Ngày 28/2, BS Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng (BV Xanh Pôn) cho biết, bệnh viện đang điều trị cho bệnh nhân nữ 34 tuổi bị bỏng rộng vùng mặt, tay vì chùm bóng bay phát nổ. 4 người còn lại đứng xa hơn bị bỏng tay.

 


Tại khoa Bỏng, một bệnh nhân khác cũng là nạn nhân của nổ bóng bay đã điều trị được 15 ngày. Cô gái này cho biết, hôm 14/2, tổ chức tiệc cho công ty, cô mua 55 quả bóng bay bơm khí. Khi cô và một bạn gái đưa chùm bóng bay từ sảnh chính vào một phòng nhỏ không có cửa sổ, nóng hơn phòng ở ngoài sảnh chính. Vừa qua cửa thì chùm bóng phát nổ, khiến cô bị cháy xém tóc, mặt và tay. Cô gái đi cùng nhẹ hơn nên được xuất viện trước.

Nguy cơ di chứng trên diện rộng

BS Thống cho biết, tai nạn do bóng nổ rất nhiều, nên ông không khuyến khích mọi người chơi với bóng bơm khí, đặc biệt là trẻ em. Bởi bóng này không chỉ có nguy cơ nổ khi gần lửa, mà việc cọ xát giữa những trái bóng trong một chùm bóng to cũng có thể gây nổ; thay đổi môi trường, như lấy bóng từ túi bóng đựng ra; cho bóng vào phòng kín, ô tô… đều có khả năng gây nổ, với áp lực mạnh.

Vì tuy thường không gây bỏng sâu, nhưng lại gây bỏng rộng vùng mặt, tay, cổ… ảnh hưởng đến thẩm mỹ, để lại di chứng biến đổi sắc tố trên da, chỗ đen, chỗ thâm, chỗ trắng loang lổ. Cũng có những bệnh nhân cơ địa sẹo lồi, bỏng sâu gây sẹo lồi co dính.

“Việc biến đổi sắc tố da sau bỏng rất lâu bình phục ảnh hưởng đến thẩm mỹ khá nặng nề. Người bệnh phải tránh nắng tuyệt đối, bôi thuốc, kem chống nắng khi đi ra đường thời gian rất dài”, BS Thống nói.

BS Thống lưu ý, khi cho trẻ chơi bóng cần giám sát để tránh xa lửa, chơi quả nhỏ ít một để không gây cọ xát, nổ “cộng hưởng” cả chùm, không mang bóng bơm khí vào trong ô tô. Người bán bóng khi cầm cả chùm bóng lớn cũng phải rất thận trọng khi thay đổi môi trường, cọ xát để phòng nguy cơ nổ.

“Việc mang bóng vào ô tô nhiều nhà vẫn chiều con trẻ, rất nguy hiểm bởi môi trường kín, áp lực lớn hơn nên khi xảy ra nổ, sát thương cũng nặng hơn.
 

Theo Hồng Hải/Dân trí

.