Tăng cholesterol máu là một trong những nguy cơ chính gây bệnh vữa xơ động mạch và bệnh động mạch vành.

 


Để phát hiện được rối loạn lipid máu, BS Lê Đức Hinh cho rằng, cách duy nhất là làm các xét nghiệm máu và khám sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của giáo sư, cách phát hiện bệnh rõ nhất là chúng ta phải tự theo dõi sức khỏe của mình, ít nhất mỗi tháng nên cân một lần.

Mọi người đều phải biết chỉ số chiều cao, cân nặng của mình thông qua việc đi thăm khám bệnh định kỳ ở các cơ sở y tế. Qua chỉ số cân nặng, chiều cao là có thể tính ra được bệnh một cách dễ dàng. Chiều cao và cân nặng phù hợp, tức là chúng ta giữ được sức khỏe ổn định. Trong trường hợp chiều cao và cân nặng không phù hợp thì chúng ta phải nghĩ ngay đến hiện tượng béo phì. Điều mà chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy đó là những người béo bụng, những người ít hoạt động và người trì trệ rất dễ bị rối loạn lipid máu.

Dấu hiệu thứ 2 là cảm thấy mệt mỏi, choáng váng, ăn không tiêu, rối loạn về tiêu hóa, tức là trong nội tạng có vấn đề, rồi không ổn định về huyết áp. Mỗi người phải giữ con số huyết áp ổn định, bởi vì con số huyết áp cũng phản ánh tình trạng mạch máu. Huyết áp lý tưởng nhất là 150/80mmHg như theo khuyến cáo của quốc tế, con số huyết áp cho người trưởng thành 130/mmHg. Tuy nhiên, không phải ai trong chúng ta đều có con số huyết áp lý tưởng như vậy…

Tại sao bị rối loạn mỡ máu?

Theo GS BS Lê Đức Hinh, do ăn quá nhiều chất béo bão hòa là nguyên nhân chủ yếu gây tăng cholesterol máu. Các chất béo bão hòa có trong các thức ăn có mỡ, đặc biệt là sữa và các sản phẩm từ sữa, thịt mỡ, bơ, hai loại dầu thực vật là dầu dừa và dầu cọ, hầu hết các loại thức ăn rán, các loại bánh như bích quy và ga tô.

“Có thể thay thế thức ăn có chứa nhiều chất béo bão hòa bằng các thức ăn có chứa chất béo không bão hòa đa chuỗi và đơn chuỗi sẽ làm giảm lượng cholesterol trong máu. Các thức ăn có chứa nhiều chất béo không bão hòa đa chuỗi bao gồm: dầu hướng dương, sữa đậu nành, cá, một số loại quả và củ. Các thức ăn có chứa chất béo bão hòa đơn chuỗi bao gồm dầu ô liu, dầu lạc. Ăn nhiều thức ăn có chứa cholesterol sẽ làm tăng lượng cholesterol trong máu, đặc biệt nếu người có nguy cơ bị mắc nhiều bệnh vữa xơ đông mạch và bệnh động mạch vành”, GS BS Lê Đức Hinh khuyên.

BS Lê Đức Hinh khuyến cáo, người bị thừa cân béo (béo phì), uống nhiều rượu và ăn nhiều thức ăn có chứa chất béo sẽ làm tăng lượng triglycerid trong máu. Để làm giảm lượng triglycerid máu, cần hạn chế ăn các thức ăn có chứa chất béo, hạn chế uống rượu và giảm cân nếu bạn bị thừa cân.

Cholesterol và triglycerid máu là các thành phần chất béo ở trong máu, thường được gọi là các thành phần của mỡ máu hay chính xác hơn là lipid máu. Mọi người đều có cholesterol và triglycerid trong máu.

Tăng cholesterol máu là một trong những nguy cơ chính gây bệnh vữa xơ động mạch và bệnh động mạch vành. Nguy cơ bị bệnh động mạch vành và các bệnh lý tim mạch khác càng làm tăng cao hơn nếu như bạn có các yếu tố khác bao gồm hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường, thói quen ít vận động và thừa cân (béo phì).

Người từ 30 tuổi trở đi có nguy cơ bị bệnh cao

Cũng theo GS BS Lê Đức Hinh, người sau 30 tuổi có thể đọng chất mỡ trong cơ thể, đặc biệt ở thành mạch máu. Với tuổi cao, lượng đó có thể tăng cao nhưng nó phụ thuộc vào chế độ ăn uống và tất cả chế độ sinh hoạt khác.

Khi mạch máu bị đọng chất mỡ sẽ cản trở lưu thông mạch máu và bị hẹp lại, dòng máu có thể bị cản trở. Nếu ở những mạch máu ở đầu, có thể gây tắc. Nếu tắc  mạch máu đó sẽ làm cho người bệnh bị nhức đầu, thậm chí gây liệt nửa người. Khi đó gọi là bệnh nhồi máu não. Nếu bệnh đó không phát hiện sớm, điều trị kịp thời, người bệnh có thể bị di chứng.

Theo nghiên cứu của các giáo sư của bệnh viện 108, tỷ lệ mắc bệnh rối loạn lipid máu thường xảy ra ở tuổi 30 trở đi. Càng tuổi cao, thành mạch yếu kém, những vữa xơ đọng lại.

Để phòng tránh bệnh, GS BS Lê Đức Hinh khuyên rằng, nên thực hiện chế độ ăn uống điều độ, giảm các chất béo bão hòa (thịt mỡ, phomat), da gà, bì lợn, lòng đỏ trứng gà, thịt đỏ, phủ tạng động vật (tuy nhiên không phải kiêng mà chỉ hạn chế các loại thức ăn này); không ăn qua nhiều chất đạm; không nên uống bia, rượu. Nên ăn nhiều hoa quả vì chúng làm giảm lượng cholesterol.

Nên tập thể dục 30 phút mỗi ngày

Đặc biệt, hằng ngày, nên dành 30 phút tập thể dục, đi bộ (ít nhất một tuần nên dành 150 phút đi bộ là tốt nhất). Ở những người cao tuổi, tập thể dục đơn giản nhất là đi bộ buổi chiều, mỗi ngày có thể đi 30 phút. Ở những người mệt, có thể đi 10 phút rồi nghỉ rồi lại đi tiếp, làm thế nào có thể đi tổng số 30 phút là được.

Đối với những cán bộ công nhân viên chức, nếu không có thời gian luyện tập, có thể đi cầu thang bộ thay vì đi cầu thang máy. Như vậy, một ngày, 1 cán bộ văn phòng ở cơ quan 8 tiếng, lên xuống cũng không mất công nhiều.

Bên cạnh đó, phải nghỉ ngơi, ngủ hợp lý. Người bình thường có thể ngủ từ 6 đến 7 tiếng/ngày. Ở người cao tuổi không ngủ được nhiều, cũng có thể bù vào giấc ngủ trưa./.
 

Theo VOV

.