Hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam xây dựng để ban hành khung giá tính đủ chi phí, làm cơ sở xem xét, quyết định mức thu của các dịch vụ y tế.
 

1
Ảnh minh họa.


Điều chỉnh giá dịch vụ y tế vì quyền lợi người dân

Trước mắt, theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Bộ Y tế đang khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính để ban hành khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT thống nhất theo hạng bệnh viện trong toàn quốc.

Cụ thể sẽ ban hành mức giá theo 5 hạng bệnh viện: Bệnh viện hạng đặc biệt, Hạng I, Hạng II, Hạng III và Hạng IV; mức giá này vẫn chỉ tính 3/7 yếu tố chi phí trực tiếp là: (1) thuốc, máu, dịch truyền, vật tư; (2) điện, nước và (3) chi phí duy tu, bảo dưỡng tài sản.

Mức giá được tính trên mức bình quân gia quyền của các dịch vụ hiện đang thu theo hạng bệnh viện trong toàn quốc, có tính đến chỉ số giá tiêu dùng nhưng không vượt quá khung giá đã được liên Bộ Y tế - Tài chính ban hành tại Thông tư số 03 năm 2006 và Thông tư 04 năm 2012.

Ngoài ra, có tính thêm chi phí phụ cấp thường trực 24/24 giờ vào giá ngày giường, chi phí chi trả phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật vào giá các phẫu thuật, thủ thuật.

Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế cho rằng giá dịch vụ y tế không đơn thuần là để người dân phải chi trả chi phí cho bệnh viện, mà còn là cơ sở để cơ quan BHXH thay mặt cho người dân thanh toán cho bệnh viện; mục tiêu mà Quốc hội đặt ra là thực hiện BHYT toàn dân, đến năm 2020 phải đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT; do đó giá dịch vụ có vai trò quan trọng trong việc thực hiện chính sách BHYT; nó không như giá các hàng hóa, dịch vụ khác; mà còn là quyền lợi của người dân được hưởng khi tham gia BHYT.

Lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế không phải là tăng chi phí để thực hiện các dịch vụ y tế vì: chi phí để thực hiện các dịch vụ y tế hiện nay đã được quy định trong Nghị định 85/2012/NĐ-CP của Chính phủ gồm 7 yếu tố, hiện nay mới tính 3/7 yếu tố chi phí trực tiếp trong giá; chưa tính tiền lương, khấu hao nhà cửa, khấu hao trang thiết bị, đào tạo chuyển giao kỹ thuật.

Việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế về cơ bản không phải là tăng chi phí mà các khoản trước đây nhà nước bao cấp, nay phải tính vào giá để chuyển phần ngân sách nhà nước bao cấp cho các cơ sở y tế sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT.

Ông Liên cũng cho biết việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế có tác dụng rất lớn đối với người bệnh. Họ được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng tốt hơn. Người bệnh có thẻ BHYT được lợi vì bảo hiểm y tế thanh toán với mức cao hơn nên giảm bớt sự đóng góp thêm của người bệnh đối với các dịch vụ mà trước đây mức giá thấp, BHYT không thanh toán đủ các chi phí.

Nhiều dịch vụ do trước đây mức thu thấp, bệnh viện không có kinh phí để triển khai, nay được điều chỉnh mức thu nên sẽ triển khai, người bệnh BHYT sẽ được hưởng do chi phí hầu hết do BHXH thanh toán, làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT. Như vậy vừa đảm bảo công khai minh bạch, giảm phiền hà cho người bệnh vừa nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và đảm bảo quyền lợi người có thẻ BHYT.

Mặt khác, nếu tính đủ giá dịch vụ y tế thì sẽ khuyến khích các bệnh viện công vay vốn, thực hiện xã hội hóa để đầu tư, giá bệnh viện công và bệnh viện tư sẽ tương đương nên khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho y tế, tạo cạnh tranh bình đẳng về giá giữa các thành phần kinh tế trong khám, chữa bệnh.

Song song với việc đổi mới cơ chế, điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình, Bộ Y tế cũng đã tăng cường chỉ đạo các đơn vị, các bệnh viện cải cách thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh, thực hiện tốt quy tắc ứng xử để giảm phiền hà cho người bệnh, tăng cường giáo dục y đức…; xây dựng đề án giảm tải bệnh viện, đề án bệnh viện vệ tinh.

Người nghèo không bị ảnh hưởng

Trước thông tin tăng giá dịch vụ y tế sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng kinh tế xã hội khó khăn, đặc khó khăn, về vấn đề này, ông Nguyễn Nam Liên khẳng định người nghèo không bị ảnh hưởng gì với việc điều chỉnh viện phí lần này.

Vì Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành tiêu chí đối với người nghèo, người cận nghèo. Theo các chính sách về BHYT hiện hành, nhà nước đã bảo đảm ngân sách để mua thẻ BHYT cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Từ 1/1/2015, người dân sinh sống ở các xã đảo, huyện đảo cũng được nhà nước mua thẻ BHYT. Chính phủ đã hỗ trợ tối thiểu 70% mệnh giá thẻ BHYT đối với người cận nghèo, khuyến khích các địa phương sử dụng ngân sách địa phương, các nguồn vốn khác và Bộ Y tế cũng đã huy động một số dự án ODA để hỗ trợ thêm cho người cận nghèo tham gia BHYT.

Đến nay trên 14 triệu người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và gần 3 triệu người cận nghèo đã được Nhà nước mua và hỗ trợ mua thẻ BHYT. Để giải quyết khó khăn cho đối tượng này, Bộ Y tế đã trình và Chính phủ đã thống nhất trình và được Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, trong đó từ 1/1/2015, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng KTXH khó khăn, đặc biệt khó khăn khi đi khám, chữa bệnh theo quy định của Luật BHYT được Quỹ BHYT thanh toán 100%, không phải đồng chi trả (trước đây phải đồng chi trả 5%); người cận nghèo được BHYT thanh toán 95%, chỉ phải đồng chi trả 5% (trước đây BHYT thanh toán 80%, phải đồng chi trả 20%).

Riêng đối với người làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành tiêu chí người có mức sống trung bình làm cơ sở để hỗ trợ đối tượng này tham gia BHYT.

Việc tính đủ giá dịch vụ y tế sẽ đưa giá dịch vụ y tế về đúng giá trị thật, sẽ khuyến khích người dân tham gia BHYT vì thực tế hiện nay, giá thấp nên nhiều người không thuộc diện được hỗ trợ mua thẻ BHYT sẽ không tham gia BHYT mà bỏ tiền túi ra chi trả, nhưng khi điều chỉnh giá, người dân sẽ thấy được lợi ích, tính nhân văn của BHYT là hàng năm chỉ phải đóng một mức nhỏ để mua BHYT, khi đau ốm sẽ được BHYT thanh toán, giảm bớt rủi ro.
 

Theo infonet

.