Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, nói về quy trình tiêm chủng an toàn.
 
 
Theo đó, bác sĩ tiếp nhận trẻ phải cân đo, khám sàng lọc trước. Trước khi tiêm xem trẻ có sốt, có đang bệnh gì không, hỏi kỹ tiền sử bệnh và dị ứng của trẻ.
 
Trẻ sẽ bị hoãn tiêm nếu đang sốt, không tiêm nếu tiền sử có phản ứng mạnh với vắc xin cùng loại tiêm trước.
 
Sau đó, bác sĩ mới đưa chỉ định tiêm, rồi tiêm cho trẻ. Đặc biệt, sau khi tiêm, trẻ phải được ở lại chỗ tiêm theo dõi phản ứng sau tiêm 30 phút và tiếp tục theo dõi ở nhà 24 giờ.
 
Tuy nhiên, hiện nay, ghi nhận tại các trạm y tế có thể thấy rằng quy trình chủng ngừa hầu như đã bị “rút gọn”. Trẻ đến tiêm chỉ được hỏi tên, tuổi, có bệnh gì không một cách qua loa. Sau đó trẻ được tiêm. Còn việc có ngồi lại theo dõi 30 phút sau tiêm hay không thì cũng tùy ý phụ huynh.
 
Phản ứng phụ
 
Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ cho biết, phản ứng phụ khi tiêm ngừa tất nhiên phải có, với biểu hiện tùy cơ địa của trẻ. Tuy nhiên, những phản ứng nguy hiểm rất hiếm khi xảy ra.
 
“Các phải ứng nặng, trầm trọng thường xảy ra trong vòng 30 phút sau tiêm. Vì vậy, phụ huynh cần chủ động cùng trẻ ở lại cơ sở y tế 30 phút để theo dõi và được can thiệp y tế ngay khi có các phản ứng này”, bác sĩ Thọ nhắc nhở phụ huynh.
 
Cụ thể các biểu hiện là: nổi ban, mề đay; sưng mội, phù mắt; khó thở, thở khò khè; mất tri giác.
 
Ngoài ra, khi về nhà, phụ huynh cũng cần theo dõi phản ứng của trẻ ít nhất 24 giờ. Các phản ứng phổ biến có thể gặp ở dạng nhẹ là: đau nơi tiêm, sốt, cáu kỉnh, biếng ăn, nổi ban, đau nhức, nhức đầu.
 
“Các phản ứng này kéo dài trong vòng 48 giờ và tự khỏi mà không cần can thiệp y tế”, bác sĩ Thọ nói.
 
Các phản ứng nặng thường là: sốt cao trên 39 độ C, co giật, khóc thét kéo dài, tím da, khó thở hoặc các biểu hiện bất thường.
 
Bác sĩ Thọ khuyến cáo, khi gặp các biểu hiện này, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện sớm.
 
Theo Thanh Niên
.