Sừng tê giác không phải là 'thần dược'
Cập nhật lúc 11:30, Thứ năm, 16/10/2014 (GMT+7)
(BVPL) - Các nhà bảo tồn Nam Phi cảnh báo, nếu tình trạng săn bắt, buôn bán và sử dụng sừng tê giác không được ngăn chặn và xử lý kịp thời thì chỉ trong 6 năm nữa, loài động vật quý hiếm này sẽ bị tuyệt chủng, có nghĩa là khoảng 29.000 con tê giác còn sót lại trên trái đất sẽ hoàn toàn biến mất.
Tuy nhiên, thông tin sừng tê giác có thể chữa được bách bệnh thực tế chỉ là tin đồn, không có căn cứ khoa học rõ ràng. Giáo sư, bác sỹ Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam, chia sẻ: Giá trị của sừng tê giác được tạo nên bởi những lời đồn thổi, niềm tin mù quáng của người sử dụng. Người sử dụng chi tiền mua sừng tê giác để chữa ung thư như một một thần dược; nhưng đến nay, chưa có một nghiên cứu khoa học nào về tác dụng của sừng tê giác. Ông Hùng cho biết thêm, sừng tê giác do chất keratin (chất sừng) tạo ra, tương tự như thành phần cấu tạo của móng tay, sợi tóc con người và cũng như sừng trâu, sừng bò. Hơn thế nữa, hầu hết các sản phẩm được cho là sừng tê giác đang có mặt trên thị trường đều là hàng giả được làm từ sừng trâu, sừng bò. Các chuyên gia y học hàng đầu thế giới, qua quá trình nghiên cứu đều kết luận, sừng tê giác không có tác dụng điều trị ung thư.
Thực tế cho thấy, hiện nay, trên thị trường Việt Nam, khoảng 80% là sừng tê giác giả, phần lớn là sừng trâu, sừng bò, sừng dê, sừng linh dương được mài dũa rất đẹp và giống hệt như sừng tê giác nhưng khi soi ánh sáng vào thì không thấy màu đỏ hồng (đây là đặc trưng riêng mà chỉ sừng tê giác mới có).
Đó là chưa kể đến việc trong sừng tê giác còn chứa nhiều thành phần phức tạp và có nguồn gốc xa lạ với con người. Vì thế, sừng tê giác hoàn toàn có khả năng gây dị ứng và nhiễm độc cho cơ thể người. Trên thực tế, đã từng có người bị nhiễm độc da dị ứng do uống sừng tê giác, thậm chí đã ghi nhận ca tử vong vì dùng sừng tê giác để chữa bệnh ung thư.
Tiêm thuốc độc vào sừng để bảo vệ tê giác khỏi nguy cơ tuyệt chủng
Được biết loại thuốc này không gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của tê giác nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người sử dụng.
GS Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh, việc sử dụng sừng tê giác đã bị tiêm thuốc độc là rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, việc sử dụng sừng tê giác lấy cắp tại các bảo tàng cũng có nguy cơ nhiễm độc do chúng được đã được sử dụng nhiều hóa chất để bảo quản.
Tuy nhiên, theo bà Teresa Telecky – Giám đốc Bộ phận loài hoang dã, thuộc tổ chức Humane Society International, dù đã tiêm thuốc độc vào sừng tê giác nhưng số lượng tê giác bị săn bắn lấy sừng ở châu Phi vẫn không ngừng tăng lên. Do vậy, bà Teresa Telecky bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ có những biện pháp hiệu quả trong việc ngăn chặn nạn buôn bán và sử dụng trái phép sừng tê giác, góp phần giảm nguy cơ tuyệt chủng của loài động vật quý hiếm này.
Quỳnh Anh
.