm họa thiên tai tác động đến mọi mặt trong đời sống của người dân, đặc biệt là trẻ em - nhóm dễ bị tổn thương. Do tác động của thiên tai và biến đổi khí hâu, trẻ em phải đối mặt với 4 nguy cơ dẫn đến phải lao động sớm. Do ảnh hưởng của thiên tai, nhiều gia đình phải di dời đến nơi khác an toàn để làm ăn và trẻ em có nguy cơ mất cơ hội tiếp tục học hành; Nhiều trẻ di cư có nguy cơ bị bạo hành; do hoàn cảnh gia đình buộc trẻ em có nguy cơ lao động sớm.

Thiên tai gây sập nhà, phá hủy tài sản, mất phương tiện sản xuất, phá hủy mùa màng…đẩy người dân rơi vào tình trạng đặc biệt khó khăn, thiếu thốn, thậm chí nghèo đói nên số trẻ em phải lao động sớm gia tăng.  Khi thiên tai quy mô lớn xảy ra bất ngờ, phá hủy sản xuất, cơ sở chế biến, gián đoạn các dịch vụ….dẫn đến tình trạng mất việc làm, tái nghèo do cha, mẹ bị thiệt mạng, ốm đau, thương tật, không còn lao động chính. Trong những trường hợp này, trẻ em có nguy cơ buộc phải tham gia các hoạt động kinh tế (chủ quan và khách quan).

Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong phòng ngừa thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, đã ban hành các quy định luật pháp, chính sách, chiến lược về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, chiến lược quốc gia, kế hoạch hành động về ứng phó với biến đổi khí hậu, các chính sách hỗ trợ trẻ em và gia đình trong tình trạng khẩn cấp do thiên tai; bên cạnh đó sự tham gia của cộng đồng trong việc kịp thời ủng hộ hỗ trợ trẻ em người dân tại vùng thiên tai. Đặc biệt đối với việc bảo vệ trẻ em, phòng ngừa lao động trẻ em trong thiên tai đòi hỏi một sự tham gia của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội.
 

Mai Hòa

.